Ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà chủ tịch công ty luật SBLAW về vấn đề " Mạo danh trên mạng xã hội " trên báo an ninh thủ đô. luật sư cho rằng, việc mạo danh trên mạng xã hội là hành vi sai trái về đạo đức và luật pháp...
Mời quý vị đón đọc chi tiết bài báo
Thời gian qua, tình trạng mạo danh trên mạng xã hội diễn ra khá phổ biến. Điều đáng nói là, không chỉ người nổi tiếng mà ngay cả những cá nhân bình thường cũng là nạn nhân của hiện tượng này, khiến uy tín, danh dự… của họ bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng.
Ai cũng có thể bị mạo danh
Thông thường, việc mạo danh trên mạng xã hội được thực hiện theo các bước như lập trang Facebook, sử dụng hình ảnh của người bị mạo danh và đăng tải, chia sẻ các thông tin liên quan, thậm chí lấy danh nghĩa những cá nhân này để quảng cáo sản phẩm, kêu gọi từ thiện. Thời gian qua, một số vụ việc giả danh người nổi tiếng trên Facebook đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Cách đây không lâu, Công an quận 3 (TP.HCM) đã tạm giữ 2 đối tượng để điều tra về việc giả danh là người quản lý Hoa hậu Việt Nam Đ.T.T để ký hợp đồng quảng cáo. Diễn viên điện ảnh nổi tiếng D.H cũng từng bị một kẻ lập Facebook mạo danh để vay tiền khắp nơi với lý do chi trả kinh phí phẫu thuật sau khi bị tai nạn giao thông. Rất may là việc mạo nhận này đã nhanh chóng bị phát hiện.
Ngoài hoa hậu, diễn viên nổi tiếng, những người có uy tín trong giới khoa học hay một số chính trị gia, lãnh đạo cũng bị mạo danh. Không dừng lại ở đó, để nhanh chóng nổi tiếng, có bạn trẻ còn mạo danh là thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Là người đã từng bị mạo danh nhiều lần trên mạng xã hội, chị Vũ Hà Vy - người kinh doanh mỹ phẩm, quần áo qua mạng có uy tín chia sẻ, cứ vài tuần chị lại nhận được thông tin từ bạn bè cho biết tên và hình ảnh của mình đã được sử dụng trên một trang mạng xã hội khác. Hầu hết những trang mạo danh này cũng kinh doanh các mặt hàng giống chị Vy, song chất lượng hàng hóa thường không đảm bảo và được bán với giá khá rẻ. Dù rất bức xúc nhưng mỗi khi nhận được thông tin này, chị Vy chỉ biết khẳng định lại trên trang cá nhân của mình rằng bản thân chỉ có 1 Facebook đang sử dụng, đồng thời lưu ý khách hàng cần thận trọng kẻo bị kẻ xấu lợi dụng. “Việc lập Facebook khá dễ dàng nên một số đối tượng không chỉ mượn danh tôi để kinh doanh mà còn sử dụng vào mục đích khác như nói xấu người thứ ba, đưa những thông tin sai sự thật. Vì lý do kinh doanh, tôi không thể đóng trang cá nhân của mình, nhưng quả thật việc bị mạo danh này khiến tôi khá đau đầu” - chị Vy chia sẻ.
Trước sự xuất hiện của một số trang blog cá nhân và tài khoản Facebook mạo danh lãnh đạo, những người nổi tiếng, đại diện Bộ TT-TT cho rằng, mỗi cá nhân trước khi đăng tải, chia sẻ thông tin phải biết chắt lọc, có trách nhiệm kiểm tra tính xác thực của thông tin đó bởi họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra. Người sử dụng chỉ nên coi nguồn tin từ người được chỉ định phát ngôn của các cơ quan, tổ chức, hoặc thông tin được đưa lên trang thông tin điện tử của những cơ quan này là thông tin chính thức.
Có thể bị xử lý hình sự
Về trách nhiệm pháp lý của cá nhân có hành vi vi phạm, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty Luật S&B cho rằng, việc mạo danh trên mạng xã hội là hành vi sai trái về đạo đức và luật pháp. Nó gây ra sự bất an và khó chịu cho những người bị mạo danh, ảnh hưởng tới đời sống và công việc của họ. Còn về pháp luật, Bộ luật Dân sự đã quy định, danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Luật Công nghệ thông tin và Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cũng nghiêm cấm việc giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cũng theo Luật này, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.
Về biện pháp hành chính, hành vi “Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác” sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng. Ngoài ra, căn cứ vào từng vụ việc cụ thể, người thực hiện hành vi có thể bị khởi tố về tội làm nhục người khác, tội vu khống, tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet… Bên cạnh đó, người bị mạo danh có thể khởi kiện vụ việc dân sự để đòi bồi thường thiệt hại về tinh thần và vật chất, xin lỗi hoặc cải chính công khai do hành vi này gây ra.
Cũng theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, khi phát hiện bị giả mạo, để tránh thiệt hại cho người khác và chính bản thân mình, nạn nhân cần sử dụng các công cụ của mạng Facebook, gửi thông tin tới nhà cung cấp để họ khóa các tài khoản giả mạo, đồng thời cần thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi có hậu quả xảy ra, người bị giả mạo nên nhanh chóng thông báo với cơ quan chức năng để đề nghị xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, những người dùng mạng xã hội cũng cần nâng cao nhận thức, không nên tin vào những thông tin chưa được kiểm chứng, không rõ nguồn…