Nguy cơ mất trắng khi thuê dịch vụ ship COD

Nội dung bài viết

0 Huệ Linh
ANTD.VN -Những ngày qua, hàng trăm cửa hàng trên địa bàn Hà Nội trong đó có nhiều shop bán hàng online vô cùng lo lắng trước thông tin một công ty chuyển phát nhanh bất ngờ tuyên bố ngừng hoạt động, trong khi đang nợ của khách hàng tỷ đồng.

Tiện thì có tiện…

Trên mạng xã hội, Giám đốc của công ty này cho biết doanh nghiệp phải dừng hoạt động do “không còn đủ khả năng tài chính”. Công ty không cân đối được thu chi dẫn đến sử dụng và lạm dụng tiền thu hộ (COD) của khách hàng vào các hoạt động của mình. Theo danh sách những đối tác công ty này nợ tiền đã được công khai, có khách hàng chỉ bị nợ vài chục nghìn đồng, nhưng có khách hàng bị nợ tới vài trăm triệu đồng.

Mặc dù sau khi thông tin trên được đăng tải, để trấn an khách hàng, Chủ tịch HĐQT của công ty này đã nhanh chóng xác nhận lại thông tin, công ty chỉ tạm dừng hoạt động, đồng thời cam kết nỗ lực giải quyết triệt để các vấn đề còn tồn đọng và đền bù thỏa đáng cho đối tác. Song sau sự việc này, không ít khách hàng đã tỏ ra hoang mang về sự rủi ro của dịch vụ chuyển phát nhanh với hình thức COD.

ảnh 1

Dịch vụ chuyển hàng thu tiền hộ khá tiện lợi nhưng cũng có nhiều rủi ro (ảnh minh họa)

Trong tiếng Anh, COD là viết tắt của từ Cash on Delivery, nghĩa là giao hàng thu tiền hộ. Tức là người mua hàng sẽ thanh toán tiền hàng và cả phí vận chuyển khi nhận hàng. Thời gian qua, hầu hết các công ty hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa ở Việt Nam đều cung cấp dịch vụ ship COD với nhiều tên gọi khác nhau như: Dịch vụ ship hàng COD, vận chuyển thu tiền hộ, vận chuyển thu tiền tận nơi…

Với sự phát triển khá nhanh của giao dịch thương mại điện tử, dịch vụ ship COD được sử dụng ngày càng nhiều, đặc biệt là tại các thành phố lớn do thói quen, tâm lý dùng hàng trước, trả tiền sau của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc chuyển khoản thanh toán tiền mặt trước thường không được khách hàng tin dùng do lo ngại chất lượng sản phẩm không giống như quảng cáo hoặc sợ chủ shop “bùng tiền”. Tuy vậy, bên cạnh những ưu điểm nổi trội, dịch vụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trắng tay khi thuê ship COD

Về phía người bán hàng, trường hợp đơn hàng giao nhận thành công thì bên hãng vận chuyển sẽ giữ tiền hàng trong một số ngày nhất định để kiểm tra lại đơn hàng rồi mới thanh toán trả lại cho người bán nên mất khá nhiều thời gian. Hơn nữa, nếu chọn phải đối tác ship COD không uy tín, họ sẽ có nguy cơ bị mất trắng tiền hàng.

Thời gian qua, hầu hết bên bán khi có nhu cầu thuê thường vào các nhóm trên mạng xã hội để tìm kiếm. Giao dịch giữa hai bên thường là thỏa thuận miệng nên khi shipper (người giao hàng) giao hàng, nhận tiền rồi “bùng”, bên bán chỉ còn nước kêu trời. Bên cạnh đó, sau một tuần nếu bên cung cấp dịch vụ vận chuyển không liên hệ được với bên mua, sản phẩm phải trả lại cho bên gửi. Khi đó, bên bán phải chịu phí chuyển hàng 2 chiều. Chưa kể đến việc, hàng hoá bị chuyển qua, chuyển lại nhiều lần dễ bị hư hỏng, ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm – Bà Đỗ Vân Thủy – chủ một doanh nghiệp bán hàng may mặc trên đường Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết.

Do đó, để tránh rủi ro, một số công ty lớn chỉ nhận ship hàng nếu khách đồng ý thanh toán trước 100% số tiền hoặc yêu cầu shipper để lại một khoản tiền tương đương với số hàng vận chuyển để đặt cọc hay thuê những đơn vị cung cấp dịch vụ ship COD chuyên nghiệp, có uy tín. Bên cạnh đó, trước khi giao hàng, bên bán cần đặt ra những điều kiện với khách hàng như cam kết sẽ thanh toán phí vận chuyển trong trường hợp không nhận hàng, chỉ ship COD với những khách hàng chắc chắn mua hoặc khách không nhận hàng sẽ bị cho vào danh sách “đen”…

Liên quan đến dịch vụ ship COD, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, khi đã giao kết hợp đồng, nếu bên cung cấp dịch vụ bỗng dưng tuyên bố dừng hoạt động hoặc có hành vi gây thiệt hại về vật chất cho khách hàng, theo quy định của BLDS 2015, khách hàng có thể thu thập hồ sơ để khởi kiện ra Tòa yêu cầu đồi bồi thường thiệt hại.

Nếu có dấu hiệu người đứng đầu công ty cung cấp dịch vụ có mục đích chiếm đoạt tiền của đối tác sử dụng cho mục đích cá nhân thì khách hàng có thể trình báo đến cơ quan công an và người này có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Còn trong trường hợp bên cung cấp dịch vụ tuyên bố phá sản, theo Điều 54 Luật Phá sản 2014, tài sản phải được chia theo thứ tự như: Chi phí phá sản, nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết. Như vậy, chỉ sau khi công ty này chi trả hết các chi phí ở trên thì mới đến lượt những chủ nợ. Nếu đơn vị này không còn tài sản, các chủ nợ coi như mất trắng” – Luật sư Nguyễn Thị Thu phân tích.

Nguồn: https://anninhthudo.vn/doi-song/nguy-co-mat-trang-khi-thue-dich-vu-ship-cod/781013.antd

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan