Câu hỏi: Mình ở Hà nội. Mình đang là giáo viên giảng dạy tại Trường X. Mình tham gia bảo hiểm ở trường Y với mức đóng giáo viên khoảng gần 1 triệu (người lao động đóng khoảng 400.000) từ tháng 9/2016 - 7/2017 do hết thời hạn hợp đồng và mình không gia hạn nữa. Tới tháng 9/2017, mình được đóng ở trường X với mức đóng là hơn 4 triệu (người lao động đóng khoảng 400.000). Nhưng do trường cũ còn nợ tiền nên khất lần khất lượt không chốt sổ bảo hiểm cho mình để mình nộp sang trường mới. Vậy cho mình hỏi: Trường hợp của mình có thể khiếu nại đơn vị cũ không? Và mình có thể mở sổ mới rồi sau này cộng dồn hai sổ được không?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn về việc người sử dụng lao động không trả sổ bảo hiểm xã hội, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm:
+ Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
+ Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
+ Cán bộ, công chức, viên chức;
+ Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
.............
Theo như bạn trình bày, bạn là giáo viên giảng dạy theo hợp đồng tại trường Y, do đó bạn thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, đến tháng 7/2017 bạn hết hợp đồng và chuyển công tác thì trường cũ do nợ tiền bảo hiểm xã hội nên không làm thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội cho bạn được. Do đó, bạn có quyền khiếu nại để yêu cầu để bảo vệ quyền lợi theo quy định tại Điều 21 Luật bảo hiểm xã hội 2014:
“1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.
...
5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
6. Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội …”.
Khoản 3 Điều 47 Bộ luật lao động 2012 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Do đó, khi bạn chấm dứt hợp đồng, nhà trường có nghĩa vụ chốt sổ và trả sổ bảo hiểm xã hội cho bạn trong thời hạn chậm nhất là 30 ngày.
Đối với trường cũ do nợ tiền bảo hiểm xã hội nên chưa làm thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội cho bạn. Theo quy định tại Mục 2 Công văn 2266/BHXH-BT sẽ giải quyết như sau: Đối với doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn nợ BHXH, BHYT, nếu giám đốc doanh nghiệp có văn bản gửi cơ quan BHXH cam kết trả đủ tiền nợ BHXH, BHYT và thực hiện đóng trước BHXH, BHYT đối với người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH, người lao động thôi việc để giải quyết chế độ BHXH và chốt sổ BHXH, thì giám đốc BHXH tỉnh xem xét, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác nhận thực trạng khó khăn của doanh nghiệp để giải quyết.
Như vậy, bạn có thể gửi đơn khiếu nại tới Phòng lao động thương binh xã hội quận để yêu cầu giải quyết, đồng thời bạn liên hệ với trường học cũ để hiệu trưởng làm cam kết trả đủ tiền nợ BHXH, BHYT và thực hiện đóng trước cho bạn để chốt sổ bảo hiểm xã hội cho bạn.
Theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì mỗi người chỉ có một số sổ bảo hiểm xã hội duy nhất nên bạn không thể đăng ký một số sổ bảo hiểm xã hội khác khi làm việc tại đơn vị mới. Nay bạn đi làm tại đơn vị mới thì bạn cung cấp số sổ bảo hiểm xã hội của bạn để tiếp tục đóng tiếp cho bạn.