Câu hỏi: Tôi chỉ là một nhân viên bình thường tuy nhiên mỗi lần muốn đề xuất tăng lương với sếp thì luôn nhận được câu là công ty đang khó khăn, làm ăn không có lãi, mà thực tế tôi cũng không biết là 1 năm công ty lời lãi hay lỗ như thế nào? Vậy tôi có quyền hỏi hay công ty phải công bố ra cho nhân viên biết là 1 năm làm như vậy lời hay lỗ gì không?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Điều 102 Bộ luật lao động 2012, chế độ nâng lương đối với người lao động quy định như sau:
"Điều 102. Chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương
Các chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế của người sử dụng lao động”.
Như vậy, pháp luật về lao động hiện tại không quy định bắt buộc người sử dụng lao động phải tăng lương cho người lao động sau một thời gian làm việc. Tuy nhiên, chế độ nâng lương sẽ được quy định tại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của người sử dụng lao động. Nếu trong các văn bản đó có điều khoản thỏa thuận về thời hạn nâng lương thì bạn có quyền yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện theo thỏa thuận của hai bên.
Căn cứ Điều 8 Luật doanh nghiệp 2014 thì nghĩa vụ của doanh nghiệp được quy định như sau:
- Đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
Tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.
-. Kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động; không được phân biệt đối xử và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trongdoanh nghiệp; không được sử dụng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn do pháp luật quy định hoặc tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động, báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.
- Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh.
- Thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng.
Theo quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp thì pháp luật không quy định bắt buộc người sử dụng lao động phải công khai về doanh số, doanh thu cho nhân viên biết. Do đó, bạn không thể yêu cầu giám đốc công ty công khai thông tin này trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định cụ thể.