Trong bài "Người nước ngoài sẽ được gửi tiết kiệm tại Việt Nam?" đăng trên báo Pháp luật TP.HCM, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB LAW.
Nếu Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho người nước ngoài được gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì sẽ là cơ hội để thu hút một nguồn vốn lớn đang bị lãng phí trong suốt thời gian qua.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành dự thảo thông tư hướng dẫn giao dịch tiền gửi có kỳ hạn tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tại điểm 3 Điều 2 của dự thảo quy định đối tượng gửi tiền gửi có kỳ hạn bao gồm: Người cư trú là pháp nhân Việt Nam (VN), cá nhân và người không cư trú là pháp nhân nước ngoài, cá nhân có hiện diện tại VN được gửi tiền gửi có kỳ hạn bằng đồng VN (VNĐ), tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ.
“Quy định nêu trên nhằm đảm bảo hạn chế các dòng vốn nóng, đầu cơ trên thị trường tiền tệ, đồng thời đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng là người không cư trú có hiện diện tại VN. Đồng thời, để đảm bảo quy định rõ ràng, tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) khi triển khai thực hiện” - NHNN lý giải.
Gỡ rào cản cứng nhắc
Theo một số chuyên gia tài chính, nếu việc cho phép người nước ngoài dù cư trú hay không cư trú cũng được phép gửi tiết kiệm có kỳ hạn bằng tiền đồng và ngoại tệ được áp dụng thì đây sẽ là một điểm mới tích cực. Bởi Pháp lệnh Ngoại hối 2005 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối (2013) không cho phép người cư trú là cá nhân nước ngoài, người không cư trú được gửi tiền gửi tiết kiệm bằng VNĐ tại các TCTD.
Chị Lệ Thủy (Hà Nội) có người bạn là công dân Đức, hiện là giảng viên khoa tiếng Đức tại một trường đại học ở Hà Nội. Sau hai năm làm việc, anh ta tiết kiệm được 7.000 USD và muốn gửi tiết kiệm tại một ngân hàng ở VN. Nhưng khi đi gửi thì nhân viên ngân hàng bảo rằng theo quy định người nước ngoài không thể gửi ngoại tệ bằng tiền mặt vào ngân hàng được.
“Tôi không hiểu vì cớ gì lại có quy định như vậy. Bởi nếu để chống rửa tiền thì có nhiều công cụ hữu hiệu thông qua công nghệ thông tin chứ không phải bằng cách cấm người nước ngoài gửi tiền tiết kiệm tại các TCTD tại VN. Nếu tiếp tục duy trì việc cấm người nước ngoài không được gửi tiết kiệm có kỳ hạn sẽ dẫn đến lãng phí về nguồn vốn. Vì nếu không được gửi tiết kiệm tại VN, người nước ngoài đang làm việc tại VN sẽ chuyển những nguồn thu nhập hợp pháp này ra nước ngoài” - chị Thủy nêu quan điểm.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLAW, cho hay đã tư vấn luật cho rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài là những “công dân toàn cầu”. Họ cư trú không thường xuyên ở VN nhưng có phát sinh các khoản ngoại tệ hợp pháp tại VN. Do đó, nếu áp dụng quy định cho phép họ gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn trong bối cảnh lãi suất huy động VNĐ hiện khá cao, ở mức 6,5%-8,2%/năm tùy từng ngân hàng và người nước ngoài chấp nhận đổi từ USD sang VNĐ để gửi tiết kiệm thì sẽ vô cùng có lợi trong việc thu hút vốn của các ngân hàng.
Còn chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng: “Đây là động thái tích cực của NHNN nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng hơn của khách hàng. Ngoài ra, quy định này cũng giúp thu hút một lượng vốn ngoại tệ cho VN”.
Gửi ngoại tệ có được rút bằng ngoại tệ?
Tuy nhiên, có điểm đáng băn khoăn là tại khoản 1 và 2 Điều 11 của dự thảo này quy định người nước ngoài khi gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn bằng VNĐ thì rút tiền mặt bằng VNĐ. Nhưng khi họ gửi tiết kiệm có kỳ hạn bằng ngoại tệ thì buộc phải chuyển sang tài khoản thanh toán ngoại tệ của chính khách hàng đó mở tại TCTD được phép hoặc phải bán số tiền gửi bằng ngoại tệ cho TCTD được phép. Quy định này được NHNN đưa ra nhằm kiểm soát ngoại hối một cách chặt chẽ hơn.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Huỳnh Trung Minh nhận xét: Theo quy định này thì cho dù người nước ngoài gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ hay VNĐ nhưng khi rút tiền đều chỉ được nhận VNĐ. Tức là phải bán toàn bộ số ngoại tệ đó cho ngân hàng chứ không được rút bằng ngoại tệ tiền mặt.
“Cứ giả sử họ vui vẻ chấp nhận rút tiền mặt bằng VNĐ nhưng nếu sau đó họ không chi tiêu hết số tiền VNĐ có được thì trước khi quay trở về nước, số tiền dư đó họ phải làm sao? Họ có được đổi ngoại tệ theo tỉ giá tại ngân hàng không, hay lại phải đem đổi trên thị trường chợ đen. Do đó trong dự thảo nên chăng cần bổ sung nội dung là ưu tiên cho người nước ngoài có nhu cầu được mua ngoại tệ với số lượng tối đa bằng số tiền mà họ gửi tiết kiệm khi rời khỏi VN. Điều này không chỉ tạo sự công bằng hơn, đồng thời cũng khuyến khích được người gửi nhiều hơn” - ông Minh nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng dự thảo cần làm rõ những điều như: Thứ nhất, thủ tục để khách hàng mở tài khoản gửi tiền, bởi các ngân hàng cần phải chuẩn hóa thủ tục gửi tiền tiết kiệm. Chẳng hạn, những ngân hàng trước đây chỉ có biểu mẫu bằng tiếng Việt thì giờ đây cần có biểu mẫu bằng tiếng Anh.
Thứ hai, lúc họ muốn rút tiền thì cũng cần phải có quy định xử lý như thế nào. Đặc biệt cần làm rõ họ gửi bằng ngoại tệ và muốn rút ra bằng ngoại tệ thì có được hay không? Thứ ba, đối với những khoản tiền lớn, khoản tiền bất ngờ hay thiếu nguồn gốc thì quy trình kiểm tra phải như thế nào để phòng, chống rửa tiền...
Nguồn: http://plo.vn/kinh-te/quan-ly-kinh-te/nguoi-nuoc-ngoai-se-duoc-gui-tiet-kiem-tai-viet-nam-715265.html