Câu hỏi:
Thưa Luật sư, nhân viên của Công ty chúng tôi trên đường đi làm về có xảy ra tai nạn giao thông gây thương tích. Thời gian xảy ra tai nạn cách thời gian tan làm 15 phút. Địa điểm xảy ra tai nạn thuộc địa phận người lao động tạm trú và người lao động bị gãy chân phải.
Vậy Luật sư cho tôi hỏi, căn cứ vào tình huống trên thì người lao động có được xác định là tai nạn lao động không? Nếu trường hợp trên được xác định là tai nạn lao động thì cần giải quyết theo trình tự nào từ khi phát sinh sự việc? Quy trình và mức đền bù cụ thể?
Trả lời:
Tình huống trên thì người lao động có được xác định là tai nạn lao động không?
Theo Điều 3.8 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 (“Luật ATVSLD”) quy định: “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho Người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Bộ luật Lao động 2019 và Luật ATVSLD không có quy định minh thị và rõ ràng rằng "quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động" có bao gồm việc di chuyển từ nơi làm việc về nơi ở hay không.
Tuy nhiên, căn cứ quy định tại Điều 45 Luật ATVSLD, Người lao động có thể được hưởng chế độ tai nạn lao động trong trường hợp bị tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Pháp luật không có quy định rõ ràng về tính chất “hợp lý” của khoảng thời gian và tuyến đường, tuy nhiên theo cách hiểu của SB Law:
- Khoảng thời gian hợp lý là khoảng thời gian thông thường để di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc;
- Tuyến đường hợp lý là tuyến đường không phải vòng quá xa so với tuyến đường bình thường từ nơi ở đến nơi làm việc.
Do đó, nếu công ty xác minh được cung đường di chuyển từ Công ty về địa điểm tạm trú của người lao động, tai nạn xảy ra trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý, do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì có thể xác định rằng người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động.
Công ty phải đi theo trình tự giải quyết như thế nào từ khi phát sinh sự việc và quy trình và mức đền bù cụ thể?
Theo Luật ATVSLD, Nghị định 39/2016/NĐ-CP, Công ty cần tuân thủ trình tự giải quyết như sau:
Bước 1: Khi biết tin xảy ra tai nạn lao động, Công ty phải thành lập ngay Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở. Thành phần Đoàn Điều tra tai nạn lao động bao gồm người đại diện được Công ty ủy quyền bằng văn bản làm Trưởng đoàn và các thành viên là đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể người lao động khi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, người làm công tác an toàn lao động, người làm công tác y tế và một số thành viên khác.
Bước 2: Tiến hành điều tra vụ tai nạn lao động, bao gồm các công việc:
- Thu thập dấu vết, chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn lao động.
- Lấy lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn lao động.
- Đề nghị giám định kỹ thuật, giám định pháp y (nếu xét thấy cần thiết).
- Phân tích kết luận về: diễn biến, nguyên nhân gây ra tai nạn lao động; kết luận về vụ tai nạn lao động; mức độ vi phạm và đề nghị hình thức xử lý đối với người có lỗi trong vụ tai nạn lao động; các biện pháp khắc phục và phòng ngừa tai nạn lao động tương tự hoặc tái diễn.
- Lập Biên bản Điều tra tai nạn lao động.
- Tổ chức cuộc họp và lập Biên bản cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động, Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở gửi Biên bản Điều tra tai nạn lao động, Biên bản cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động tới người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân người bị nạn; Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động có người bị nạn đặt trụ sở chính; Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi xảy ra tai nạn lao động.
Lưu ý: Đối với trường hợp bị tai nạn giao thông trên đường di chuyển từ nơi làm việc về nơi ở, việc xác minh, lập biên bản Điều tra tai nạn lao động căn cứ vào một trong các văn bản, tài liệu sau đây:
Hồ sơ giải quyết tai nạn giao thông của cơ quan cảnh sát giao thông;
Văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan công an cấp xã nơi xảy ra tai nạn;
Văn bản xác nhận bị tai nạn của chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn.
Bước 3: Thông báo đầy đủ thông tin liên quan về tai nạn lao động tới tất cả người lao động thuộc cơ sở của mình.
Bước 4: Hoàn chỉnh hồ sơ và lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động, nội dung hồ sơ bao gồm:
- Biên bản khám nghiệm hiện trường (nếu có);
- Sơ đồ hiện trường;
- Ảnh hiện trường, ảnh nạn nhân;
- Biên bản khám nghiệm thương tích;
- Biên bản giám định kỹ thuật, giám định pháp y, kết luận giám định tư pháp (nếu có);
- Biên bản lấy lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn lao động;
- Biên bản Điều tra tai nạn lao động;
- Biên bản cuộc họp công bố biên bản Điều tra tai nạn lao động;
- Giấy chứng thương của cơ sở y tế được Điều trị (nếu có);
- Giấy ra viện của cơ sở y tế được Điều trị (nếu có).
Bước 5: Thanh toán chi phí phục vụ cho điều tra tai nạn lao động
Bước 6: Thực hiện các biện pháp khắc phục và giải quyết hậu quả do tai nạn lao động gây ra; tổ chức rút kinh nghiệm; thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị ghi trong biên bản Điều tra tai nạn lao động; xử lý theo thẩm quyền những người có lỗi để xảy ra tai nạn lao động (nếu có), bao gồm các công việc như chi trả trợ cấp cho người lao động, giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật, sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc, lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, trả đủ tiền lương cho Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.
Về mức đền bù, theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật ATVSLD, Công ty cần bồi thường cho người lao động bằng 40% của mức sau:
- Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
- Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.