Hiện nay có không ít các trường hợp người lao động khi nghỉ thai sản không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ do thiếu hiểu biết pháp luật quy định về nghĩa vụ đóng bảo hiểm, hay trình tự, thủ tục phải thực hiện để được hưởng chế độ. Trên trang báo điện tử Việt Báo, Luật sư Nguyễn Thanh Hà ( chủ tịch công ty Luật TNHH SBLAW) đã có những chia sẻ kiến thức pháp luật bảo hiểm xã hội nhằm giải đáp những vướng mắc của mọi người.
Theo Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014, khi sinh con, lao động nữ sẽ nhận được tối đa 3 khoản tiền:
- Tiền trợ cấp 1 lần: Lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh được nhận tiền trợ cấp 1 lần. Mức trợ cấp = 2 x Mức lương cơ sở. Từ ngày 1-7-2019, mức trợ cấp này là 2,98 triệu đồng.
- Tiền chế độ thai sản: Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh là 6 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Mức hưởng hàng tháng = 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng trước khi nghỉ việc. Nếu chưa đóng đủ 6 tháng thì mức hưởng tính theo mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng.
- Tiền dưỡng sức sau sinh: Lao động nữ trong 30 ngày đầu trở lại làm việc mà chưa phục hồi sức khỏe thì được nghỉ dưỡng sức từ 5 - 10 ngày. Mức hưởng mỗi ngày = 30% x Mức lương cơ sở. Từ ngày 1-7-2019, mức hưởng này là 447.000 đồng/ngày.
Còn theo Điều 102, trong vòng 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho người sử dụng lao động. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động tập hợp hồ sơ và lập danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty SBLAW)
Sau khi nhận đủ hồ sơ, tối đa 6 ngày làm việc (đối với đề nghị từ đơn vị sử dụng lao động) và 3 ngày làm việc (đối với đề nghị từ người lao động, thân nhân người lao động), cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và chi trả tiền thai sản cho người lao động. Như vậy, tối đa 16 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, người lao động đã có thể nhận được tiền thai sản.
Nếu hết thời hạn nêu trên mà vẫn chưa nhận được tiền thì người lao động nên liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp nơi mình làm việc hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội quận/huyện nơi nộp hồ sơ. Trong trường hợp vẫn không được giải quyết thỏa đáng, người lao động có thể làm đơn khiếu nại gửi tới người sử dụng lao động (nếu do doanh nghiệp sai phạm) hoặc cơ quan trực tiếp giải quyết (nếu do cơ quan bảo hiểm xã hội sai phạm), thậm chí có quyền khởi kiện ra tòa.
Nguồn: http://vietbao.vn/The-gioi-tre/Nguoi-lao-dong-co-the-khieu-nai-khoi-kien-khi-qua-han-chua-nhan-duoc-tien-thai-san/209817296/475/