Người lao động cần được bảo vệ ra sao?

Nội dung bài viết

An toàn và sức khỏe lao động là một vấn đề mang ý nghĩa to lớn đối với nguồn nhân lực, đồng thời có tác động trực tiếp tới hoạt động và hiệu quả của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến điều kiện làm việc và tái tạo sức khỏe cho người lao động.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã trả lời phỏng vấn về vấn đề này. Dưới đây là nội dung chi tiết:

1. Thưa ông, bệnh nghề nghiệp phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp đối với người lao động", vậy các doanh nghiệp không đủ điều kiện bảo vệ sức khỏe người lao động sẽ bị xử lý ra sao?

Trả lời:

Về xử lý hành chính:

Điều 17 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 88/2015/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có quy định về mức phạt khi vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gây độc hại hoặc sự cố nguy hiểm;

b) Không tham gia cấp cứu và khắc phục hậu quả tai nạn lao động khi có lệnh của người sử dụng lao động;

c) Không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân được trang bị hoặc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân sai mục đích.

2. Phạt tiền người sử dụng lao động không tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động, người học nghề, tập nghề đúng theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người;

b) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người;

d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người;

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người trở lên.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện ngay những biện pháp khắc phục hoặc ngừng hoạt động của máy, thiết bị, nơi làm việc có nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

b) Không điều trị hoặc khám sức khỏe định kỳ hoặc lập hồ sơ sức khỏe riêng biệt cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp;

c) Không có giấy chứng nhận huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định;

d) Sử dụng người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động mà không có chứng chỉ huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định;

đ) Không thông tin về tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các yếu tố nguy hiểm, có hại và các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc cho người lao động;

e) Không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định;

g) Không tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định;

h) Không bố trí công việc phù hợp với sức khỏe người lao động bị bệnh nghề nghiệp, bị tai nạn lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa;

i) Không thực hiện các biện pháp khử độc, khử trùng cho người lao động làm việc ở nơi có yếu tố gây nhiễm độc, nhiễm trùng khi hết giờ làm việc.

4. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc có trang bị nhưng không đạt tiêu chuẩn về chất lượng, quy cách theo quy chuẩn kỹ thuật đối với người làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại; không thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại; bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm công việc độc hại, nguy hiểm không đúng mức theo quy định; trả tiền thay cho việc bồi dưỡng bằng hiện vật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không cấp cứu kịp thời và điều trị chu đáo người lao động bị tai nạn lao động khi vi phạm đối với mỗi người lao động.

6. Phạt tiền người sử dụng lao động vi phạm quy định về sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động như sau:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo cơ quan có thẩm quyền việc kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động;

b) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không khai báo trước khi đưa vào sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động;

c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đã thực hiện kiểm định nhưng kết quả kiểm định không đạt yêu cầu;

d) Từ 02 đến 03 lần tổng giá trị phí kiểm định máy, thiết bị, vật tư vi phạm đối với hành vi không kiểm định trước khi đưa vào sử dụng hoặc không kiểm định định kỳ theo quy định của pháp luật.

7. Phạt tiền tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động vi phạm quy định về hoạt động huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động như sau:

a) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không báo cáo hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định; sử dụng hồ sơ, tài liệu giả mạo, sai sự thật để đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Huấn luyện không đúng nội dung, chương trình; không đảm bảo các điều kiện về giảng viên, cơ sở vật chất khi tổ chức huấn luyện; không duy trì đúng quy định về điều kiện hoạt động dịch vụ huấn luyện theo giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ huấn luyện mà không thực hiện huấn luyện; cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ sai đối tượng huấn luyện; thực hiện huấn luyện ngoài phạm vi quy định tại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện;

d) Từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Giả mạo hồ sơ, tài liệu trong tổ chức huấn luyện mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; gian lận trong hoạt động huấn luyện;

đ) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng khi có một trong các hành vi: Thực hiện hoạt động huấn luyện khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện đã hết hiệu lực.

8. Phạt tiền tổ chức hoạt động dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động có hành vi vi phạm quy định về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động như sau:

a) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không báo cáo hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động theo quy định; sử dụng hồ sơ, tài liệu giả mạo, sai sự thật để đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không duy trì đúng quy định về điều kiện hoạt động kiểm định theo giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định; liên tục trong 18 tháng không báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động kiểm định theo quy định;

c) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Thực hiện hoạt động kiểm định ngoài phạm vi ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định; không thực hiện đúng quy trình kiểm định;

d) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Sửa chữa nội dung giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định; giả mạo hồ sơ, tài liệu khi thực hiện kiểm định mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; gian lận trong hoạt động kiểm định;

đ) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp kết quả kiểm định không đúng sự thật; cung cấp kết quả kiểm định mà không thực hiện kiểm định;

e) Từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Thực hiện hoạt động kiểm định nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định đã hết hiệu lực.

9. Phạt tiền từ 2.000.000 đến 4.000.000 đồng đối với kiểm định viên có một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện đúng quy trình kiểm định đã công bố hoặc do cơ quan có thẩm quyền ban hành;

b) Thực hiện kiểm định khi chưa có chứng chỉ kiểm định viên hoặc chứng chỉ kiểm định viên hết hiệu lực hoặc ngoài phạm vi ghi trong chứng chỉ.

10. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ hoạt động huấn luyện từ 01 tháng đến 03 tháng đối với tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động có hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 7 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động từ 01 tháng đến 06 tháng đối với tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động có hành vi vi phạm quy định tại Điểm c và Điểm d Khoản 7 Điều này;

c) Đình chỉ hoạt động kiểm định từ 01 tháng đến 03 tháng đối với tổ chức hoạt động dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động có hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 8 Điều này;

d) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động từ 01 tháng đến 06 tháng đối với tổ chức hoạt động dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động có hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và đ Khoản 8 Điều này;

đ) Tước quyền sử dụng chứng chỉ kiểm định viên từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 9 Điều này.

11. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc ngừng sử dụng máy, thiết bị, nơi làm việc có nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều này;

b) Buộc trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân đạt tiêu chuẩn về chất lượng, quy cách theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng cho người làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này;

c) Buộc ngừng sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c và Điểm d Khoản 6 Điều này;

d) Buộc hoàn trả chi phí huấn luyện cộng khoản lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c, d và đ Khoản 7 Điều này;

đ) Buộc hoàn trả chi phí kiểm định cộng khoản lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d, đ và e Khoản 8 Điều này.

Như vậy, tùy vào hành vi mà sẽ có mức xử phạt khác nhau.

Về xử lý hình sự:

Người sử dụng lao động còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội. Điều 295 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định về Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người như sau:

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

2. Người lao động có quyền gì để bảo vệ sức khỏe của mình trong môi trường lao động không đủ điều kiện?

Trả lời:

Theo Điều 6 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 thì:

* Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có các quyền sau:

- Được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc;

- Được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động;

- Được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý; chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động;

- Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

* Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền sau đây:

- Được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động; được Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để làm việc trong môi trường an toàn, vệ sinh lao động;

- Tiếp nhận thông tin, tuyên truyền, giáo dục về công tác an toàn, vệ sinh lao động; được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động khi làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;

- Tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định chi tiết về việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện;

- Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

3. Theo luật, các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động phải đảm bảo môi trường làm việc thế nào?

Trả lời:

Người sử dụng lao động có trách nhiệm kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố tác hại tại nơi làm việc. Theo Điều 3 Nghị định 39/2016/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động, việc kiểm soát này được tiến hành theo 5 nguyên tắc: Thường xuyên theo dõi, giám sát; phân công người hoặc bộ phận chịu trách nhiệm (đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, phải quy định việc kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đến từng tổ, đội, phân xưởng); lưu hồ sơ về kiểm soát phù hợp với luật hiện hành; công khai kết quả kiểm soát cho người lao động được biết và có quy trình kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc phù hợp với luật hiện hành.

Muốn vậy, người sử dụng lao động phải thực hiện việc lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động tại đơn vị của mình. Đây là văn bản pháp lý thể hiện việc quản lý vệ sinh lao động của đơn vị, là cơ sở để xây dựng kế hoạch quan trắc môi trường lao động, cải thiện điều kiện làm việc, phòng chống các yếu tố có hại, phòng chống bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe người lao động.

Theo quy định của Nhà nước, tất cả cơ sở lao động nói chung và các cơ sở y tế nói riêng, đều phải có hồ sơ vệ sinh môi trường lao động theo mẫu quy định. Người sử dụng lao động tại các cơ sở lao động hằng năm phải thực hiện quan trắc môi trường lao động, thực hiện những khuyến nghị của Tổ chức quan trắc môi trường lao động khi phát hiện ra các yếu tố độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép, phải có biện pháp khắc phục. Nếu thấy có khả năng xảy ra sự cố bất thường ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người lao động thì phải tạm ngừng hoạt động và báo cáo ngay cho cơ quan có trách nhiệm để xử lý kịp thời. Công tác quan trắc môi trường phải do các đơn vị có đủ năng lực theo quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP và được công bố trên Website của Bộ Y tế và Sở Y tế đối với đơn vị thuộc quản lý của địa phương. Chi phí cho việc quan trắc môi trường do người sử dụng lao động chi trả.

Những quy định trên đòi hỏi người sử dụng lao động, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải có trách nhiệm rất lớn mới đầu tư, quản lý, thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt các yêu cầu về kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố tác hại đối với người lao động của đơn vị. Thậm chí nó còn liên quan tới đạo đức doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội

4. Người lao động bị bào mòn sức khỏe do môi trường lao động không đủ điều kiện dẫn đến mất sức lao động, doanh nghiệp hoặc người sử dụng lao động có trách nhiệm gì?

Trả lời:

Quyền của người lao động sẽ là nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động, theo đó, trong trường hợp này, người sử dụng lao động sẽ có trách nhiệm:

- Thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp;

- Đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Mức bồi thường đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:

Điều 3 Thông tư số 04/2015/TT-BLDTBXH quy định như sau về Bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Đối tượng được bồi thường:

a) Người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 của Thông tư này;

b) Người lao động bị bệnh nghề nghiệp theo kết luận của Hội đồng Giám định Y khoa hoặc của cơ quan pháp y có thẩm quyền, thì được bồi thường trong các trường hợpsau:

- Bị chết do bệnh nghề nghiệp khi đang làm việc hoặc trước khi chuyển làm công việc khác, trước khi thôi việc, trước khi mất việc, trước khi nghỉ hưu;

- Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bệnh nghề nghiệp theo kết quả thực hiện khám giám định bệnh nghề nghiệp định kỳ (theo quy định của Bộ Y tế).

…………………………………

3.Mức bồi thường:

Mức bồi thường đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều này được tính như sau:

a) Ít nhất bằng 30 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

b) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo công thức dưới đây hoặc tra theo bảng tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này:

Tbt = 1,5 + {(a - 10) x 0,4}

Trong đó:

- Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 11% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);

- 1,5: Mức bồi thường khi suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%;

- a: Mức (%) suy giảm khả năng lao động của người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- 0,4: Hệ số bồi thường khi suy giảm khả năng lao động tăng 1%.

Ví dụ 1:

- Ông A bị bệnh nghề nghiệp, giám định sức khỏe lần thứ nhất xác định mức suy giảm khả năng lao động là 15%. Mức bồi thường lần thứ nhất cho ông A tính như sau:

Tbt = 1,5 + {(15 - 10) x 0,4} = 3,5 (tháng tiền lương).

- Định kỳ, ông A giám định sức khỏe lần thứ hai thì mức suy giảm khả năng lao động được xác định là 35% (mức suy giảm khả năng lao động đã tăng hơn so với lần thứ nhất là 20%). Mức bồi thường lần thứ hai cho ông A là:

Tbt = 20 x 0,4 = 8.0 (tháng tiền lương).

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan