Trong bài "Người dân vô tư tách thửa: Hệ lụy từ một văn bản" đăng trên Báo Diễn đàn doanh nghiệp, có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà- Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Nếu trước đây những khu đất có diện tích trên 2.000m2 phải lập dự án 1/500, không được phân lô bán nền thì trong Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND của UBND TP.HCM ban hành mới đây lại bỏ quy định này.
Ngày 05/12/2017, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký Quyết định 60 thay thế cho Quyết định 33/2014 quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP. So với quy định cũ, quyết định này có nhiều nội dung mới tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc tạo lập nhà ở.
Quyết định 60 quy định tách thửa cho cả đất ở và đất nông nghiệp (thay vì trước đó Quyết định 33 chỉ quy định về tách thửa đất ở). Theo đó, đối với đất ở để được tách thửa thì phải thuộc quy hoạch là đất dân cư hiện hữu hoặc dân cư hiện hữu chỉnh trang.
Nếu đất ở thuộc đất quy hoạch là đất xây dựng mới hoặc đất hỗn hợp (trong đó có chức năng ở) và có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm của quận, huyện để thu hồi thực hiện dự án thì không được tách thửa.
Thế nhưng Quyết định 60 vẫn còn “lỗ hổng” vì bỏ quy định khu đất có diện tích trên 2.000m2 phải lập dự án có quy hoạch chi tiết 1/500.
Hệ lụy
Theo quy định trước đây tại Quyết định 19/2009/QĐ-UBND, Quyết định 33/2014/QĐ-UBND những khu đất trên 2.000 m2 phải lập dự án 1/500. Còn hiện nay, quy định trên không còn nên các chủ đất có đất diện tích lớn vô tư tách thửa, miễn đảm bảo diện tích tối thiểu. Nhiều trường hợp chủ đất xin đấu nối hạ tầng cho có rồi phân lô bán nền, các lô đất sau khi tách thửa sẽ được cấp sổ đỏ phù hợp theo quy định.
Ngoài ra, quyết định trên cũng khiến một số quận, huyện dễ dãi trong việc cho phép cá nhân, hộ gia đình chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở rồi sau đó thực hiện tách thửa phân lô, dẫn đến tình trạng phân lô bán nền tràn lan, băm nát bộ mặt đô thị, hình thành các khu dân cư không có cơ sở hạ tầng đồng bộ, không có dịch vụ và tiện ích như trong thời gian trước đây. Giá đất nền lại bị thổi lên cao ngất ngưởng, người dân là người chịu thiệt hại đầu tiên.
Để quản lý chặt chẽ hoạt động tách thửa, TP.HCM nên chỉ đạo các sở ban ngành ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định 60. Đồng thời ban hành các quy chế, biểu mẫu hướng dẫn và xây dựng tiêu chí để quản lý; kiểm soát các trường hợp tách thửa đất diện tích lớn có hình thành đường giao thông nội bộ, xin chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở để hạn chế việc "đầu nậu" lợi dụng để phân lô tách thửa đất nông nghiệp tràn lan.