Người dân cần cảnh giác với các ứng dụng mùa World cup để tránh bị lừa

Nội dung bài viết

Câu hỏi 1 : Hiện tại có các ứng dụng mạo danh ứng dụng World cup và hình thức lừa đảo quay số trúng thưởng trên mạng nhằm chiếm đoạt thông tin và tài sản người dân. Ông đánh giá sao về vấn đề này? Các đối tượng trên sẽ bị xử phạt như thế nào? Người dân và cơ quan chức năng cần làm gì để ngăn chặn sự phát tán sự việc này?

Trả lời:

World Cup - bốn năm mới diễn ra một lần, do vậy, luôn nhận được nhiều sự quan tâm của người hâm mộ bóng đá trên toàn cầu. Tội phạm công nghệ cũng đã lợi dụng điều này để triển khai nhiều hình thức lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền và tài sản của người dùng.

Nhiều nạn nhân đã bị lừa truy cập vào một trang web đáng ngờ vì tin vào đường link phát trực tiếp lễ khai mạc FIFA World Cup 2022. Trên thực tế, đường link này đã dẫn đến một website giả mạo trên Blogspot, ép người dùng phải tạo tài khoản mới để được xem miễn phí sự kiện.

Thậm chí, các trang web còn yêu cầu họ điền thông tin thẻ ngân hàng vào các bảng khảo sát. Sau đó, khi đã nhập địa chỉ email và password để lập tài khoản xong, người dùng sẽ được đưa đến rất nhiều trang web khác nhau, cuối cùng dừng lại ở một video YouTube không liên quan.

Các đối tượng xấu còn lừa đảo người dùng bằng cách làm giả của bản bẻ khóa (crack) các game FIFA nói riêng và game đá bóng nói chung. Họ sử dụng một tệp PDF, hướng dẫn cách crack file. Nếu người dùng làm theo và nhấn download, họ sẽ được dẫn đến một tên miền lạ, có chứa link tải PDF nhưng trên thực tế lại chứa mã độc do hacker cài vào. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng còn quảng cáo những chương trình quay số trúng thưởng, là những chuyến du lịch xem World Cup. Tuy nhiên, để tham gia chương trình quay số, người dùng cần phải nạp trước một số tiền nhất định. Trên thực tế, người dùng sẽ bị mất tiền mà không có bất kỳ chương trình quay số trúng thưởng nào diễn ra.

Các đối tượng có hành vi mạo danh ứng dụng world cup và hình thức lừa đảo quay số trúng thưởng trên mạng nhằm chiếm đoạt thông tin và tài sản người dân có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017) với mức hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Hoặc Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản tại Điều 290 BLHS với mức hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Khi phát hiện ra hành vi trên, người dân nên tố giác đối tượng vi phạm thông qua đường dây nóng hoặc các trang thông tin do bên công an cung cấp:

- Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Cục Cảnh sát hình sự: 069.219.4053.

- Công an Thành phố Hà Nội: https://www.facebook.com/ConganThuDo

- Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam: https://canhbao.ncsc.gov.vn./#!/

- Công an thành phố Hồ Chí Minh: 08.3864.0508.

Câu hỏi 2 . Ngoài ra nhiều website nhiều lượt like nhận quảng cáo từ các web cá độ, và kiếm tiền từ đó liệu có vi phạm pháp luật hay không?

Trả lời:

“Đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp. Các hành vi đánh bạc bao gồm: xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa...Như vậy cá độ bóng đá là hành vi đánh bạc trái phép. Do đó, việc quảng cáo cho những website cá độ là hành vi vi phạm pháp luật.

Khoản 1 Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 quy định một trong những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thuộc diện cấm quảng cáo là “Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Do đó, có thể thấy cá độ bóng đá thuộc nhóm “Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật”. Hành vi quảng cáo cho dịch vụ này là hành vi bị cấm và sẽ bị xử lý theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Cụ thể, Khoản 2, Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định hành vi quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định có thể đối mặt mức xử phạt 70-100 triệu đồng.

Bên cạnh mức phạt tiền, người vi phạm còn phải tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in có quảng cáo những sản phẩm, dịch vụ này.

Như vậy, các website quảng cáo cho hoạt động cá độ bóng đá có thể bị xử phạt 70-100 triệu đồng. Ngoài ra, người quản lý website còn phải tháo gỡ, xóa bỏ quảng cáo vi phạm quy định pháp luật.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan