Người bán hàng online cần chuẩn bị gì khi siết chặt quản lý livestream?

Nội dung bài viết

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - Chủ tịch Công ty Luật SB Law, những quy định mới nhằm quản lý chặt các nội dung livestream bán hàng trên mạng xã hội là cần thiết để thanh lọc thị trường, củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường bán hàng online, tạo điều kiện để thương mại điện tử phát triển. SB Law trân trọng gửi tới bạn đọc toàn văn bài phỏng vấn dưới đây.

1. Thưa Luật sư, nhiều người lo lắng việc siết chặt hoạt động livestream bán hàng trên các mạng xã hội sẽ khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn? Những lo ngại trên có cơ sở không?

Hiện nay, nhiều người dùng công cụ livestream để giới thiệu và bán hàng qua mạng một cách khá hiệu quả với chi phí rẻ, tính tương tác cao.

Tuy nhiên, một số đối tượng lạm dụng các chiêu trò như ăn mặc phản cảm, phát ngôn sốc để thu hút được nhiều người vào xem, nhằm bán được càng nhiều hàng càng tốt.

Bên cạnh đó, việc livestream của một số đối tượng cũng là hành vi vi phạm pháp luật khi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, cung cấp các thông tin chưa kiểm chứng và sai sự thật, gây hoang mang dư luận.

Bởi vậy, những quy định mới tại Dự thảo hoàn toàn không gây cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của người dân mà đang góp phần loại bỏ tin giả, nâng cao quản lý với những hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng, đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

Người dân có nhu cầu kinh doanh hay livestream kiếm tiền thì có thể liên hệ với cơ quan nhà nước, thủ tục không phức tạp nên sẽ không phải là rào cản đối với các hoạt động kinh doanh hợp pháp.

2. Những ai được hưởng lợi khi siết chặt các hoạt động livestream?

Việc quản lý chặt các hoạt động livestream mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

Người tiêu dùng có thể tránh khỏi những sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng lậu; tránh nguy cơ bị lừa đảo… đặc biệt trong môi trường kinh doanh online, những vấn đề liên quan đến chất lượng, thật giả… luôn nhức nhối.

Đối với người bán hàng, việc này sẽ giúp thanh lọc thị trường, và những người bán hàng uy tín sẽ có cơ hội củng cố vị trí của họ. Những quy định về quản lý livestream cũng góp phần tăng uy tín của thị trường bán hàng online. Hoạt động kinh doanh online tiếp tục phát triển mạnh mẽ mà không bị hỗn tạp.

Muốn phát triển thương mại điện tử, chắc chắn phải có một khung pháp lý để quản lý. Các quy định mới góp phần xây dựng môi trường kinh doanh online lành mạnh, tránh nhiều hậu quả phải giải quyết sau này như việc tràn lan hàng hoá kém chất lượng, độc hại cho người dân.

3. Những người bán hàng online trên mạng xã hội cần chuẩn bị gì để không bỡ ngỡ khi hoạt động livestream được siết chặt?

Người dùng cần tìm hiểu các quy định mới nhất được Bộ TT-TT ban hành nhằm hiểu rõ pháp luật đồng thời xây dựng chiến lược riêng cho mình.

Đồng thời, thực hiện thủ tục thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông việc cung cấp dịch vụ livestream.

Các tài khoản dưới 10 nghìn người theo dõi, livestream với mục đích không phát sinh doanh thu thì chỉ cần thông báo thông tin liên hệ tới cơ quan có thẩm quyền.

Các tài khoản trên 10 nghìn người hoặc tài khoản sử dụng livestream với mục đích phát sinh doanh thu thì phải làm thủ tục báo cáo theo mẫu số 05 tại phụ lục của Nghị định.

Khi livestream, phải xem xét kĩ lưỡng nội dung và quản lý cả phần bình luận của người dùng.

Trong trường hợp bị báo cáo vi phạm, chủ cửa hàng cần phối hợp với cơ quan quản lý để giải quyết vấn đề. Nếu nhận thức rõ mình không vi phạm, cần thu thập đầy đủ bằng chứng liên quan về đoạn phát sóng, bình luận của người xem; thông báo tới nhà cung cấp dịch vụ về sự việc, gửi khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền, nếu cần thiết thì tìm sự hỗ trợ từ luật sư hoặc chuyên gia pháp luật.

Nguồn bài viết: https://laodong.vn/kinh-te/nguoi-ban-hang-online-can-chuan-bi-gi-khi-siet-chat-quan-ly-livestream-930717.ldo?fbclid=IwAR2bDU2gmLQkcD2lZy2_mpDCujLj7Ikw-hrCcP8WZu2s99pJXb9iKsB9oDA

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan