Ngưng hiệu lực thi hành Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tích Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn về vấn đề Ngưng hiệu lực thi hành Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT. Dưới đây là nội dung chi tiết:

1. Thưa ông, mới đây, Bộ Trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường đã có quyết định 53 ngưng hiệu lực thi hành Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33 về việc ghi tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất vào sổ đỏ hộ gia đình. Và đợi đến thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về vấn đề này. Vậy ông đánh giá thế nào về quyết định này?

Luật sư trả lời:

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Thông tư số 53/2017/TT-BTNMT quy định ngưng hiệu lực thi hành Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT về việc ghi tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất vào sổ đỏ hộ gia đình, gây ồn ào dư luận suốt thời gian qua.
Điều 1 Thông tư số 53/TT-BTNMT nêu rõ: “Ngưng hiệu lực thi hành Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai từ ngày 5/12/2017 đến thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về vấn đề này”.

Việc quy định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất là có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên cần phải có giải pháp để bảo đảm tính khả thi.

Do đó, thiết nghĩ, nếu các điều kiện cần thiết để triển khai quy định này chưa được chuẩn bị đầy đủ, chưa lường hết và có giải pháp để giải quyết được những khó khăn, vướng mắc phát sinh thì việc Bộ Tài nguyên và Môi trường ngưng hiệu lực (lùi thời điểm có hiệu lực) của quy định này để có thêm thời gian chuẩn bị, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội là hợp lý.

2. Theo ông, liệu rằng Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33 có xung đột với các điều khoản hiện hành của luật Nhà ở, luật đất đai, luật thừa kế hay không thưa ông? Và nếu áp dụng điều khoản này thì liệu có nẩy sinh những hệ lụy gì không?

Luật sư trả lời:

Như tôi đã trình bày ở trên, việc quy định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất là có cơ sở pháp lý, phù hợp với quy định tại Khoản 29 Điều 3, Khoản 1 Điều 97 và Khoản 2 Điều 98 của Luật Đất đai năm 2013; Điều 101 và Điều 212 của Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Tuy nhiên, để quy định này thực sự đi vào thực tế cuộc sống, vấn đề cốt lõi là phải có cách thức, phương pháp cụ thể để xác định đầy đủ, chính xác những người có chung quyền sử dụng đất, kể cả phần quyền của mỗi người trong hộ gia đình trong các trường hợp như:

-Cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình đang sử dụng đất ổn định mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất (quy định tại Điều 101 Luật đất đai năm 2013);

-Giải quyết đối với những giấy chứng nhận đã cấp trước đây chỉ ghi tên chủ hộ hoặc người đại diện khi có sự kiện pháp lý phát sinh liên quan đến quyền sử dụng đất như: chuyển quyền sử dụng đất, thế chấp, thi hành án dân sự; cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình; …

3. Có nhiều ý kiến cho rằng, thông tư 33 rất phù hợp để áp dụng cho những thửa đất ở nông thôn, thuộc dạng thừa kế nhưng không có giấy tờ cụ thể, có lịch sử lâu đời và có nhiều chủ thể liên quan? Vậy ông có đánh giá gì về ý kiến này và liệu rằng Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33 có phù hợp với các loại hình nhà ở tại đô thị hay không thưa ông?

Luật sư trả lời:

Trong trường hợp đất nhà nước giao cho các hộ gia đình nông nghiệp, nông dân, nông thôn… thì tương đối dễ vì tất các các thành viên đều có quyền.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc xác định các thành viên đối với nhiều trường hợp không phải dễ dàng chứng minh, nhiều trường hợp phải có phán quyết của tòa án, nhất là đối với các hộ gia đình quá đông người và có sự biến động về các thành viên trong từng thời kỳ.

Quy định này sẽ gây nhiều phiền toái cho người dân trong việc xác định các thành viên. Rất nhiều gia đình không còn giấy tờ, hay con cái ở xa hoặc đi nước ngoài không thể xác minh được. Khi đó, họ có thể buộc phải kê khai theo hướng giảm bớt thành viên hoặc giảm bớt những người thừa kế để làm được giấy tờ.

Từ vấn đề này lại dẫn tới việc khi thay đổi các thành viên trong gia đình trên sổ đỏ cũng làm tăng thêm các thủ tục liên quan đến cập nhật thông tin, chia thừa kế, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi chưa quen với những quy định pháp luật này.

Thiết nghĩ, để Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33 được áp dụng, các cơ quan chức năng cần giải thích kịp thời, cụ thể cho người dân hiểu. Đồng thời, xây dựng những giải pháp theo những tiến trình cụ thể.

4. Đến thời điểm hiện tại, Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33 về việc ghi tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất vào sổ đỏ hộ gia đình đã không còn hiệu lực thi hành. Vậy theo ông, liệu rằng có phải Bộ Tài Nguyên Môi Trường đã không nghiên cứu kỹ trước khi ban hành thông tư 33 hay không? Và điều khoản này liệu rằng có phù hợp với Việt Nam ở thời điểm hiện tại?

Luật sư trả lời:

Các cơ quan chức năng đã rất trách nhiệm, cầu thị trong xem xét, giải quyết vấn đề khi dư luận ồn ào và Thông tư 33/2017 chưa có hiệu lực nhưng thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần rút ra bài học sâu sắc trong xây dựng văn bản từ sự việc này - không thể chỉ đơn giản là làm đúng quy trình.

Thứ nhất, diễn đạt câu chữ cần dễ hiểu, đặc biệt cần phải phân biệt “Hộ gia đình sử dụng đất” quy định tại Khoản 29 Điều 3 Luật đất đai năm 2013 với “Hộ gia đình” theo sổ hộ khẩu theo cách hiểu thông thường.

Thứ hai, các cơ quan chức năng chưa giải thích kịp thời.

Quy định trên giúp xác định rõ ràng chủ thể là thành viên có chung quyền sử dụng đất được tham gia vào các giao dịch về quyền sử dụng đất, giảm thiểu hạn chế vướng mắc, ngăn ngừa tranh chấp phát sinh trong các giao dịch về quyền sử dụng đất; nhằm minh bạch về tài sản, hỗ trợ tích cực cho việc xác định chính xác đối tượng được bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại mà áp dụng quy định này luôn thì ít nhiều sẽ tạo ra những “xáo trộn” trong xã hội. Để các địa phương chuẩn bị triển khai tốt hơn và để mỗi người dân đều hiểu rõ quyền, lợi ích của việc ghi tên từng thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình trên sổ đỏ việc lùi thời gian có hiệu lực của quy định này là phù hợp.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan