"Nghị quyết 68 mang tư duy nhân văn trong xử lý vi phạm kinh tế"

Nội dung bài viết

Ngày 13/5, Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance tổ chức Tọa đàm “Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68”.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW tham gia với tư cách là diễn giả và đã có bài phát biểu quan trọng tại Tọa đàm, SBLAW trân trọng giới thiệu.

Với Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw khẳng định Nghị quyết có bước tiến mang tính nhân văn, bởi trên thực tế, nhiều sai phạm kinh tế của doanh nhân – nhất là doanh nhân tư nhân – khi bị hình sự hóa sẽ kéo theo sự sụp đổ của cả doanh nghiệp

Bước tiến mới nhân văn
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, Nghị quyết 68 đã đưa ra một số điểm mới quan trọng, bao gồm bổ sung các biện pháp chế tài ở cả ba lĩnh vực: dân sự, hành chính và hình sự.Cụ thể, nếu doanh nghiệp hoặc doanh nhân có sai phạm về kinh tế, có thể xem xét xử lý bằng các biện pháp hành chính hoặc tài chính, tạo điều kiện để họ khắc phục hậu quả thay vì áp dụng ngay biện pháp hình sự.Đặc biệt, với những trường hợp có thể xử lý hình sự nhưng hậu quả đã được khắc phục, Nghị quyết cho phép xem xét không khởi tố hình sự.Vị chuyên gia đánh giá đây là bước tiến mang tính nhân văn, bởi trên thực tế, nhiều sai phạm kinh tế của doanh nhân – nhất là doanh nhân tư nhân – khi bị hình sự hóa sẽ kéo theo sự sụp đổ của cả doanh nghiệp. Việc cho phép doanh nghiệp sửa sai, khắc phục hậu quả rồi mới xem xét xử lý trách nhiệm tiếp theo là hướng đi rất đáng chú ý.“Trong các vụ án hình sự hiện nay, nếu bị cáo chủ động khắc phục thiệt hại, cơ quan tố tụng có thể cân nhắc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nếu hậu quả được khắc phục hoàn toàn thì có nên miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Đây là vấn đề cần được làm rõ và thể chế hóa trong các văn bản pháp luật sắp tới”, ông Hà chia sẻ.Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Thanh Hà cũng chỉ ra rằng cần có xác định rõ trách nhiệm hình sự của cá nhân và pháp nhân. Hiện nay, nhiều sai phạm xuất phát từ hành vi của cá nhân nhưng pháp nhân chỉ bị xử phạt nhẹ, chủ yếu là phạt tiền hoặc đóng cửa.Theo ông Hà, trong thời gian tới, cần sửa đổi luật để tăng cường áp dụng các chế tài đối với pháp nhân thay vì chỉ tập trung vào cá nhân doanh nhân.Về vấn đề thực thi hợp đồng, ông Hà cho hay Nghị quyết 68 đề cao vai trò của tư pháp.
Nợ đọng là vấn đề đáng chú ý
Theo vị luật sư, nợ đọng vẫn là vấn đề đáng chú ý tại Việt Nam. Thực tế việc thu hồi công nợ, đặc biệt là các khoản nợ nhỏ, đang gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, doanh nghiệp bị nợ 100 triệu đồng nhưng nếu thuê luật sư, chi phí có thể lên đến 70 triệu đồng, chưa kể vé máy bay và phí thi hành án.Trong bối cảnh đó, cần nghiên cứu áp dụng thủ tục rút gọn – vốn đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự – cho các khoản nợ dưới 100 triệu đồng. Nếu thực hiện tốt, chỉ trong khoảng một tháng, vụ việc có thể được giải quyết dứt điểm.Mặt khác, sau khi bỏ quy định về đòi nợ thuê, doanh nghiệp gần như không còn công cụ pháp lý phù hợp để thu hồi những khoản nợ nhỏ, dẫn đến tâm lý chấp nhận bỏ qua. Đây là một trong những điểm yếu mà Nghị quyết 68 đã nhận diện và hướng tới cải cách để hỗ trợ doanh nghiệp.Ông Hà cũng đề cập đến tình huống phổ biến là doanh nghiệp tư nhân bị nợ bởi các cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước nhưng rất khó kiện, bởi nếu khởi kiện thì có thể ảnh hưởng đến việc xét thầu trong tương lai.“Muốn văn minh thì phải chấp nhận đưa nhau ra toà, và điều đó không thể là lý do để bị loại khỏi các gói thầu tiếp theo”, ông Hà nói và cho rằng cần có thêm cải cách để bảo vệ doanh nghiệp tư nhân trong các mối quan hệ yếu thế với các cơ quan nhà nước.Một điểm sáng từ Nghị quyết 68 là tác động tích cực đến các cơ quan hành chính.
Ông Hà dẫn chứng từ lĩnh vực sở hữu trí tuệ – nơi được xem là "cửa ngõ" tiếp nhận các thành quả sáng tạo của con người nhưng lại chậm trễ trong việc ứng dụng công nghệ. Nghị quyết đã nêu rõ yêu cầu số hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục.“Cục Sở hữu trí tuệ hiện đã có những động thái chưa từng có, chủ động liên hệ với các luật sư để cùng thực hiện chiến dịch thúc đẩy cải cách. Đó là ảnh hưởng rất tích cực mà Nghị quyết mang lại, dù chưa cần phải thể chế hóa ngay bằng các văn bản sửa đổi”, ông Hà nhấn mạnh.
Tuy vậy, vị luật sư cũng chỉ ra rằng, Nghị quyết 68 vẫn chưa đề cập đến vai trò của thi hành án – một mắt xích then chốt trong thực thi pháp luật. Thực tế hiện nay là nhiều vụ kiện dù đã thắng án nhưng bên thắng vẫn không thể thu được tiền. Vì vậy, cần có cải cách sâu hơn trong hệ thống tư pháp, đặc biệt là cơ quan thi hành án dân sự.“Hy vọng rằng, sau Nghị quyết 68 về cải cách thể chế và Nghị quyết 66 về xây dựng pháp luật, chúng ta sẽ có thêm một nghị quyết riêng về cải cách tư pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Bởi tư pháp luôn gắn chặt với phát triển kinh tế – nếu cải cách tư pháp chậm thì cải cách khu vực tư nhân và toàn nền kinh tế cũng sẽ bị chậm theo”, ông Hà bày tỏ.
0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan