Nghị quyết 18: Khai thông và tạo sức bật cho nguồn lực đất đai

Nội dung bài viết

Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng mới ban hành được đánh giá là bước đột phá, phù hợp với thực tiễn. Từ đó xóa bỏ chênh lệch giá ảo - giá thật, ngăn chặn thất thu thuế, giúp khai thông nguồn lực đất đai một cách hiệu quả. Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty SB Law đã có những quan điểm về vấn đề này. Dưới đây là nội dung chi tiết 

10 năm trước, Nghị quyết 19-NQ/TW (Nghị quyết 19) năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại” đã được ban hành.

Tuy nhiên, khi tổng kết lại, Nghị quyết 19 chưa giải quyết được triệt để những vấn đề nảy sinh trước đó. Điển hình, đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỉ lệ cao trong tổng số các đơn thư khiếu nại, tố cáo (trên 60%). Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai có xu hướng tăng liên tục từ mức chiếm 64,2% tổng số các vụ án về hành chính năm 2015 lên trên 80% năm 2020.

Trước những vướng mắc và tồn tại của thị trường đất đai, Nghị quyết số 18-NQ/TW (Nghị quyết 18) năm 2022 được ra đời với nội dung "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Nghị quyết 18 tổng kết gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 19, đồng thời đặt ra nhiều vấn đề mới, chặt chẽ và quyết liệt hơn trong việc thực thi chính sách đất đai.

Đáng chú ý, tại Nghị quyết 18 có 2 nội dung đang được giới khoa học, chuyên gia, luật sư và dư luận quan tâm:

Thứ nhất là bỏ khung giá đất. Có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất.

Thứ hai, đánh thuế cao hơn đối với người sở hữu nhiều nhà, đất.

Nhiều quan điểm cho rằng, 2 nội dung này sẽ có tác động trực tiếp tới thị trường đất đai và thị trường bất động sản. Reatimes đã có cuộc trao đổi với LS. Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW để hiểu rõ hơn các vấn đề liên quan.

NGHỊ QUYẾT 18 VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG TỚI CHÍNH SÁCH ĐẤT ĐAI

PV: Thưa luật sư, theo ông, những điểm mới nào của Nghị quyết 18 có thể dẫn đến những thay đổi về chính sách đất đai, thị trường quyền sử dụng đất, cũng như các quan hệ xã hội liên quan đến đất đai?

Nguyễn Thanh Hà: Thời gian vừa qua, thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định, minh bạch, nhất là thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp chậm phát triển. Bên cạnh đó, thị trường đất đai còn gặp khó khăn về các phương pháp định giá, đấu giá quyền sử dụng đất. Đáng chú ý, câu chuyện giá đất đền bù được xác định thường thấp hơn nhiều so với giá đất trên thị trường là mấu chốt vấn đề gây ra nhiều vụ tranh chấp trong suốt một thời gian dài.

Cùng với đó, bộ máy quản lý Nhà nước về đất đai còn bất cập, sai phạm. Các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp, chưa được giải quyết triệt để làm ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế xã hội.

Nguyên nhân chính của thực trạng này là do chính sách quản lý đất đai chưa rõ ràng và chưa phù hợp với thực tế. Các quy định pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, thiếu thống nhất, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả quản lý, và dễ dàng để cá nhân, tổ chức có hành vi tham nhũng, trục lợi, lãng phí tài sản Nhà nước.

Trước thực trạng này, tôi cho rằng, Nghị quyết 18 đưa ra kịp thời, được người dân đón nhận với kỳ vọng sẽ hạn chế được những bất cập trong chính sách, quản lý tồn tại nhiều năm không chỉ gây thiệt hại cho Nhà nước, doanh nghiệp, người dân mà trực tiếp chặn đà phát triển của đất nước.

Nhìn lại 10 năm trước, khi Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại” được ban hành. Trong đó đặt ra mục tiêu năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Đến năm 2025 phải hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông. Tuy nhiên, mục tiêu và rất nhiều các vấn đề vướng mắc khác đã và đang tồn tại thì Nghị quyết 19 chưa đưa ra giải pháp hiệu quả.

Lúc này Nghị quyết 18 ra đời, tôi đồng quan điểm với nhiều chuyên gia rằng, Nghị quyết 18 đã bám rất sát vào thực tế của thị trường đất đai, của thị trường bất động sản để định hướng. Các vấn đề nổi bật đều được nhắc đến như: Bỏ khung giá đất, đánh thuế người có nhiều nhà, đất, bbồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đặc biệt, Nghị quyết 18 đưa ra yêu cầu cụ thể “quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Tôi cho rằng, Nghị quyết 18 chính là “kim chỉ nam” cho việc sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế chính sách đất đai, quyền sử dụng đất, các quy định pháp luật liên quan đến thị trường đất đai trong tương lai.

BỎ KHUNG GIÁ ĐẤT TẠO RA CÔNG BẰNG CHO THỊ TRƯỜNG

PV: Thưa luật sư, một trong những điểm đáng chú ý của Nghị quyết số 18 là bỏ khung giá đất và có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Căn cứ vào thực tế những tồn tại về giá đất đã và đang xảy ra, theo ông thì việc bỏ khung giá đất sẽ có tác động như thế nào đến thị trường đất đai?

Nguyễn Thanh Hà: Như chúng ta đã biết, tình trạng “hai giá” trong chuyển nhượng đất đai, bất động sản đã và đang diễn ra ngày càng phổ biến. Theo quy định pháp luật, khi thực hiện các giao dịch liên quan đến mua bán, chuyển nhượng bất động sản thì đều phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với nhà nước (trừ một số trường hợp được miễn theo quy định pháp luật). Tuy nhiên, một thực tế khá phổ biến hiện nay là để tránh nộp thuế cao, khi làm thủ tục chuyển nhượng đất đai, bất động sản bên bán và bên mua thỏa thuận khai giá trong hợp đồng công chứng thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế.

Bên cạnh đó, giao dịch mua bán nhà đất là hợp đồng mua bán dân sự, phần lớn được thực hiện bằng tiền mặt trao tay. Vì thế, cơ quan chức năng khó có thể xác định rõ sự chênh lệch giữa giá mua bán thực tế với giá trị chuyển nhượng trong hợp đồng (nếu có). Điều này tạo ra kẽ hở khiến một số người cố tình khai thấp giá trị chuyển nhượng trong hợp đồng để giảm bớt tiền thuế, phí phải nộp theo nghĩa vụ tài chính.

Điều này dẫn đến một số hệ lụy: Thứ nhất, phía Nhà nước bị hạn chế trong vai trò kiểm soát và điều tiết thị trường, gây thất thu đối với phía ngân sách Nhà nước. Góp phần gây nên hiện tượng tham nhũng. Thứ hai, doanh nghiệp hoặc người mua, bán nhà có thể bị truy thu, xử phạt thậm chí là hình sự.

Nguyên nhân tình trạng 2 giá đất xuất phát từ các kẽ hở của hệ thống pháp luật. Đó là sự chồng chéo, thiếu đồng bộ, thống nhất trong quy định giữa ngành các ngành luật Đất đai, Luật giao dịch bất động sản với các ngành luật khác, giữa văn bản chỉ thị cấp trên và cấp dưới…

Song mấu chốt của vấn đề chính là khung giá đất chưa sát với giá thị trường. Hiện tại, khung giá đất được áp dụng theo quy định tại Nghị định 96/2019/NĐ-CP. Khung giá đất được đặt ra nhằm mục đích quản lý giá đất trên toàn bộ thị trường, làm căn cứ để khống chế bảng giá đất của các địa phương, xác định nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai. Trong khung đó có giá tối thiểu và giá tối đa, tức giá sàn và giá trần. Điều đó, buộc các địa phương không được quy định giá đất ngoài khung.

Luật Đất đai 2013 quy định giá đất trong khung phải ngang bằng với giá thị trường nhưng trên thực tế chỉ bằng khoảng 30 - 70% giá thị trường, kể cả đất nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp. Nhất là nghịch lý đối với đất tại đô thị cũng chỉ bằng 30% giá đất thị trường.

Bên cạnh đó, toàn bộ quy trình định giá đất đều do cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện, người bị thu hồi đất đứng ngoài quy trình. Mặc dù Điều 115 và Điều 116 Luật Đất đai 2013 có quy định về việc tư vấn giá đất nhưng cũng chưa có quy định bảo đảm cho tổ chức tư vấn giá đất thực sự có vị trí độc lập. Do đó, giá đất mang nặng tính “áp đặt”. Có thể nói tất cả các trường hợp (gần như tuyệt đối) giá đất đều thấp xa so với giá thị trường ở mọi thời điểm.

Mặc dù Luật Đất đai 2013 cũng đã bỏ hình thức lập và công bố khung giá đất hằng năm, thay vào đó là xây dựng khung giá đất áp dụng trong thời gian 5 năm. Tuy nhiên, việc này chỉ thay đổi cách làm, còn về bản chất, thì giá đất được quy định trong khung giá và giá thị trường vẫn có sự chênh lệch rất lớn.

Giữa khung giá đất, bảng giá đất với giá thực tế có sự khập khiễng rất lớn, không phản ánh đúng diễn biến của thị trường. Như vậy, nó tạo ra khoảng cách rất lớn giữa giá đất của thị trường với giá của Nhà nước, chính điều này có tác hại làm cho giá đất của các địa phương không thể phù hợp với thị trường.

Nghị quyết 18 bỏ khung giá đất chỉ để lại bảng giá đất, lúc này xác lập bảng giá ra sao sẽ cần Luật Đất đai và các quy định liên quan cân nhắc. Nghị quyết 18 cũng nêu rõ, việc bỏ khung giá đất không đồng nghĩa với việc bỏ sự quản lý của Nhà nước đối với việc định giá đất ở địa phương mà thay vào đó là nâng cao việc thanh tra, kiểm tra của bộ máy hành chính Trung Ương. Trong đó Trung ương xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất. Tôi cho rằng, cách thức quản lý giá đất đổi mới như vậy sẽ chỉ ra rõ ràng vai trò và trách nhiệm của từng cơ quan, từng cá nhân có liên quan.

Ngoài ra, Luật sẽ quy định rõ các cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất, bảo đảm tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất, năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá đất, năng lực và đạo đức của các định giá viên…

PV: Theo luật sư, quy định mới về bỏ khung giá đất sẽ có tác động  như thế nào đến thị trường bất động sản trong thời gian tới?

Nguyễn Thanh Hà: Trước đây, việc thay đổi khung, bảng giá đất sẽ tác động đến nghĩa vụ tài chính của những đối tượng liên quan đến đất đai, bất động sản. Biên độ thay đổi khung giá đất càng cao dẫn đến bảng giá đất cũng thay đổi, khiến nghĩa vụ tài chính của cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp cũng tăng theo. Vấn đề này cũng liên đới với thủ tục hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở. Khi nghĩa vụ tài chính thay đổi có thể dẫn đến một số người dân e ngại khi làm thủ tục cấp sổ đỏ mà giao dịch nhà đất bằng giấy tay, làm tăng “thị trường ngầm”. Những trường hợp này khiến Nhà nước vừa thất thu thuế, vừa khó quản lý, vừa dễ phát sinh tranh chấp trong xã hội. Tuy giá cả thị trường còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quan hệ cung - cầu và phụ thuộc vào chu kỳ thị trường,…

Đến hiện tại, khi Nghị quyết 18 bỏ khung giá đất chắc chắn sẽ tác động tới thị trường bất động sản:

Thứ nhất, ảnh hưởng đến quy mô đầu tư, kinh doanh ngành bất động sản và các ngành khác liên quan: Không còn khung giá đất, bảng giá đất sát với giá thị trường về mặc tích cực chính là sự minh bạch về cả giá cả. Người dân có đất được hưởng lợi đền bù với mức giá thoả đáng hơn, giá đền bù, mua bán tiến sát giá thị trường. Tuy nhiên, khi tác động đẩy giá đất, giá thị trường bất động sản lên rất cao. Đặc biệt là khi đẩy giá đất của các dự án sơ cấp lên cao, người dân sẽ khó tiếp cận nhà ở. Bên cạnh đó, mức giá quá cao còn tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp, các ngành kinh tế khác và môi trường đầu tư, kể cả trong việc thu hút dòng vốn FDI. Bởi bất động sản có liên quan mật thiết với nhiều ngành kinh tế, đầu tư khác như nhu cầu về mặt bằng sản xuất, văn phòng làm việc,…

Thứ hai, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Chúng ta cũng biết, khung và bảng giá đất tác động trực tiếp đến nguồn thu ngân sách của Nhà nước từ đất đai và thị trường bất động sản - chiếm khoảng trên dưới 8% tổng nguồn thu ngân sách. Khung và bảng giá đất là một trong những cơ sở quan trọng để tính toán tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập do chuyển nhượng bất động sản,…Việc bỏ khung giá đất, bảng giá đất theo giá thị trường thì trước mắt, có thể làm cho nguồn thu ngân sách nhà nước tăng, nhưng về lâu dài có thể “lợi bất cập hại”. Bởi vì, nhiều doanh nghiệp có thể phải chi trả giá đất đền bù cao hơn, các thuế phí liên quan đến đất, mặt bằng cao hơn khiến doanh nghiệp thu hẹp hơn quy mô sản xuất kinh doanh, kéo theo nguồn thu cho ngân sách cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Như vậy, chỉ khi Nhà nước đưa ra bảng giá đất hợp lý thì nguồn thu ngân sách Nhà nước từ đất đai mới được điều chỉnh một cách rõ ràng và hợp lý. Khi người dân và doanh nghiệp thực hiện xong nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, người dân vẫn còn tiền họ sẽ tăng chi cho tiêu dùng hoặc kinh doanh. Trong khi đó, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn vốn để mở rộng đầu tư kinh doanh. Cuối cùng thì Nhà nước được lợi vì quy mô nền kinh tế sẽ tăng trưởng lớn hơn và mở rộng được diện thu, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách.

PV: Bên cạnh những điểm tích cực, theo luật sư việc thực hiện bỏ khung giá đất, xác định giá thị trường có điều gì cần chú ý để việc thực thi quy định đem lại hiệu quả thực tế? Công tác định giá đất như thế nào để tránh trục lợi, bất cập?

Nguyễn Thanh Hà: Từ trước Nhà nước quy định khung giá đất, nhằm mục đích quản lý giá đất trên toàn bộ thị trường; làm căn cứ để đưa ra bảng giá đất của các địa phương; xác định nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai. Khung giá đất buộc các địa phương tuân thủ, không được quy định ngoài khung. Việc giao đất và cho thuê đất hiện nay vẫn lấy giá đất ở trong khung nhân với hệ số, được gọi là hệ số điều chỉnh theo thị trường. Giá do Nhà nước định và giá thị trường. Trong bối cảnh hoạt động theo cơ chế thị trường có 2 loại giá như vậy sẽ gây ra nhiều hệ lụy, gây thất thoát ngân sách Nhà nước, tạo ra vấn đề trục lợi, tham nhũng đất đai như đã phân tích ở trên.

Tại Nghị quyết 18, nếu bỏ quy định về khung giá đất, sẽ cần một số điểm lưu ý:

Thứ nhất, khi định giá đất (cho đất bị thu hồi) phải có sự thỏa thuận của bên có đất bị thu hồi, tức là người có đất bị thu hồi phải là một bên trong quy trình định giá đất. Trường hợp không thỏa thuận được, người bị thu hồi đất có quyền yêu cầu cơ quan thẩm định giá độc lập thẩm định lại. Giá đất được xác định phải dựa trên sự thỏa thuận với người sử dụng đất. Trường hợp không thỏa thuận được về giá, người bị thu hồi đất có quyền yêu cầu cơ quan thẩm định giá xác định giá, giá bất động sản xác định theo giá của cơ quan thẩm định giá đưa ra.

Thứ hai, hệ thống định giá đất cần được đổi mới toàn diện, sao cho giá đất của Nhà nước quy định phải phù hợp với giá đất trên thị trường, cần xem xét, hoàn thiện đổi mới: phương pháp định giá đất cụ thể; phương pháp định giá hàng loạt - đặc biệt khắc phục những tồn tại yếu tố đầu vào của định giá đất; phương thức quản lý giá đất dựa trên đăng ký giá đất; hoàn thiện hệ thống tổ chức định giá đất. Cần mở rộng áp dụng biện pháp đấu giá, tham chiếu giá khi Nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất. Một số quốc gia đã cho phép người dân tự đăng ký giá đất đang sử dụng để làm căn cứ tính giá bồi thường khi thu hồi hoặc tính thuế đất và khuyến cáo, Việt Nam cũng nên xem xét cơ chế để người sử dụng đất tự đăng ký giá đất. Ở Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, người dân được tự kê khai giá nhà đất, nếu giá cao thì phải trả thuế cao, giá thấp thì Nhà nước thực hiện quyền tiên mãi, mua lại miếng đất đó khi thu hồi. Vì vậy, người dân sẽ phải xác định giá đất hợp lý khi đăng ký giá.

Thứ ba, đẩy mạnh thêm phân cấp cho chính quyền địa phương chủ động xác định giá đất. Cơ quan Trung ương giữ vai trò định hướng, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra

Thứ tư, tăng cường sử dụng dịch vụ các doanh nghiệp thẩm định giá.

Thứ năm, cũng không nên cứng nhắc hiểu “tính thị trường” theo nghĩa đồng loạt ở tất cả các địa điểm và tất cả các thời giá đất đều giống nhau. Theo đó, phải hiểu rõ giá thị trường là giá đối với loại đất được sử dụng cho mục tiêu thị trường, ví dụ như nhà ở thương mại, đất để hoạt động kinh doanh, còn những vùng đất dành cho những nhiệm vụ đặc biệt (ví dụ như an ninh quốc gia, những mục tiêu đặc biệt khác) thì không thể theo giá thị trường, bởi không có tính cạnh tranh và đấu giá, chỉ có giao đất.

ĐÁNH THUẾ ĐÚNG SẼ HẠN CHẾ ĐƯỢC ĐẦU CƠ

PV: Bên cạnh khung giá đất, Nghị quyết 18 cũng quy định mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều bất động sản, điều này sẽ tác động đến việc khai thác nguồn lực đất đai và thị trường bất động sản ra sao, thưa luật?

LS. Nguyễn Thanh Hà: Nghị quyết 18 có chủ trương đánh thuế cao đối với những người có nhiều tài sản là nhà đất, bất động sản là đúng lúc khi tình trạng sốt đất do đầu cơ diễn ra phức tạp. Tình trạng sốt đất, ôm đất để chờ tăng giá rồi bán, “chia lô, bán nền” nở rộ đem lại rất nhiều hệ lụy cho xã hội. Người dân đổ xô đi buôn đất, đầu cơ đất dẫn đến giá đất tăng cao một cách vô lý, xuất hiện một bộ phận người giàu lên nhờ đất nhưng phần đông người dân lao động không có nhà để ở.

Mặt khác chi phí về mặt bằng tăng cao cũng cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra của cải vật chất của doanh nghiệp. Dòng tiền trong xã hội chảy hết vào bất động sản như một chỗ trú ẩn an toàn và “nằm chết” tại đó sẽ không tạo được động lực, không có nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế. Nếu không ngăn chặn kịp thời các cơn sốt đất tiếp tục diễn ra thì khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng lớn. Việc kinh doanh bằng cách gom đất đợi tăng giá rồi bán không hề tạo ra bất cứ lợi ích nào cho xã hội. Hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản sẽ tạo ra sự công bằng giữa các chủ thể trong sử dụng đất đai, giúp phát triển bất động sản lành mạnh và có hiệu quả.

Pháp luật không thể cấm người dân sử dụng nhiều tài sản là nhà đất vì quyền sở hữu tư nhân là quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, pháp luật có thể can thiệp bằng cách đánh thuế cao đối với những tài sản mà một người không nên sở hữu quá nhiều. Cách làm này đã được các nước như Mỹ, Nhật Bản hay các nước châu Âu áp dụng từ lâu. Đánh thuế cao đối với những người có nhiều nhà đất giúp hạn chế việc dòng tiền đổ quá nhiều vào bất động sản, thúc đẩy việc đầu tư vốn cho sản xuất kinh doanh. Hơn thế nữa, đánh thuế cao đối với người sở hữu nhiều bất động sản góp phần làm hạ nhiệt các cơn sốt đất, đưa giá nhà ở về mức hợp lý và người dân lao động có thể có chỗ ở.

PV: Theo ông, việc đánh thuế bất động sản cần thực hiện như thế nào để đánh thuế “đúng và trúng”? Nếu không thì sẽ gây ra hệ luỵ như thế nào cho thị trường đất đai, bất động sản?

LS. Nguyễn Thanh Hà: Để đánh trúng, đúng đối tượng, thực hiện đúng chủ trương, tinh thần Nghị Quyết 18, đánh thuế tài sản với những người sở hữu nhiều nhà đất, không phải là tăng thuế tài sản mà là cải cách thuế.

Để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thị trường bất động sản thì cần những lưu ý:

Thứ nhất, thuế này sẽ phải tập trung những đối tượng đầu cơ, tích trữ nhiều nhà, đất, đặc biệt là những nhà đất bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Theo đó, cần đánh thuế mạnh vào căn nhà thứ hai và những căn nhà có giá trị cao, cũng như tăng thuế đất lên một mức độ nhất định. Có những quy định về hạn mức đất phù hợp, nằm trong giới hạn không phải đóng thuế cao. Những diện tích đất nằm ngoài giới hạn phải đánh cao, tương ứng. Việc thu thuế với người sở hữu nhiều nhà đất không dùng để ở hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Còn với người chậm đưa đất vào sử dụng cũng bị đánh thuế cao nhằm triệt tiêu ý chí “ôm đất” phòng ngừa việc đầu cơ đất đai.

Thứ hai, cần phân biệt giữa người sở hữu nhiều bất động sản để sử dụng vào mục đích chính đáng và người sở hữu bất động sản để đầu cơ. Bởi vì không thể đánh thuế người sở hữu nhiều bất động sản vì nhu cầu sử dụng chính đáng của họ.

Thứ ba, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai thật đầy đủ, thống nhất để có thông tin về từng người đang sở hữu những bất động sản nào, để đánh thuế tài sản thật trúng và thật đúng…

GIẢI PHÁP THỰC THI NGHỊ QUYẾT THÀNH CÔNG

PV: Có quan điểm cho rằng, Nghị quyết 18 đưa ra kịp thời, với kỳ vọng sẽ hạn chế được những bất cập trong chính sách, quản lý đất đai vốn đã tồn tại nhiều năm không chỉ gây thiệt hại cho Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Ông có đồng ý với quan điểm về kỳ vọng này?

LS. Nguyễn Thanh Hà: Trước sự khi có sự ra đời của Nghị quyết 18, tuy rằng hệ thống pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản của nước ta dần được hoàn thiện và có những bước tiến đáng kể trong tư duy quản lý và cách thức thiết kế chính sách. Những đạo luật quan trọng tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh liên quan tới đất đai, bất động sản. Theo quy định của pháp luật, từ bắt đầu cho đến khi đưa hoạt động đầu tư, kinh doanh vào thực tế, nhà đầu tư phải trải qua rất nhiều giai đoạn, tương ứng với từng giai đoạn là các điều kiện và thủ tục hành chính kèm theo. Các điều kiện, thủ tục này được quy định trong rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực đất đai. Bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn những hạn chế đã được các bộ ngành, giới chuyên gia, luật sư chỉ ra như: một số thủ tục, điều kiện quy định tại một số văn bản pháp luật không thống nhất, chồng chéo với nhau gây nên nhiều bất cập trong chính sách, quản lý đất đai…

Với những nội dung mới được ban hành có thể nhận thấy, Nghị quyết 18 đã đi thẳng vào những vấn đề nóng hiện nay. Song để Nghị quyết đi vào cuộc sống, có tác động thực tế thì cần phải khẩn trương cụ thể bằng Luật, bằng chính sách và triển khai nhanh chóng ở cấp địa phương.

PV: Cụ thể, theo luật sư để Nghị quyết 18 đi vào thực tiễn thì cần sự quyết tâm và hành động như thế nào?

LS. Nguyễn Thanh Hà: Thứ nhất, cơ quan Nhà nước, các bộ, ngành cần tạo điều kiện thuận lợi để các luật sư, chuyên gia, doanh nghiệp người dân có thể tham gia vào việc sửa đổi hoàn thiện không chỉ về luật mà còn các cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về đất đai.

Thứ hai, Bộ Tư pháp, sở tư pháp các tỉnh kết hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường,… của thành phố, UBND các tỉnh nên có văn bản hướng dẫn người dân doanh nghiệp trong quá trình thực hiện triển khai nghị quyết về đất đai.

Thứ ba, cá nhân, doanh nghiệp nên có những tham vấn thường xuyên về hoạt động đầu tư kinh doanh sản xuất liên quan tới bất động với các hãng luật uy tín đã có nhiều năm kinh nghiệm về hoạt động tư vấn đầu tư bất động sản. Từ đó, không chỉ đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày tránh được các rủi ro mà còn hướng tới sự phát triển bền vững lâu dài và tuân thủ pháp luật.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của luật sư!

 

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan