Nghị định mới quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại

Nội dung bài viết

Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 05/2020/TT-BTP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Thông tư này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12 tháng 10 năm 2020.

Theo đó, Thông tư này đưa ra nhiều quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghề Thừa phát lại; bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại hàng năm; tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại; trang phục Thừa phát lại; đăng ký vi bằng và cơ sở dữ liệu về vi bằng; kiểm tra tổ chức và hoạt động Thừa phát lại; chế độ báo cáo, sổ sách, biểu mẫu trong tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Thông tư này áp dụng đối với Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại, người tập sự hành nghề Thừa phát lại, cơ quan quản lý nhà nước về Thừa phát lại và cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.

Một trong những nội dung nổi bật mà Thông tư này đưa ra là cụ thể hóa quy định về các loại giấy tờ chứng minh được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP. Trong đó, các loại giấy tờ này là một trong các loại:

  • Quyết định bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, điều tra viên, Giấy chứng minh thẩm phán, Giấy chứng minh kiểm sát viên, Thẻ chấp hành viên, Giấy chứng nhận điều tra viên kèm theo giấy tờ chứng minh đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên;
  • Chứng chỉ hành nghề luật sư, Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên, Thẻ luật sư, Thẻ công chứng viên kèm theo giấy tờ chứng minh đã có thời gian hành nghề luật sư, công chứng từ 05 năm trở lên;
  • Quyết định bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư chuyên ngành luật; Bằng tiến sĩ luật, trường hợp Bằng tiến sĩ luật được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thì phải được công nhận văn bằng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
  • Quyết định bổ nhiệm thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên chính, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát, thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành thi hành án dân sự; thanh tra viên cao cấp, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật;
  • Các giấy tờ khác chứng minh là người được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Thông tư này đưa ra Nội dung chi tiết về chương trình tập sự hành nghề Thừa phát lại bao gồm:

  • Tiếp nhận, phân loại yêu cầu thực hiện công việc của Thừa phát lại (sau đây gọi là yêu cầu); kiểm tra tính xác thực, tính hợp pháp của các giấy tờ có trong hồ sơ yêu cầu, năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu;
  • Ứng xử theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại; giải thích cho người yêu cầu hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý khi thực hiện yêu cầu, lý do khi từ chối thực hiện yêu cầu;
  • Nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết hồ sơ yêu cầu;
  • Kỹ năng lập vi bằng, soạn thảo văn bản thuộc thẩm quyền của Thừa phát lại; Kỹ năng tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu;
  • Kỹ năng xác minh điều kiện thi hành án;
  • Kỹ năng tổ chức thi hành án;
  • Sắp xếp, phân loại hồ sơ đã được thực hiện để đưa vào lưu trữ;
  • Các kỹ năng và công việc khác liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của Thừa phát lại theo sự phân công của Thừa phát lại hướng dẫn tập sự.

Điều 9 của Thông tư này đưa ra quy định về Điều kiện nhận và hướng dẫn tập sự hành nghề thừa phát lại. Theo đó, Thừa phát lại hướng dẫn tập sự phải có ít nhất 02 năm kinh nghiệm hành nghề Thừa phát lại. Thừa phát lại bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề Thừa phát lại thì sau 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính mới được hướng dẫn tập sự hành nghề Thừa phát lại. Trong cùng một thời gian, 01 Thừa phát lại không được hướng dẫn nhiều hơn 03 người tập sự.

Thừa phát lại từ chối hướng dẫn tập sự trong trường hợp không đủ điều kiện hướng dẫn tập sự do một số lý do theo quy định của Thông tư này; bị tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại; vì lý do sức khỏe hoặc lý do khách quan khác.

Thừa phát lại từ chối hướng dẫn tập sự theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư này phải thông báo bằng văn bản cho Văn phòng Thừa phát lại nhận tập sự. Văn phòng Thừa phát lại nhận tập sự phân công một Thừa phát lại khác đủ điều kiện hướng dẫn tập sự; trường hợp Văn phòng Thừa phát lại không có Thừa phát lại khác đủ điều kiện hướng dẫn tập sự thì phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Văn phòng Thừa phát lại, Sở Tư pháp chỉ định một Văn phòng Thừa phát lại khác nhận tập sự; trường hợp không có Văn phòng Thừa phát lại đủ điều kiện nhận tập sự thì thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do cho người tập sự.

Nguồn: SBLAW sưu tầm

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan