Nghị định 126: Cơ quan thuế đang “đánh đố” doanh nghiệp?

Nội dung bài viết

SBLAW trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà trên báo về vấn đề: Nghị định 126/2020/NĐ-CP (có hiệu lực vào ngày 5/12/2020) thời gian qua đã và đang khiến doanh nghiệp đứng ngồi không yên vì liên quan đến cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp 75% vào cuối quý III hằng năm.

“Chắn sóng” thất thu ngân sách…

Liên quan đến quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), từ năm 2014 trở về trước, doanh nghiệp phải thực hiện kê khai, tạm nộp thuế TNDN hằng quý và thực hiện quyết toán theo năm. Nhưng để đơn giản thủ tục cho doanh nghiệp, hướng đến cải cách thủ tục hành chính thuế, theo Thông tư 151/2015/TT-BTC (Thông tư 151) của Bộ Tài chính, từ 1/1/2015 doanh nghiệp không phải khai và nộp thuế TNDN hàng quý nữa, mà chỉ tạm nộp, cuối năm mới quyết toán.

Cũng theo Thông tư 151, trường hợp tổng số thuế tạm nộp trong kỳ tính thuế thấp hơn số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán từ 20% trở lên thì doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số thuế tạm nộp, với số thuế phải nộp theo quyết toán, tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế quý IV của doanh nghiệp, đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với số quyết toán.

Với Nghị định 126, phía doanh nghiệp và chuyên gia đều cho rằng, cơ quan thuế đang “đánh đố” doanh nghiệp.
Với Nghị định 126, phía doanh nghiệp và chuyên gia đều cho rằng, cơ quan thuế đang “đánh đố” doanh nghiệp.

Quá trình thực thi này được ghi nhận là đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp không phải kê khai thuế hàng quý mà chỉ tạm nộp thuế. Nhiều doanh nghiệp chấp hành tốt quy định này, đã thực hiện tạm nộp đều đặn, tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp lợi dụng quy định này dồn vào cuối năm, điều này ảnh hưởng đến cân đối Ngân sách Nhà nước.

Xuất phát từ thực tế này, Nghị định 126/2020/NĐ-CP ra đời với quy định số tạm nộp 3 quý không thấp hơn 75% tổng số thuế phải nộp của năm được “kỳ vọng” sẽ khắc phục được tình trạng doanh nghiệp dồn nộp vào các tháng cuối năm, giúp cân đối ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, dù đến ngày 5/12 Nghị định 126 mới có hiệu lực nhưng đại đa số doanh nghiệp đều cho rằng có nhiều bất cập này dẫn đến nguy cơ hàng ngàn doanh nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ phạt chậm nộp thuế khi hiệu quả kinh doanh quý IV tăng vượt trội so với các quý đầu năm.

Ông Lê Thanh Việt (Kế toán trưởng công ty Bao Bì V.P) cụ thể hóa bằng phép tính, nếu năm 2019 Công ty V.P phải nộp thuế là 1 tỷ đồng. Chiểu theo quy định đến ngày 30/10, tiền thuế phải nộp khoảng 750 triệu đồng nhưng nếu mới chỉ nộp tạm 650 triệu đồng thì đến ngày 30/11, lại phải nộp thêm 100 triệu đồng nữa. “Với công thức này công ty V.P vẫn bị phạt 100 triệu đồng trong một tháng”, ông Việt chỉ rõ.

Còn bà Lê Thanh Thư (Công ty XNK Trường Giang) cho rằng, hiện nay diễn biến dịch bệnh trong nước và thế giới vẫn khó lường, do đó, việc bắt doanh nghiệp chắc chắn kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận chẳng khác nào “đánh đố” doanh nghiệp. Thậm chí với doanh nghiệp kinh doanh chỉ trông chờ vào 3 tháng cuối năm thì… đúng cũng thành sai.

Đại diện một doanh nghiệp thẳng thắn: “So với quy định cũ, Nghị định 126 rất khắc nghiệt, bào mòn sức khỏe của doanh nghiệp. Tại thời điểm kết thúc 3 quý đầu năm (30/9), doanh nghiệp còn tiếp tục kinh doanh 90 ngày nữa. Cùng với đó đây còn là khoảng thời gian kinh doanh cao điểm trong năm, nhiều dịp lễ, tết quan trọng, biến động chi phí lương, thưởng… nên doanh nghiệp chưa đủ cơ sở để xác định kết quả kinh doanh và nghĩa vụ thuế của cả năm. Chưa kể, dịch bệnh, thiên tai và những biến động bất thường nên việc đoán trước doanh thu và lợi nhuận để ra số thuế phải nộp của cả năm là điều không tưởng”.

…nhưng lại “đánh đố” doanh nghiệp

Theo tìm hiểu thực tế, đa phần phản ánh của các doanh nghiệp cũng cho rằng, thông thường, thời điểm cuối năm hầu hết các doanh nghiệp thường tăng tốc trước “về đích” nên thu nhập của doanh nghiệp trong quý IV thường tăng và thậm chí tăng đột biến là điều bình thường. Do đó, nếu chiểu theo quy định tại Nghị định 126 thì không ít doanh nghiệp sẽ gặp khó, thậm chí có ý kiến cho rằng những quy định này không những không “động viên” doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm mà còn dẫn tới nguy cơ “tận thu”.

Trước thực trạng này bà Chu Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, chính sách thuế hiện nay đã ngày càng hoàn thiện, trong Luật Quản lý thuế mới có rất nhiều nội dung tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Thông thường, nếu tạo thuận lợi thì doanh nghiệp ủng hộ, nếu chưa rõ ràng, hoặc bất lợi thì doanh nghiệp sẽ phản đối. “Tôi cho rằng phản ứng của một số doanh nghiệp như vừa qua là chuyện hết sức bình thường”, bà Cúc nhận định.

Trước mắt, Nghị định 126 chưa có hiệu lực với phần kê khai, tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020, mà chỉ có hiệu lực đối với phần tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý của năm 2021. Vì thế trong khi cơ quan quản lý chưa kịp sửa đổi, hoặc chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, thì từ năm 2021 doanh nghiệp cũng nên chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, cũng như kế hoạch tài chính cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế, vì thời điểm này nghị định đã chính thức có hiệu lực thi hành. Nghĩa là khi doanh nghiệp có số thuế phát sinh đến đâu, thì tạm nộp đến đó, không nên để đọng lại.

Trường hợp doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận của quý I, quý II lớn, số thuế phát sinh phải nộp lớn, thì doanh nghiệp cần tính toán để tạm nộp số thuế phát sinh đó. Nếu số thuế tạm nộp càng sát số thuế phát sinh, thì doanh nghiệp sẽ không bị xử lý chậm nộp theo quy định của Nghị định 126. Còn nếu doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng để chậm nộp, hoặc nộp dồn vào cuối năm sẽ bất lợi cho doanh nghiệp, bà Cúc lưu ý.

Ở góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long cho rằng, quy định quản lý thuế kiểu mới này vắt kiệt sức của doanh nghiệp đi ngược lại các chủ trương chính sách của Chính phủ, bộ ngành đang hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp sống sót qua đại dịch Covid-19.

Thay vì tháo gỡ, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu thuế lâu dài thì lại tìm mọi cách để đánh thuế, phạt thuế.

Do đó, cần phải sửa đổi quy định này. Còn việc nhiều doanh nghiệp không tuân thủ thì đó là trách nhiệm giám sát, thanh tra của cơ quan thuế, không vì một số doanh nghiệp không tuân thủ quy định mà đánh đồng tất cả được, ông Long nhấn mạnh.

Còn theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công ty Luật SB LAW đánh giá: “Với quy định mới, doanh nghiệp không đoán chắc được doanh thu thì sẽ phải nộp dư để tránh nguy cơ bị phạt. Phần nộp dư này theo quy định doanh nghiệp có thể xin hoàn nhưng thủ tục phức tạp nên hầu như doanh nghiệp chịu treo ở đó rồi khấu trừ vào quý sau”.

Về thời điểm hiệu lực của quy định trên, Tổng cục Thuế cho biết sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền để có hướng dẫn cụ thể. “Có thể thấy, Nghị định 126 trên là tin vui cho ngành thuế, chấm dứt việc “khó khăn” đi xin thông tin của người nộp thuế. Tuy nhiên, việc thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm là vấn đề “đánh đố” doanh nghiệp”, Luật sư Hà nhận định.

(Link bài viết: https://congluan.vn/nghi-dinh-126-co-quan-thue-dang-danh-do-doanh-nghiep-post107625.html)

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan