Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 05/03/2023 tác động như thế nào đến doanh nghiệp?

Nội dung bài viết

Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 05/03/2023 sửa đổi bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ. Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty Luật SBLaw đã có những trao đổi như sau, dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu 1: Theo anh đánh giá, phân tích thì việc ban hành kịp thời văn bản này có những tác động như thế nào tới doanh nghiệp?

Trả lời:

        Ngày 05/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Nghị định này ra đời được cho rằng sẽ có những tác động lớn đến doanh nghiệp, cụ thể như sau:

       Thứ nhất, theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế (khoản 3 Điều 34) DN phát hành trái phiếu có trách nhiệm: "Thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu". Nghị định số 08/2023/NĐ-CP bổ sung quy định trong trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán như sau : Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp DN phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư, DN có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác theo các nguyên tắc sau: (i) Tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan; đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó; (ii) Phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận; (iii) DN phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.

       Thứ hai, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP quy định đối với TPDN đã phát hành trước khi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (ngày 16/9/2022) và còn dư nợ thì việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải bảo đảm các nguyên tắc sau: (i) Được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận; (ii) Trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư; (iii) Đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì DN phát hành có trách nhiệm đàm phán để bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư. Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì DN phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận).

         Từ một số điểm mới trên, có thể thấy sự ra đời của nghị định sẽ có những tác động tích cực đến thị trường trái phiếu như: Góp phần phát triển thị trường TPDN an toàn, lành mạnh và củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Quy định tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP mở ra cơ hội đàm phán, đi đến thống nhất phương án thanh toán nợ phù hợp với tình hình tài chính của nhiều DN hiện nay. Đồng thời, Nghị định cũng tận dụng được tài sản sẵn có của các DN vào quá trình thanh toán nợ cho trái chủ. Việc các trái chủ có thể nhận tài sản khác, ví dụ là bất động sản cũng là lựa chọn tốt có thể tham khảo khi không chấp nhận các điều kiện gia hạn nợ của tổ chức phát hành. Dù là giải pháp tạm thời nhưng cũng có tác động tích cực đến thị trường trái phiếu DN. Nếu các bên có thể đi đến thống nhất được theo một trong các phương án là gia hạn nợ hoặc hoán đổi tài sản thì sẽ giảm đáng kể nguy cơ vỡ nợ trái phiếu của nhiều tổ chức phát hành hiện tại.

Câu 2: Để khởi thông thị trường vốn thì với trái phiếu doanh nghiệp cần lưu ý những gì ạ? Mong anh cho em xin ý kiến anh với ạ!

Trả lời:

       Các quy định tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP chỉ là các giải pháp ngắn hạn nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 và 2024. Về dài hạn, để Nghị định 08/2023/NĐ-CP thực sự đi vào cuộc sống, các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải thực sự có thiện chí trong việc đàm phán với trái chủ để có phương án gia hạn hợp lý hoặc trả bằng tài sản khác; tôn trọng và đảm bảo được quyền lợi của trái chủ.

Đồng thời, chìa khóa để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, phải đến từ sự minh bạch. Minh bạch đến từ sự chủ động của doanh nghiệp, đến từ yêu cầu của cơ quan quản lý, các quy định của pháp luật. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động, minh bạch để có thể lấy được niềm tin của các nhà đầu tư.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan