Nghi can lừa tiền gia đình nạn nhân Rào Trăng 3 có thể đối diện mức án nào?

Nội dung bài viết

ANTD.VN - Mới đây, Cơ quan CSĐT-CAT Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với nghi can chiếm đoạt tiền của vợ nạn nhân vụ sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3.

 

Nghi can chiếm đoạt tiền của vợ nạn nhân vụ sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3 là Nguyễn Văn Phúc (23 tuổi, trú tại xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), bị khởi tố để điều tra về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, CAT Đắk Nông đã tiếp nhận đơn trình báo của gia đình chị Lê Thị Thu Thảo ở thôn Nam Tiến, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô – vợ của anh Trần Văn Lộc (là công nhân gặp nạn trong sự cố sạt lỡ ở Thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên Huế) về việc bị lừa, chiếm đoạt số tiền được ủng hộ là 100 triệu đồng.

Tại cơ quan công an, đối tượng Phúc khai nhận, sau khi đọc bài báo kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ cho gia đình chị Thảo, Phúc đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền ủng hộ.

Trong vai người ủng hộ tiền, khi chị Thảo thực hiện theo yêu cầu của mình, Phúc đã lấy tài khoản, mật khẩu và xác nhận chuyển tiền vào tài khoản đã chuẩn bị sẵn. Với thủ đoạn tương tự, Phúc đã lừa nhiều người trên cả nước với số tiền lớn. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.

Liên quan đến hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 290 BLHS 2015 quy định, người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173, 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm:

Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ; Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản; Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản; Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

Phạm tội có tổ chức; 2 lần trở lên; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50-dưới 200 triệu đồng…thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên… thì bị phạt tù từ 12-20 năm.

Về mặt khách quan, hành vi chiếm đoạt tài sản bằng các công cụ phạm tội như sử dụng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet và thiết bị số thể hiện ở một số dạng như: Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hoá, dịch vụ; Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản…Tội phạm thực hiện hành vi với lỗi cố ý – Luật sư Nguyễn Thị Thu cho biết.

Link bài viết: https://anninhthudo.vn/nghi-can-lua-tien-gia-dinh-nan-nhan-rao-trang-3-co-the-doi-dien-muc-an-nao-post448349.antd

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan