Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw đã trả lời phỏng vấn về Khai thác khoáng sản, tài nguyên nước trên báo Diễn đàn doanh nghiệp. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, ngân sách nhà nước sẽ thiệt hại gần 5.000 tỷ đồng nếu Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước.
Đáng nói vấn đề này cũng sẽ được mang lên bàn Quốc hội.
Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với chuyên gia Luật sư Nguyễn Thanh Hà.
Để triển khai thi hành Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Chính phủ được giao xây dựng, ban hành Nghị định hướng dẫn phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Theo đó, ngày 28/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 203/2013/ NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, có hiệu lực từ ngày 20/01/2014, chậm 2 năm 6 tháng kể từ ngày Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành; ngày 17/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, có hiệu lực từ ngày 01/9/2017, chậm 4 năm 8 tháng kể từ ngày Luật Tài nguyên nước có hiệu lực thi hành.
Việc làm này, theo dự tính đã khiến ngân sách hụt thu 5.000 tỷ đồng.
1/ Theo ông, trong trường hợp này, Chính phủ có nên truy thu số tiền hụt thu lên đến 5000 tỷ không, thưa ông?
Trả lời:
Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 có hiệu lực từ ngày 01/07/2011 và Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/01/2013, trong đó quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 77) và thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 65). Tuy nhiên, phải đến 2 năm 7 tháng sau, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản mới được ban hành và có hiệu lực (Nghị định số 203/2013/NĐ - CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, có hiệu lực từ 20/01/2014). Đối với Luật Tài nguyên nước, phải chờ đến gần gấp đôi thời gian đó, 4 năm 8 tháng, Nghị định số 82/2017/NĐ - CP ngày 17/7/2017 hướng dẫn thi hành mới có hiệu lực. Sự chậm trễ này đã “tạo khoảng trống” trong thực thi luật, khiến việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước không triển khai thực hiện được.
Theo báo cáo của Chính phủ trong Tờ trình số 317/TTr - CP ngày 7.8.2019 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong thời gian tính từ khi 2 đạo luật trên có hiệu lực đến ngày hai nghị định hướng dẫn có hiệu lực, sơ bộ có khoảng 5.000 tỷ đồng chưa thu được vào ngân sách.
5000 tỷ là một con số không nhỏ đối với ngân sách nhà nước. Nếu truy thu được số tiền hụt 5000 tỷ này thì sẽ là một sự bù đắp lớn cho Ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, phải xem xét ở nhiều khía cạnh thì mới thấy được rằng việc truy thu 5000 tỷ này không khả thi.
5000 tỷ mới chỉ là con số dự tính, thực tế phần thiếu hụt này có thể ít hơn hoặc lớn hơn nữa. Riêng việc tính toán làm sao cho ra con số thực tế hụt thu chính xác đã tiêu tốn quỹ thời gian của nhà nước. Chưa kể, tính ra rồi thì truy thu như thế nào cho nhanh, cho đủ?
Để thu được số tiền của hai lĩnh vực nêu trên, Nhà nước có thể sẽ phải bỏ số tiền không nhỏ cho nguồn nhân lực, thủ tục hành chính, công tác thẩm định, công tác thu, xử lý khiếu nại... Chưa kể vào đó đối tượng bị thu là các doanh nghiệp khai thác khoán sản và tài nguyên nước sẽ phải quyết toán lại chi phí, doanh thu hàng năm để tính ra được số tiền hụt ngân sách mình phải bù, trong khi hoạt động và kế hoạch của các doanh nghiệp này qua các năm đã đi vào ổn định.
2/ Nếu truy thu thì sẽ tác động thế nào tới doanh nghiệp? Liệu có làm khó doanh nghiệp, có ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không khi mà bản thân doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất, xoay vòng vốn nay bỗng nhiên lại bị truy thu một khoản tiền?
Trả lời:
Việc truy thu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, đời sống của người dân. Thực tế, các khoản thuế khác, các khoản phí đã được các doanh nghiệp thực hiện và cũng đã được hạch toán, trích, lập các loại quỹ. Cùng với đó, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên nước đã quyết toán chi phí từng năm, đã nộp các khoản thuế, phí cho Nhà nước, trích quỹ theo quy định, ... đã có hoạt động ổn định, đã có kế hoạch sản xuất cũng như kế hoạch xoay vòng vốn. Nay nếu Chính phủ đòi truy thu số tiền lớn là 5000 tỷ đồng, doanh nghiệp sẽ phải “cấu” từ các quỹ vốn đã được dự chi để bù lại số tiền hụt đó.
Như vậy, các kế hoạch của doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng về mặt tiến độ cũng như mặt chất lượng. Doanh nghiệp sẽ khó mà hài lòng khi mà quy định về việc thu tiền cấp quyền khai thác bị ban hành chậm trễ, mà giờ khi họ đã hoạt động ổn định thì Chính phủ lại đòi truy thu số tiền lớn như vậy.
3/ Chính phủ đã thừa nhận việc chậm ban hành các văn bản do không lường trước được khó khăn, phức tạp. Vậy trong trường hợp này, theo ông, vấn đề này nên được xử lý như thế nào, Trách nhiệm này sẽ thuộc về ai và xử lý nó như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 3 Điều 77 Luật Khoáng sản năm 2010 và Khoản 3 Điều 65 Luật Tài nguyên nước năm 2012: Chính phủ sẽ quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước.
Việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật dẫn đến những khó khăn vướng mắc như đã nêu là trách nhiệm của của cơ quan chủ trì soạn thảo, cụ thể là Chính phủ, chưa chủ động, chưa kịp thời báo cáo, đề xuất để tháo gỡ khi gặp khó khăn, vướng mắc.
Thực chất, trước khi ban hành Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Chính phủ đã phải xem xét và lường trước những khó khăn phức tạp và có đề xuất giải quyết trước khi Luật được thông qua. Việc nhận thức về thẩm quyền quyết định thời hạn áp dụng việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước chưa đầy đủ, nên Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định chưa kịp thời trình Quốc hội để xem xét, quyết định thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Việc quy định thời gian nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước bắt đầu từ khi nghị định có hiệu lực cũng đã làm mất hiệu lực của luật với các đối tượng này trong giai đoạn từ khi luật có hiệu lực đến khi nghị định có hiệu lực. Do đó, Chính phủ cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân trong việc chậm ban hành hai Nghị định nêu trên theo quy định.
4/ Với lý do là khó thu, một lần nữa Chính phủ lại đề xuất lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Theo ông, chúng ta có nên lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản không, thưa ông?
Trả lời:
Thực tế, vấn đề khó thu cũng xuất phát chính từ nguyên nhân các quy định của pháp luật hướng dẫn chậm ban hành, chưa có hướng dẫn cụ thể. Việc ban hành chậm nghị định hướng dẫn theo dự tính đã làm thiệt thu gần 5000 tỷ, nếu bây giờ tiếp tục lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước thì chắc chắn số tiền này tiếp tục bị đội lên con số còn lớn hơn nữa.
Hơn nữa, việc liên tục lùi thời gian thu tiền cũng sẽ tạo tiền lệ xấu trong việc thực thi pháp luật, đồng thời, làm hụt một khoản thu lớn, trong khi Ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn. Việc cần làm bây giờ đó là Chính phủ phải nhanh chóng kiểm chứng lại phương pháp thu, cách tính mức tiền thu trong các nghị định đã ban hành, nếu còn thấy khó khăn vướng mắc chỗ nào thì cần tham khảo và sửa đổi để có thể cho tiến hành thu tiền trong khoảng thời gian sớm nhất.
5/ Được biết, EITI cung cấp thông tin đầu vào hiệu quả cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về khoáng sản của Việt Nam. Điều này là đặc biệt quan trọng khi nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế cho thấy pháp luật về khoáng sản của Việt Nam vẫn còn nhiều khiếm khuyết đáng lo ngại. Việc chậm trễ, lùi thời hạn phải chăng là biểu hiện? cho thấy pháp luật Việt Nam về khoáng sản của Việt Nam thiếu tính ổn định, thưa ông?
Trả lời:
Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Khoáng sản 2010 và các nghị định, thông tư kèm theo hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản. Từ khi Luật Khoáng sản được ban hành đã thu được nhiều thành tựu, song trong quá trình áp dụng các quy phạm pháp luật đó vào thực tiễn lại phát sinh rất nhiều vấn đề. Việc chậm trễ, lùi thời hạn chính là một biểu hiện cho thấy pháp luật khoáng sản của Việt Nam vẫn còn nhiều thiếu sót.
Do trải qua nhiều giai đoạn, chuyển qua nhiều bộ quản lý nên hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản hiện hành bộc lộ nhiều tồn tại. Hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân còn bị điều chỉnh bởi một số văn bản pháp luật khác như: Bảo vệ môi trường, Đất đai, Tài nguyên nước, Tài nguyên rừng, ... Trong khi các văn bản luật nêu trên đều đã được sửa đổi để ban hành mới hoặc đã được sửa đổi, bổ sung thì một số quy định của pháp luật về khoáng sản chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp gây khó khăn cho công tác quản lý, nhất là tại các địa phương.
Liên quan đến cấp phép, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng lại không quy định rõ các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp qua đấu giá, khiến việc lựa chọn nhiều khi không đạt được mục tiêu là DN có đủ năng lực thực hiện.
Quy định hiện nay cũng không yêu cầu công khai quá trình cấp phép từ thông tin doanh nghiệp đăng ký cấp phép cho đến doanh nghiệp được lựa chọn cấp phép, nên mức độ minh bạch trong quá trình cấp phép rất hạn chế và thiếu tính cạnh tranh.
Bên cạnh đó, chúng ta chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sau khi được cấp phép khai thác trong việc theo dõi, giám sát sản lượng khai thác thực tế; về trữ lượng khoáng sản biến động trong quá trình khai thác.
Đồng thời, các văn bản dưới luật cũng chưa làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong cải tạo, phục hồi môi trường trong quá trình khai thác (nếu có) và trách nhiệm cụ thể khi thực hiện Đề án đóng cửa mỏ (xác định lại giá trị của khối tài sản công để xác định mục đích đóng cửa mỏ); cơ chế có tính khả thi đối với trường hợp đóng cửa mỏ khi tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không thực hiện.
6/ Vậy theo ông, trong thời gian tới Việt Nam có nên tham dự vào EITI không, nếu tham gia thì sẽ được những lợi ích gì, việc này có khắc phục được tình trạng này không?
Trả lời:
EITI là một tiêu chuẩn toàn cầu nhằm thúc đẩy tính minh bạch nguồn thu và trách nhiệm trong ngành khai thác khoáng sản. Sáng kiến này có phương pháp luận chặt chẽ nhưng linh hoạt nhằm theo dõi và đối chiếu các khoản thanh toán của công ty và nguồn thu chính phủ ở cấp quốc gia.
Vì vậy, Việt Nam nên tham gia sớm vào thực hiện sáng kiến EITI từ đó sẽ phần nào giúp ngành khai khoáng Việt Nam quản lý hiệu quả tài nguyên, khoáng sản một cách bền vững. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp theo dõi sát sao hơn các khoản phí, thuế môi trường mình nộp sẽ được đưa vào sử dụng, đầu tư vào cái gì đẻ giảm thiểu ô nhiễm môi trường – vấn đề đang được xã hội cũng như thế giới hết sức quan tâm.
Đồng thời, việc tham gia vào EITI cũng chính là cơ hội cải thiện chính sách, nâng cao hiệu quả thu ngân sách và giảm thiểu tham nhũng, thất thoát tài nguyên.
7/ Vậy, theo ông, làm thế nào để chúng ta có thể minh bạch hoạt động khai thác khoáng sản, thưa ông?
Trả lời:
Kinh nghiệm các quốc gia giàu tài nguyên trên thế giới và các tổ chức quốc tế đều khuyến nghị Việt Nam cần chú trọng hơn nữa vào các quy định về minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng.
Là một trong những ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng, đóng góp lớn cho ngân sách và GDP với sản lượng khai thác các nguồn lực khoáng sản lớn, tuy nhiên, công nghiệp khai khoáng của Việt Nam lại đang đối mặt với không ít thách thức cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một trong những điểm quan trọng cần phải sớm khắc phục, đó là mức độ minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng, đặc biệt trong cấp phép và quản lý thu thuế phí.
Do đó, trước tiên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần rà soát, hoàn thiện khung pháp lý. Đồng thời, những hành động, kế hoạch liên quan đến nội dung minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản cần phải được xây dựng cụ thể và rõ ràng hơn.
Thứ hai, theo Luật Khoáng sản năm 2010, tất cả mọi thứ trước khi đưa vào hoạt động đều phải qua điều tra cơ bản, thăm dò xác định trữ lượng và được tỉnh hoặc Trung ương phê duyệt. Nhưng với kinh phí hạn hẹp Trung ương không thể điều tra hết các hoạt động khai thác khoáng sản nên đã chuyển cho doanh nghiệp thực hiện. Vì thế cần tích cực tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm cũng như năng lực quản lý của doanh nghiệp trong việc điều tra khu vực khai thác khoáng sản.
Thứ ba, Tăng cường công tác quản lý của các cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp Giấy phép đủ điều kiện hoạt động của các mỏ khai thác, điều tra kĩ nếu đáp ứng đủ các điều kiện về khai thác cũng như bảo vệ môi trường mới được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản.
Thứ tư, nghiêm khắc trong việc xử phạt các doanh nghiệp khai thác nhưng chưa thực hiện cam kết trách nhiệm xã hội. Các chế tài hiện nay chưa đủ sức răn đe các doanh nghiệp. Đồng thời Nhà nước cũng nên đưa ra các chế tài nhằm hỗ trợ, giảm bớt phần nào chi phí khai thác của doanh nghiệp.