Ngăn chặn hành vi mua bán hóa đơn khống hiện nay

Nội dung bài viết

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều tổ chức cá nhân đang sử dụng hành vi mua bán hoá đơn khống. Đây là một vấn đề nan giải và ảnh hưởng đến nguồn thuế của quốc gia. Trước thực trạng này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty SBLaw sẽ trả lời cho các bạn được nắm rõ vấn đề này.

1/ Một doanh nghiệp trong vòng 7 ngày xuất tới 34k tỷ tiền hoá đơn trong khí vốn chủ sở hữu chưa đến 3 tỷ có bất thường không?

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ, “Hóa đơn” là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hóa đơn được thể hiện theo hình thức hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn do cơ quan thuế đặt in.

Hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) là loại hóa đơn, chứng từ quan trọng nhằm ghi nhận các thông tin hàng hóa, dịch vụ đã cung ứng cho bên mua theo quy định pháp luật. Hóa đơn VAT cũng là căn cứ để xác định số tiền thuế VAT doanh nghiệp phải nộp, giúp Nhà nước giám sát việc thực hiện nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, với mục đích để được khấu trừ thuế VAT đầu vào, giảm nghĩa vụ thuế, hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, nhiều doanh nghiệp đã có hành vi mua bán hóa đơn khống.

Thời gian gần đây, việc xuất hóa đơn của một số doanh nghiệp có dấu hiệu bất thường. Cụ thể, qua rà soát, Chi cục Thuế quận Bình Thạnh phát hiện chỉ trong vòng 07 ngày, một công ty yến sào liên tục xuất nhiều hóa đơn trị giá tổng cộng 34.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, bên tiếp nhận hóa đơn là các đơn vị hoạt động trên thị trường chứng khoán.

Hành vi trái pháp luật này không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh. Theo quy định pháp luật, hành vi mua bán hoá đơn trái phép nhẹ sẽ bị xử phạt hành chính, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, xử phạt hành chính

Theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, có quy định sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các trường hợp sau đây là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ:

Hóa đơn, chứng từ khống (hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ); hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả.

Điều 28 Nghị định này quy định: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn quy định tại Điều 4 Nghị định này. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.

Trường hợp sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm thì sẽ bị phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có một tình tiết giảm nhẹ trở lên theo quy định tại Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Thứ hai, xử lý hình sự

Căn cứ theo Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) hành vi mua hóa đơn để tăng chi phí có thể bị xử lý về tội:

– Tội trốn thuế (Điều 200) với mức hình phạt cao nhất là 07 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

+ Pháp nhân cũng có thể bị xử lý hình sự. Theo đó, mức hình phạt cao nhất là bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

– Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 203) với mức hình phạt cao nhất là 05 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

+ Pháp nhân cũng có thể bị xử lý hình sự. Theo đó, mức hình phạt cao nhất là bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Ngăn chặn thực trạng mua bán hoá đơn khống
Ngăn chặn thực trạng mua bán hoá đơn khống

2/ Trước đây sử dụng hoá đơn giấy thường chỉ bán giới hạn, nhưng hoá đơn điện tử lại xuất thoải mái liệu đây có phải lỗ hổng quản lý không?

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, trong đó:

a) Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua.

Mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử bao gồm số giao dịch là một dãy số duy nhất do hệ thống của cơ quan thuế tạo ra và một chuỗi ký tự được cơ quan thuế mã hóa dựa trên thông tin của người bán lập trên hóa đơn.

b) Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế.

Ngành thuế triển khai hóa đơn điện tử với mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh nhưng thời gian gần đây, có nhiều doanh nghiệp thành lập không nhằm mục đích kinh doanh, mà chỉ với mục đích mua bán hóa đơn nhằm trục lợi.

Nhằm ngăn chặn thực trạng trên, Bộ Tài chính đã chỉ đạo toàn ngành thuế tăng cường quản lý, giám sát việc phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế vừa triển khai Trung tâm Cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử nhằm phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử, giúp truy tìm, ngăn chặn doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Tuy nhiên, hệ thống cảnh báo rủi ro, tra soát hóa đơn điện tử phục vụ công tác quản lý thuế lại chưa hoàn thiện và hiệu quả. Chưa kể, cán bộ thuế lại quá tải do mỗi công chức phải quản lý hàng nghìn doanh nghiệp.

Thiết nghĩ, cần tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng trung tâm dữ liệu, sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo để phát hiện những nguy cơ, rủi ro của những doanh nghiệp và thực hiện giám sát, cảnh báo sớm, để sai phạm xảy ra ở mức thấp nhất.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan