NGĂN CHẶN HÀNH VI CHO VAY NẶNG LÃI

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW trả lời trên truyền hình quốc hội về vấn đề ngăn chặn hành vi cho vay nặng lãi

Câu 1/ Hiện nay, pháp luật đã quy định làm cơ sở cho việc hạn chế, xử lý với hoạt động cho vay nặng lãi như trong Bộ Luật hình sự, Bộ Luật dân sự nhưng trên thực tế thì tình trạng này vẫn diễn ra ngang nhiên. Vậy phải chăng những chế tài của Luật còn chưa đủ sức răn đe?

Trả lời:

Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về lãi suất vay như sau:

''1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.

Như vậy, lãi suất do các bên thỏa thuận không được vượt quá: 20%/ năm của khoản tiền vay.

Về hình thức xử lý của nhà nước đối với hành vi cho vay nặng lãi: Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi cho vay nặng lãi mà người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

Thứ nhất, xử phạt hành chính:

Theo Điểm d Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP thì đối với hành vi cho vay nặng lãi có thể Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay.

Thứ hai, xử lý hình sự:

Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về mức hình phạt đối với Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, hiện pháp luật đã có một số chế tài xử phạt hành vi cho vay nặng lãi, theo đó, mức phạt cao nhất được quy định tại Điều 201 của BLHS 2015 là có thể bị phạt là 01 tỷ đồng hoặc bị phạt tù đến 3 năm. Tuy nhiên, mức phạt này vẫn là chưa tương ứng với lợi nhuận mà các tổ chức “tín dụng đen” nhận được. Thực tế, đã có những đường dây cho vay nặng lãi đến hàng chục tỷ đồng bị triệt phá.

Câu 2/ Vậy theo ông nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do đâu?

Trả lời:

Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng “tín dụng đen” là do nhu cầu vay vốn của cả cá nhân và doanh nghiệp trong xã hội. Ưu điểm của hình thức cho vay nặng lãi là tiền đến tay rất nhanh, không có thủ tục lằng nhằng. Trong khi nhu cầu sử dụng tiền của người dân cấp thiết và không thể trì hoãn thì việc vay tiền từ ngân hàng và các công ty tài chính lại đòi hỏi đáp ứng những quy định ngặt nghèo với thời gian kéo dài. Thực tế đó dẫn đến việc rất nhiều người bất chấp đi vay nặng lãi mặc dù ý thức được rõ các rủi ro.

Thứ hai, chế tài xử lý các đối tượng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, chưa đủ sức răn đe.

Thứ ba, các biện pháp kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước nhằm đẩy lùi tín dụng đen chưa phát huy hiệu quả. Thậm chí, tín dụng đen ngày càng nở rộ và biến tướng sang hình thức cho vay online với mức lãi suất lên tới vài trăm % mỗi năm. Đặc biệt, dưới sự hỗ trợ của công nghệ, người vay và người cho vay chỉ cần đăng nhập vào ứng dụng công nghệ là có thể tiến hành giao dịch vay mượn.

Bên cạnh đó, những kẻ hoạt động trong đường dây cho vay nặng lãi đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân hoặc lạm dụng tín nhiệm của người dân để dễ dàng thực hiện hành vi phạm pháp của mình.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội, bổ sung, sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp lý; tăng cường các biện pháp răn đe mạnh với tín dụng đen. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là phổ biến các quy định về giao dịch vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn cũng như các phương thức, thủ đoạn của tội phạm tín dụng đen.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan