Ngăn chặn chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đảm bảo hiệu quả hội nhập kinh tế

Nội dung bài viết

Nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế, bảo vệ lợi ích của Việt Nam cũng như doanh nghiệp chân chính, ngày 4 tháng 7 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Quyết định 824/QĐ-CP phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ (Đề án 824). Ngày 31 tháng 12 năm 2019, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Báo Công Thương tổ chức Chương trình Đối thoại và Chính sách với chủ đề: Ngăn chặn chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đảm bảo hiệu quả hội nhập kinh tế. Dưới đây là cuộc đối thoại giữa Báo Công ThươngLuật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW.

Qua chia sẻ của lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại, ông/bà có đánh giá gì về xu thế, đặc điểm điều tra áp dụng phòng vệ thương mại hiện nay? Mức độ cũng như các tác động tiêu cực của các biện pháp này đang đặt ra những nguy cơ và thách thức ra sao đối với tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam?

Trả lời:

Đánh giá về xu thế, đặc điểm điều tra áp dụng phòng vệ thương mại hiện nay

Số lượng các vụ việc áp dụng phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng không chỉ giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn mà còn mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ khác. Lý do chính khiến xu thế PVTM gia tăng đánh vào hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là do kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng rất nhanh, nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các Hiệp định thương mại tự do. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn tại thị trường các nước nhập khẩu, đã khiến ngành sản xuất các nước này đề nghị chính phủ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM.

Những nguy cơ và thách thức đối với tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam?

Việc đối mặt với các cuộc điều tra áp dụng PVTM từ các quốc gia trên thế giới không chỉ là một thực tế tất yếu, bởi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây. Điều này là một thách thức đáng kể đối với ngành xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang trải qua nhiều biến động không lường trước được.

Sự tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, mặc dù mang lại những cơ hội lớn, nhưng cũng mở ra rủi ro và áp lực đối với doanh nghiệp Việt Nam. Các cuộc điều tra PVTM từ phía nước ngoài không chỉ đơn giản là các biện pháp bảo vệ thương mại, mà còn là những thách thức pháp lý và tài chính đối với doanh nghiệp.

Đối với nhiều doanh nghiệp, việc bị nước ngoài tiến hành cuộc điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM có thể gây ra những tác động tiêu cực đáng kể. Trước hết, có thể xảy ra tình trạng giảm lợi thế cạnh tranh, khi các biện pháp ngăn chặn hoặc thuế quan được áp dụng, đặt doanh nghiệp Việt Nam vào tình thế khó khăn trên thị trường xuất khẩu.

Nguy cơ và thách thức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam
Nguy cơ và thách thức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam

Ông/bà có bình luận gì về các vụ việc về chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang gia tăng đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam? Biện pháp đang mang tới các nguy cơ, rủi ro như thế nào và thách thức đặt ra đối với năng lực ứng phó của doanh nghiệp, cũng như vai trò hỗ trợ, đồng hành của cơ quan quản lý và địa phương trước các vụ việc?

Trả lời:

Trong thời gian gần đây, số lượng các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có dấu hiệu tăng, do cáo buộc Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính hoặc các hình thức khác nhau để lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang được áp dụng với quốc gia, lãnh thổ khác. Các vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra "lẩn tránh thuế" đối với hàng hóa xuất khẩu thường thuộc các trường hợp: hàng hóa của nước đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được chuyển tải sang Việt Nam để lấy xuất xứ Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại. Hàng hóa lấy xuất xứ Việt Nam để hưởng thuế suất ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc các quy định ưu đãi thuế quan (như GSP). Điều này không chỉ đưa ra những thách thức pháp lý cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam mà còn đặt ra những bài toán quản lý chính trị và kinh tế cho chính phủ. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần phải tăng cường quản lý và giám sát nguyên liệu xuất khẩu, đồng thời thúc đẩy sự minh bạch và tuân thủ quy tắc kinh doanh quốc tế để giảm bớt áp lực từ các cuộc điều tra và giữ vững uy tín trên thị trường quốc tế.

Những nguy cơ, rủi ro và thách thức đặt ra mà biện pháp này mang tới

Đối với doanh nghiệp

Doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về mặt pháp lý và tài chính. Việc xử lý các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài đòi hỏi sự bố trí thời gian và nguồn lực đáng kể, đặt ra những gánh nặng tài chính không nhỏ cho doanh nghiệp. Việc thuê tư vấn pháp lý để đáp ứng các yêu cầu phức tạp của các cuộc điều tra cũng đồng nghĩa với việc tăng chi phí và giảm lợi nhuận.

Chính vì vậy, trong bối cảnh này, doanh nghiệp cần phải có những chiến lược linh hoạt và chi tiêu cẩn thận khi tham gia vào các hoạt động xuất khẩu. Việc đầu tư vào năng lực pháp lý và tuân thủ quy định quốc tế sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa cơ hội trong môi trường kinh doanh quốc tế đầy thách thức này.

Đối với các cơ quan quản lý địa phương

Các cơ quan quản lý cần có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với các biện pháp phòng vệ thương mại. Thúc đẩy tạo ra cơ hội mới cho doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực từ các biện pháp phòng vệ thương mại thông qua các chính sách hỗ trợ.

Các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, cần xử lý hiệu quả thông qua cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý và trao đổi kịp thời với hiệp hội, cung cấp thông tin cập nhật giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc. Đồng thời, tích cực tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định, thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp; trao đổi, tham vấn đưa ra quan điểm về các khía cạnh pháp lý và thực tiễn của vụ việc với cơ quan điều tra của nước ngoài, đề nghị tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Gia tăng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại
Luật sư Nguyễn Thanh Hà tại buổi toạ đàm của Báo Công Thương

Trước xu thế gia tăng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại, ông/bà đánh giá gì về công tác ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của các Bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp, địa phương thời gian qua?

Trả lời:

Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã đề xuất và soạn thảo trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm đấu tranh, bóc tách các thủ đoạn gian lận xuất xứ. Đồng thời cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý.

Đối với công tác ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với hành vi gian lận thương mại về xuất xứ, đặc biệt các mặt hàng nhạy cảm.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng đã yêu cầu các đơn vị hải quan, đặc biệt là hải quan địa phương tăng cường kiểm tra, xác định vi phạm xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; thiết lập tiêu chí phân luồng kiểm tra đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu có mặt hàng có rủi ro cao; thực hiện kiểm tra ngay doanh nghiệp khi có dấu hiệu giao dịch xuất nhập khẩu tăng đột biến đối với những mặt hàng thuộc đối tượng nghi ngờ; xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện kiểm tra, phát hiện các vụ việc gian lận, giả mạo xuất xứ.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các Bộ/ngành liên quan để cập nhật, chỉnh sửa Danh sách theo hướng tập trung hơn nữa vào nhóm sản phẩm có nguy cơ lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Với tình hình căng thẳng như hiện nay, theo dự đoán sẽ còn rất nhiều các nhóm sản phẩm có nguy cơ bị liệt vào danh sách các nhóm hàng có nguy cơ lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, do đó các Bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp, địa phương cần tăng cường hơn nữa việc giám sát và đưa ra những chính sách có tính dài hạn và bền bỉ để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý tránh những rủi ro.

Tuy nhiên, để các công tác ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, cần có sự tích cực, chủ động tham gia, phối hợp của doanh nghiệp và các bên liên quan.

Gia tăng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại
Gia tăng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại

Dự báo, xu hướng điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại sẽ tiếp diễn trong những năm tới, vậy, ông/bà các cơ quan quản lý, nhất là Bộ Công Thương cần có các giải pháp, chế tài cụ thể nào nhằm nâng cao hiệu quả đối với công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại?

Trả lời:

Để giảm tối đa tác động tiêu cực của vụ việc điều tra PVTM đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương cần bám sát toàn bộ quá trình vụ việc điều tra PVTM, để theo dõi việc tuân thủ cam kết quốc tế của các cơ quan điều tra nước ngoài cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý vụ việc. Phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan triển khai có hệ thống hàng loạt hoạt động như cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị nước ngoài điều tra PVTM; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xử lý ứng phó với các vụ việc PVTM cụ thể; tham gia cung cấp, giải trình các chính sách của Chính phủ Việt Nam bị cáo buộc trợ cấp; tham gia phản biện pháp lý đối với các vi phạm, khả năng vi phạm cam kết quốc tế của cơ quan điều tra nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan cần phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có chức năng điều tra các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, khuyến cáo các doanh nghiệp không tiếp tay cho các hành vi gian dối, từ đó sẽ có những chế tài xử lý phù hợp với từng mức vi phạm.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần theo dõi thường xuyên những biến động xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường tiêu biểu để thông qua đó, doanh nghiệp có thể xác định được mặt hàng doanh nghiệp xuất khẩu có phải là đối tượng rủi ro hay không.

Về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp phải cân nhắc để có một chiến lược đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu có rủi ro. Doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu quy định cơ bản về PVTM tại các quốc gia mà mình dự định xuất khẩu sang. Đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới; đa dạng hóa sản phẩm. Nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm, đồng thời chuyển dần sang cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; có chiến lược kiểm soát lượng xuất khẩu và giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá, nhận trợ cấp.

Doanh nghiệp cũng cần hoàn thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp, triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch; áp dụng hệ thống kế toán theo chuẩn quốc tế, lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ để có thể chứng minh không bán phá giá, không lẩn tránh khi bị điều tra. Tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; phối hợp với Bộ Công Thương trong việc ngăn chặn các hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần hợp tác đầy đủ, toàn diện, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài khi là đối tượng bị điều tra và hối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) trong quá trình ứng phó vụ việc để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan