Nếu "hợp đồng tình ái" có thật, "đại gia" tố hoa hậu Phương Nga sẽ bị tội gì?

Nội dung bài viết

Vừa qua trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh cho rằng đó là ảnh chụp email về cuộc trao đổi thỏa thuận tiền – tình giữa hoa hậu Phương Nga và ông M. Vậy giá trị pháp lý của những email này thế nào? Điện tử Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW- Hà Nội).

- Thưa luật sư, ảnh chụp email cho rằng đó là trao đổi về thỏa thuận “Hợp đồng tình ái” giữa Phương Nga với ông M. Vậy email này có được coi là bằng chứng không?

Thư điện tử (sau đây gọi tắt là email) là một trong các hình thức thể hiện của thông điệp dữ liệu theo Luật Giao dịch điện tử 2005. Cũng theo quy định của Luật này, email tuy được lưu trữ bởi các phương tiện điện tử và không được thể hiện bằng hình thức văn bản nhưng vẫn mang giá trị pháp lý. Trong trường hợp pháp luật yêu cầu phải thể hiện bằng văn bản, nếu thông tin chứa trong email có thể được truy cập và sử dụng để tham chiếu khi cần thiết thì email được xem là có giá trị văn bản.

Bên cạnh đó, theo Điều 14 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ thì email mang giá trị chứng cứ và có giá trị như bản gốc khi đáp ứng được 2 điều kiện như sau :

+ Nội dung của email phải đảm bảo toàn vẹn (chưa bị thay đổi) kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng một email hoàn chỉnh (trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị thông điệp dữ liệu).

+ Nội dung email có thể truy cập và sử dụng dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.

Đồng thời, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì một thông tin, tài liệu chỉ có thể được coi là chứng cứ của vụ án khi nó có đủ ba thuộc tính: Tính khách quan; Tính liên quan và Tính hợp pháp. Và nó là chứng cứ chứng minh nếu: nó được thu thập hợp pháp, do các cơ quan có thẩm quyền thu thập và đảm bảo đúng trình tự, thủ tục của Luật TTHS.

Hiện nay những thông tin đó chỉ là thông tin trên mạng, chưa đưa vào hồ sơ vụ án thì chưa là chứng cứ.

Hoa hậu Phương Nga lúc mới đăng quang. Ảnh: Internet
Hoa hậu Phương Nga lúc mới đăng quang. Ảnh: Internet

- Nếu cơ quan Điều tra chứng minh những email lan truyền trên mạng về cuộc trao đổi thỏa thuận tình –tiền là đúng của ông M với Phương Nga thì vụ án này sẽ xử lý ra sao?

Nếu cơ quan tố tụng xác định email thể hiện giao dịch “Hợp đồng tình cảm” như lời khai của Phương Nga là có thật thì bị cáo không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Và nếu chứng minh làm rõ được hành vi mua bán dâm thì Phương Nga sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình”.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW- Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW- Hà Nội.

Trong khi ông M tố cáo Phương Nga lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà cơ quan Điều tra lại chứng minh rằng đó là thỏa thuận tiền - tình thì ông M có bị xử lý về “tội vu khống”?

Nếu Phương Nga có đơn yêu cầu, đồng thời CQĐT chứng minh được rằng ông M đã bịa đặt và loan truyền những điều bịa đặt đó thì ông M sẽ bị truy tố về “tội vu khống”.

Hành vi của ông M có thể bị truy cứu về tội “Vi phạm chế độ một vợ một chồng” theo điều 147 Bộ luật Hình sự năm 1999 bởi thời điểm giao kết hợp đồng tình cảm, ông M là người đã kết hôn. Đồng thời phải chứng minh và làm rõ được hành vi chung sống như vợ chồng giữa Phương Nga và ông Mỹ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc ông Mỹ đã từng bị xử phạt hành chính vì ngoại tình.

Ngoài ra, nếu cơ quan tố tụng chứng minh được hành vi thỏa thuận hợp đồng của ông M nhằm mục đích mua dâm thì ông M sẽ bị xử lý hành chính theo quy định.

Cảm ơn luật sư!

Theo danviet.vn

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan