Nền kinh tế thị trường: Các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị những gì?

Nội dung bài viết

Ngày 2-8, Bộ Thương mại Mỹ cho biết vẫn chưa xếp Việt Nam là nền kinh tế thị trường dù ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực. Phản hồi về kết luận này, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết "lấy làm tiếc". "Nếu Bộ Thương mại Mỹ xem xét hồ sơ, thực tiễn tại Việt Nam một cách khách quan, công bằng, họ đã có thể thừa nhận thực tế rằng Việt Nam là một nền kinh tế thị trường", cơ quan này nhìn nhận.

Xung quanh nội dung này phía báo Sài Gòn đầu tư tài chính muốn gửi đến LS. Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law một số nội dung sau:

Thưa ông, hiện 73 nước đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như: Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand... Nhưng Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam lại chưa công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Ông đánh giá như thế nào về quyết định này của Bộ Thương mại Mỹ khi Việt Nam cũng chuẩn bị kỹ hồ sơ để được công nhận. Theo ông điều này sẽ tác động như thế nào đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, nhất là khi chúng ta đang đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại tại Mỹ?

Trả lời:

Việt Nam đã nỗ lực gỡ bỏ mác “nền kinh tế phi thị trường” sau khi đã thực hiện các cải cách kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trong thời gian gần đây. Quyết định của Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục xếp Việt Nam vào danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường là một điều đáng tiếc trong bối cảnh nhiều nước trong G7 đã công nhận Việt Nam

Việc không được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, chống lẩn tránh xuất xứ. Việc liên tục bị điều tra và áp thuế chống bán phá giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch sản xuất và kinh doanh, tốn chi phí pháp lý, tốn thời gian để giải trình với cơ quan chức năng Hòa Kỳ và khi bị áp dụng các biện pháp này, thuế sẽ tăng và làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và có nguy cơ bị mất thị trường.

Điều này có thể dẫn đến việc tăng chi phí sản xuất và giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Mỹ. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn hơn khi tiếp cận và kinh doanh trên thị trường lớn này như quy trình xuất khẩu hàng hóa, thông quan hàng hóa vào Mỹ sẽ lâu hơn, phức tạp hơn và chi phí tuân thủ các quy trình, thủ tục sẽ nhiều hơn so với các nước có mặt hàng tương đối cạnh tranh đối với Việt Nam.

Quyết định này cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, không những khiến các nhà đầu tư nước ngoài có thể lo ngại về rủi ro chính sách và các rào cản thương mại khi đầu tư vào Việt Nam, mà còn làm chậm quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là với thị trường Mỹ.

Nền kinh tế thị trường
Nền kinh tế thị trường

Trước bối cảnh ấy, các doanh nghiệp nên có sự chuẩn bị như thế nào để đảm bảo được quyền lợi của mình trong các vụ kiện phòng vệ thương mại tại Mỹ?

Trả lời:

Việc Bộ Thương mại Mỹ vẫn chưa xếp Việt Nam là nền kinh tế thị trường dù ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực. Tôi đồng ý với nhận định của Bộ Công Thương “điều này có nghĩa rằng doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ còn tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ. Chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá”.

Để có thể đảm bảo được quyền lợi của mình trong các vụ kiện phòng vệ thương mại tại Mỹ, các Doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động và chuẩn bị kỹ lưỡng, cụ thể:

Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt cần nâng cao hiểu biết về luật pháp và quy định thương mại quốc tế; trang bị, cập nhật kiến thức về các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nói chung và Mỹ nói riêng. bao gồm các quy định về chống bán phá giá và chống trợ cấp. Hiểu rõ các tiêu chí và quy trình để chuẩn bị tài liệu và bằng chứng phù hợp.

Thứ hai, cần xây dựng mối quan hệ, tham gia, hợp tác các hiệp hội liên quan tại Mỹ như Hiệp hội xuất nhập khẩu để có thêm thông tin, tăng cường trao đổi, sự hỗ trợ và tư vấn chuyên môn khi cần thiết, tránh việc các doanh nghiệp Mỹ khởi kiện. Đồng thời, Doanh nghiệp cũng cần tăng cường hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Thứ ba, cần tăng cường minh bạch tài chính và quản trị của doanh nghiệp. Việc xây dựng và duy trì hệ thống quản lý tài chính minh bạch, tuân thủ các chuẩn mực kế toán quốc tế để tránh bị cáo buộc về trợ giá hoặc bán phá giá. Do đó, doanh nghiệp cần lưu giữ hồ sơ chi tiết và minh bạch về mọi hoạt động kinh doanh của mình.

Thứ tư, doanh nghiệp cũng cần xây dựng các kịch bản và kế hoạch để ứng phó với các quyết định phòng vệ thương mại, bao gồm việc tìm kiếm thị trường thay thế, điều chỉnh chiến lược kinh doanh và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải thường xuyên trao đổi với các cơ quan trong nước, cơ quan đại diện về tình hình, diễn biến xuất khẩu, nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại khi xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu. Các cơ quan này cũng có thể cung cấp các chứng cứ và số liệu minh bạch, thể hiện rằng hoạt động kinh doanh tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế cho Doanh nghiệp khi cần thiết. Đặc biệt khi vụ việc xảy ra để có thể xây dựng phương án xử lý kịp thời.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW 6
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW

Theo đánh giá của ông, trong lần hoàn thiện hồ sơ tiếp theo, Việt Nam cần chú ý đến nội dung nào và chúng ta cần có giải pháp cải thiện những vấn đề gì để được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường? Nếu Việt Nam được công nhận thì các doanh nghiệp sẽ có lợi thế như thế nào?

Trả lời:

Tuy Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, Bộ Thương mại Mỹ vẫn chưa công nhận Việt Nam đạt được mục tiêu này.

Một trong các lý do được đưa ra là Việt Nam vẫn sử dụng nhiều biện pháp hành chính như trần lãi suất, room tín dụng, và kiểm soát giá cả đối với điện, xăng dầu, và vàng, điều này ảnh hưởng đến đánh giá của Mỹ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chưa hoàn toàn độc lập và vẫn can thiệp sâu vào hoạt động của thị trường ngoại hối, điều này ảnh hưởng đến tính minh bạch và hiệu quả của thị trường.

Sự can thiệp sâu của Nhà nước vào các hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong việc phân bổ tín dụng và định giá, đã hạn chế sự phát triển của khu vực tư nhân và làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Trên đây là nhận định của Hoa Kỳ về kinh tế và cách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam.

Để có thể chuẩn bị cho lần tiếp theo, theo ý kiến của tôi, chúng ta cần thực hiện các công việc như sau:

Chính phủ và các bộ ngành liên quan tới lĩnh vực kinh tế cần tập trung vào tạo lập môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chính phủ cũng cần nghiên cứu kỹ những điểm mà phía Hoa Kỳ nên ra, điểm nào chúng ta khắc phục được chúng ta cũng đưa ra lộ trình, điểm nào cần trao đổi thì chúng ta tổ chức các cuộc đàm phán và đối thoại với Mỹ để giải quyết các vấn đề còn tồn tại và chứng minh những tiến bộ của Việt Nam.

Những tiến bộ của Việt Nam trong thời gian vừa qua để hướng tới nền kinh tế thị trường là không thể phủ nhận, điều này thể hiện ở những điểm sau:

Các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Apple, Google, Intel đã đầu tư và mở rộng đầu tư vào  Việt Nam đã thể hiện Việt Nam có môi trường đầu tư kinh doanh tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của những doanh nghiệp này.

Việt Nam cũng đã đáp ứng nhiều tiêu chí của Mỹ, như khả năng chuyển đổi tiền tệ, thương lượng lương tự do và tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài.

Rõ rang, chúng ta phải làm sâu sắc thêm những điểm này trong những lần đàm phán và chuẩn bị hồ sơ sắp tới.

Giải pháp cải thiện những vấn đề gì để được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường
Giải pháp cải thiện những vấn đề gì để được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường

Xin được hỏi thêm ông một vấn đề, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá phải đối mặt với khá nhiều các vụ kiện phòng vệ thương mại thì ngược lại ở thị trường nội địa doanh nghiệp chưa chủ động trong các vụ kiện để bảo vệ thị trường nội.

Theo ông, doanh nghiệp nên chuẩn bị như thế nào để có thể bảo vệ mình ngay trên sân nhà?

Trả lời:

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang ngày càng đi vào chiều sâu. Theo đó, hàng hoá nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam cũng được mở rộng. Từ đó xuất hiện những dấu hiệu của việc cạnh tranh không lành mạnh của hàng hoá nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt cần phải chuẩn bị và ứng phó kịp thời đối với các vụ kiện này để bảo vệ cho ngành sản xuất trong nước.

Trước tiên, các doanh nghiệp cần nâng cao hiểu biết về công cụ phòng vệ thương mại và kỹ năng sử dụng công cụ này. Đồng thời, các doanh nghiệp cần phải luôn duy trì hệ thống kế toán minh bạch, chặt chẽ và phù hợp.

Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam, cùng với hiệp hội, các địa phương, và các bộ ngành liên quan, cần phối hợp chặt chẽ để liên tục theo dõi và cập nhật danh mục cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại do Cục Phòng vệ thương mại ban hành.

Doanh nghiệp cũng nên thường xuyên cập nhật thông tin về các vụ điều tra phòng vệ thương mại, tham gia các lớp tập huấn và cập nhật diễn biến thị trường thường xuyên. Đặc biệt, doanh nghiệp cần chú ý theo dõi các vấn đề liên quan đến kiện phòng vệ thương mại để có sự phối hợp và nhận được hỗ trợ tích cực từ Cục Phòng vệ thương mại.

Thứ ba, phòng vệ thương mại không phải là việc của từng doanh nghiệp riêng lẻ mà là chiến lược hành động của cả một ngành sản xuất sản phẩm nội địa liên quan. Do đó, để sử dụng công cụ phòng vệ thương mại hiệu quả, doanh nghiệp phải tập hợp với nhau thành một lực lượng đủ sức đại diện cho một ngành sản xuất nội địa.

Bên cạnh đó, khi tham gia vào các vụ kiện phòng vệ thương mại, chúng ta cần chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ liên quan đến dữ liệu doanh nghiệp. Tham gia vào một vụ kiện phòng vệ thương mại không đơn giản, đây là một công cụ pháp lý phức tạp, đòi hỏi việc tập hợp dữ liệu từ nhiều doanh nghiệp trong ngành và cần rất nhiều thời gian. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, doanh nghiệp và ngành hàng sẽ có thể chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại một cách hiệu quả, đặc biệt là tránh được các thiệt hại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất trong nước.

Tham khảo thêm >> Luật sư tư vấn luật doanh nghiệp

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan