Nâng cao hiệu quả quản lý đất đai trên cơ sở thành tựu cuộc CMCN 4.0

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những giải đáp về vấn đề: "Nâng cao hiệu quả quản lý đất đai trên cơ sở thành tựu cuộc CMCN 4.0". Dưới đây là nội dung chi tiết:

Một trong những nội dung đáng chú ý tại phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 của Tổng bí thư là về câu chuyện đất đai, "nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai. Hiện đại hoá công tác quản lý đất đai và dịch vụ công về đất đai..." 

Câu hỏi: Thưa ông, dù đã có nhiều giải pháp nhưng vì sao vẫn còn những yếu kém, phát sinh trong vấn đề về đầu cơ, sốt đất?

Trả lời:

Lý giải hiện tượng dù đã có nhiều giải pháp nhưng giá bất động sản vẫn tăng cao tại các địa phương thời gian qua, nhất là thời điểm từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, đầu tiên có thể kể đến nguyên nhân, khi dân số tăng, kinh tế phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng nguồn cung chưa kịp đáp ứng dẫn đến lệch pha cung-cầu; do chuyển dịch dòng vốn đầu tư để bảo đảm an toàn khi các kênh đầu tư khác gặp khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh…

Bên cạnh đó, việc địa phương ban hành bảng giá đất điều chỉnh theo khung giá đất mới tăng so với trước đây cũng là nguyên nhân làm tăng giá bất động sản, đặc biệt là bất động sản nhà ở... Tuy nhiên, lý do đáng lo ngại hơn cả là tình trạng giới đầu cơ bất động sản, lực lượng môi giới bất chính đã lợi dụng các yếu tố mập mờ về thông tin như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để tung ra các thông tin dẫn đến tình trạng nhiễu loạn nhằm "thổi giá" thu lợi bất chính...

Lý do nữa cũng phải nhìn nhận là dù đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, sốt đất rồi nhưng nhìn chung, các biện pháp hiện nay vẫn chỉ là giải pháp tạm thời và chưa thật sự hiệu quả.

Câu hỏi:Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vai trò của ứng dụng công nghệ với các phần mềm cung cấp thông tin giá đất, quy hoạch?

Trả lời:        

Trên thế giới, các nước phát triển như Nhật Bản, Thụy Điển, ... họ đã ứng dụng công nghệ, phần mềm từ rất sớm, và cũng sớm có được một hệ thống quản lý đất đai, cập nhật thông tin giá đất, quy hoạch lâu đời. Thậm chí, tại Nhật Bản, việc ứng dụng và số hóa hệ thống đăng ký, cung cấp thông tin, quản lý bất động sản được thực từ năm 1988 đến năm 2008, với kết quả đã được 270 triệu thông tin về bất động sản vào hệ thống. Và đến nay, người dân có thể xem được thông tin đăng ký, thông tin giá đất, quy hoạch qua mạng Internet tại nhà.

Tại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập thúc đẩy kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghệ liên quan đến quản lý đất đai mạnh như hiện nay, thì chúng ta lại càng không thể phủ nhận vai trò quan trọng mà những phần mềm, công cụ trong quá trình ứng dụng này đem lại.

Hệ thống thông tin đất đai sẽ được tích hợp với dữ liệu nhiều ngành khác, hướng đến hệ thống dữ liệu đa mục tiêu nhằm phục vụ việc hình thành Chính phủ điện tử. Chưa kể, một trong các nhóm giải pháp xây dựng và hoàn thiện hệ thống dữ liệu quản lý đất đai hiện nay đó là hoàn thiện hệ thống quản trị đất đai theo hướng: (i) Khai thác và chia sẻ thông tin dữ liệu quản lý đất một cách thống nhất để xử lý, phân tích và thông tin kịp thời, phục vụ công tác quản lý đất đai, hướng đến thành lập dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. (ii) Cơ sở về dữ liệu: Từng bước hoàn thiện CSDL đất đai của tỉnh, góp phần hoàn thiện CSDL quốc gia đã, đang được xây dựng và hình thành theo mô hình trung ương (tập trung), địa phương (phân tán) để quản lý thống nhất nội dung CSDL quản lý đất đai.

Hiện nay, Việt Nam đã hoàn thành thử nghiệm kết nối với CSDL đất đai do Trung ương quản lý và một số tỉnh/thành phố: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Tây Ninh. Các nội dung dữ liệu đã kết nối, chia sẻ như: Dữ liệu hiện trạng sử dụng đất của quốc gia và 7 vùng kinh tế; Dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia và 7 vùng kinh tế; Dữ liệu khung giá đất, bảng giá đất các tỉnh; Dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai của quốc gia và 7 vùng kinh tế; Dữ liệu về 12 trường thông tin cơ bản của thửa đất; Bản đồ quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đối với thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là những thành quả mà cách mạng công nghệ mang lại, và đồng thời, nó cũng cho thấy Đảng và Nhà nước ta đã và đang hòa nhập hóa, hiện đại hóa công tác quản lý về đất đai và dịch vụ công về đất đai.

Câu hỏi: Thưa ông, hiệu quả quản lý đến thời điểm hiện tại được đánh giá ra sao?

Trả lời:

Với việc đã cắt giảm từ 1/2 - 1/3 thời gian thực hiện thủ tục khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền tài sản trên đất, chỉ số đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản (một trong 10 chỉ số để đánh giá môi trường kinh doanh) có sự chuyển biến mạnh mẽ đứng thứ 60/190 quốc gia được đánh giá. 100% các huyện trên cả nước đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai ở các mức độ khác nhau, trong đó, có 182/713 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 46 tỉnh, thành phố đang vận hành, quản lý khai thác, sử dụng đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai để phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, đồng thời góp phần làm minh bạch thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, Ngành đã thực hiện thí điểm kết nối liên thông điện tử giữa Cơ quan thuế và Cơ quan đăng ký đất đai, đây là một bước đột phá cải cách thủ tục hành chính rất quan trọng, được người dân và các cơ quan quản lý Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao...

 

Câu hỏi: Thưa ông, bên cạnh những nút thắt chính về thuế, bảng giá đất thì câu chuyện nhìn thấy rõ là vai trò của minh bạch thông tin quy hoạch rất quan trọng. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của thông tin quy hoạch trong công tác tránh đầu cơ, sốt đất?

Trả lời:

Công khai, minh bạch là một trong những nguyên tắc quan trọng trong mọi lĩnh vực quản lý của nhà nước nhất là trong lĩnh vực đất đai. Việc pháp luật đề cao tính công khai, minh bạch và dân chủ trong các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có ý nghĩa rất quan trọng:

Thứ nhất, việc công khai, minh bạch vừa là đòi hỏi khách quan trong quá trình thực thi các quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vừa là cơ chế để kiểm soát hoạt động này. Bởi tất cả nội dung, phạm vi, giới hạn, trình tự, thủ tục,...đều do pháp luật quy định. Thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ sẽ đảm bảo cho hoạt động này được diễn ra trong đúng khuôn khổ pháp luật.

Thứ hai, công khai, minh bạch trong việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ giúp cho người dân được tham gia trực tiếp bàn bạc những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình. Bởi mặc dù ở nước ta đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân nhưng nhà nước đã giao quyền chiến hữu. sử dụng đất cho người dân. Việc nhà nước quy hoạch sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những lợi ích hợp pháp mà người sử dụng đất tạo ra trong quá trình sử dụng đất. Do đó đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất vì vậy họ cần phải được tham gia bàn bạc, đưa ra ý kiến, nguyện vọng thông qua đó bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Thứ ba, công khai, minh bạch là một trong những giải pháp quan trọng để phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai nói chung và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói riêng. Thông qua việc công khai, minh bạch các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực quy hoạch sử dụng đất, người dân có thể tham gia tích cực, phát huy tính dân chủ, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước và tố cáo các hành vi tiêu cực, trái với quy định của pháp luật của những cán bộ, công chức trong quá trình thực thi quyền hạn của mình. Từ đó góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thứ tư, công khai, minh bạch và dân chủ sẽ góp phần làm giảm những tranh chấp, khiếu kiện kéo dài của người dân về vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thông qua việc công khai, minh bạch, người dân không chỉ nắm được các quyền và nghĩa vụ của mình mà còn biết cách sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế mà còn có điều kiện để bày tỏ những mong muốn, nguyện vọng của mình tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các cơ quan nhà nước nắm được ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để có thể xem xét, giải quyết kịp thời, không để nảy sinh những mâu thuẫn. Điều này sẽ tạo tâm lý thoải mái, tạo lòng tin của người dân vào các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ đó hạn chế được những tranh chấp, khiếu kiện kéo dài trong lĩnh vực đất đai hiện nay.

Đồng thời, trong công cuộc cách mạng công nghiệp hóa 4.0 thì vai trò và đẩy mạnh ứng dụngcông nghệ vào quản lý là điều cần thiết và cũng là xu thế phù hợp nhằm công khai minh bạch các nội dung liên quan đến đất đai và quản lý đất đai.  Theo đánh giá của Bộ TN&MT, thời gian qua, đã có nhiều nguồn lực đầu tư cho xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sơ dữ liệu đất đai ở nước ta và bước đầu hệ thống thông tin đất đai và cơ sơ dữ liệu đất đai được hình thành. Mặt khác, ở những địa phương đã được “số hoá” dữ liệu đất đai, địa phương mới chỉ chú trọng vào cơ sơ dữ liệu địa chính, các cơ sơ dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất, … là các thành phần cấu thành cơ sơ dữ liệu đất đai hoàn chỉnh chưa được đầu tư. Hạ tầng thông tin và cơ sơ dữ liệu đất đai - yếu tố cốt lõi hỗ trợ công tác chuyên môn, cải cách thủ tục hành chính cũng như phục vụ cho việc phối, kết hợp với các bên có liên quan khác vẫn còn vừa thiếu vừa yếu và chưa đồng bộ, thống nhất. Hồ sơ đất đai chủ yếu được quản lý, sử dụng ở dạng hồ sơ giấy, khả năng tra cứu, xử lý mất nhiều thời gian, hạn chế về độ chính xác, tính đầy đủ, …

Câu hỏi: Thưa ông, các ứng dụng theo dõi quy hoạch nên được ứng dụng ra sao, thông qua hình thức nào? 

Trả lời:

Hiện nay, trên cả nước đã có 100% các đơn vị cấp huyện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên mới có 192/707 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 49 tỉnh/thành phố đang vận hành, quản lý khai thác, sử dụng đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn với CSDL với hơn 22 triệu thửa đất và hơn 11 triệu hồ sơ.

Đặc biệt chỉ có 6 tỉnh, thành phố cơ bản đã hoàn thành xây dựng việc CSDL địa chính và đưa vào vận hành, khai thác theo mô hình tập trung cấp tỉnh gồm: Vĩnh Long, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Định, Bến Tre.

Một số dự án quản lý đất đai ứng dụng công nghệ của thời đại 4.0 được đưa vào sử dung, ta có thể kể đến:

Dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (Dự án VLAP - nguồn vốn vay WB) đã tập trung về đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và xây dựng CSDL địa chính một cách đồng bộ và được triển khai trên địa bàn 1.057 đơn vị cấp xã thuộc 60 đơn vị cấp huyện của 9 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Hà Nội 3 huyện - 66 xã; Hưng Yên 5 huyện - 84 xã; Thái Bình 8 huyện - 286 xã; Quãng Ngãi 6 huyện - 65 xã; Bình Định 5 huyện - 75 xã; Khánh Hòa 7 huyện - 94 xã; Tiền Giang 8 huyện - 131 xã; Bến Tre 8 huyện - 147 xã và Vĩnh Long 8 huyện - 109 xã.

Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (Dự án VILG - Nguồn vốn vay WB) đang được triển khai với các nội dung chính bao gồm: Triển khai Hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu (MPLIS): Thiết lập Trung tâm dữ liệu đất đai để vận hành theo mô hình CSDL đất đai tập trung, thống nhất; Thuê đường truyền dữ liệu; Cung cấp phần mềm để quản lý vận hành hệ thống; Triển khai vận hành hệ thống (bao gồm vận hành thử, đào tạo, chuyển giao công nghệ và quản lý hệ thống, hỗ trợ kỹ thuật) trên phạm vi cả nước;

Dự án được triển khai xây dựng CSDL đất đai trên phạm vi 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm xây dựng mới CSDL đất đai gồm 4 thành phần: CSDL địa chính, CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, CSDL giá đất và CSDL thống kê, kiểm kê đối với các huyện chưa có CSDL; Chuẩn hóa, chuyển đổi vào hệ thống và xây dựng bổ sung 3 CSDL thành phần (CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, CSDL giá đất và CSDL thống kê, kiểm kê) đối với các huyện đã xây dựng CSDL địa chính trước đây.

Ngoài ra còn Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai là dự án đã được các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện từ năm 2008 với các nội dung chính là lập, chỉnh lý và hoàn thiện bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng CSDL địa chính. Dự án đã và đang triển khai thực hiện tại 274 đơn vị cấp huyện trên cả nước.

Chức năng của phần mềm ứng dụng được chia thành 3 nhóm chính gồm:  Nhóm ứng dụng hỗ trợ xây dựng CSDL đất đai; Nhóm ứng dụng quản trị, cập nhật, vận hành CSDL đất đai; Nhóm ứng dụng khai thác, sử dụng CSDL đất đai. Ngoài ra, một số địa phương đã bắt đầu ứng dụng các công nghệ hiện đại của Cách mạng công nghiệp 4.0 như nền tảng Web-base, smartmobile, Blockchain... vào khai thác CSDL đất đai.

Hiện nay, 3 mô hình hệ thống cơ sở dữ liệu đang vận hành ở nước ta bao gồm: mô hình tập trung cấp tỉnh, mô hình bán tập trung cấp tỉnh và mô hình phân tán cấp huyện. Các phần mềm đang được các địa phương sử dụng gồm: ViLIS (43/63 tỉnh), ELIS (13/63 tỉnh), TMV.LIS (4/63 tỉnh), DongNai.LIS (1/63 tỉnh), SouthLIS (2/63 tỉnh).

Trên đây là quan điểm của luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SBLAW về vấn đề “Nâng cao hiệu quả quản lý đất đai trên cơ sở thành tựu cuộc CMCN 4.0"

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan