Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh từ vụ việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố 2 vụ án: “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, liên quan việc giao khu đất Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa ở số 1 đường Trần Hưng Đạo; vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại dự án Nha Trang Golden Gate, số 28E Trần Phú.

– Theo ông, tài sản nhà nước đã giao cho doanh nghiệp nhưng phát hiện sai phạm trong quá trình chuyển nhượng sẽ được thu hồi trên cơ sở pháp lý nào?

Cần khẳng định rằng, việc mua bán tài sản công được thực hiện bởi một bên là cơ quan nhà nước và bên kia là doanh nghiệp tư nhân, và về bản chất đây là giao dịch dân sự. Cụ thể, Điều 11 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất được lập thành Hợp đồng mua bán tài sản.

Do đó, khi đặt ra vấn đề thu hồi lại tài sản đã bán thì cần căn cứ vào các quy định của pháp luật dân sự về giao dịch hợp đồng để giải quyết chứ không thể thực hiện bằng mệnh lệnh hành chính đơn phương.

Chính vì vậy, điều quan trọng là cần chứng minh giao dịch mua bán tài sản công là vô hiệu và khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, việc thu hồi lại tài sản do một cơ quan nhà nước đã bán là có thể và có cơ sở pháp lý để thực hiện.

– Những căn cứ pháp lý quan trọng để cơ quan pháp luật có thể phán xử tuyên hoặc buộc hủy bỏ hợp đồng để thu hồi tài sản?

Bộ luật dân sự năm 2015 quy định giao dịch dân sự bị vô hiệu trong nhiều trường hợp, ví dụ như: giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức; giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo…

Khoản 2 Điều 43 Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017 quy định: “Việc bán tài sản công được thực hiện theo hình thức đấu giá, trừ trường hợp bán các loại tài sản công có giá trị nhỏ theo hình thức niêm yết giá công khai hoặc bán chỉ định theo quy định của Chính phủ”.

Theo khoản 6 Điều 10 Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017, một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công là “Xử lý tài sản công trái quy định của pháp luật”.

Khu đất Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa nay đã thành tổ hợp cao ốc.

Trong trường hợp tại Khánh Hòa, các khu đất công được giao cho doanh nghiệp tư nhân mà không qua đấu giá dẫn đến sai quy trình bán tài sản công.

Do đó, giao dịch này đã vi phạm điều cấm của luật, hậu quả pháp lý sẽ là “các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”.

– Nhưng việc thu hồi này chắc hẳn sẽ có nhiều khó khăn, thưa ông?

Như đã trình bày ở trên, việc mua bán tài sản công thực chất là giao dịch dân sự giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Do đó, nếu chứng minh được hợp đồng vô hiệu thì hai bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Việc đầu tiên là cần khẩn trương mời các nhà đầu tư làm việc, tính lại giá trị, kịp thời thu hồi tài sản đảm bảo quyền lợi giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư.

Vì vậy, việc xử lý những trường hợp như trên theo quy định của pháp luật dân sự thay vì ban hành các văn bản hành chính vừa có cơ sở pháp lý vừa tôn trọng nguyên tắc thị trường.

Trong thời gian vừa qua việc phát hiện vi phạm trong lĩnh vực này vẫn chưa được kịp thời, nhiều vụ việc xảy ra đã lâu đến nay mới được phát hiện xử lý; tỷ lệ thu hồi tài sản khá thấp; phán quyết của tòa án thu hồi tài sản nhiều nội dung vẫn chưa thuyết phục…; khiếu nại, khiếu kiện sau khi xét xử án có hiệu lực vẫn xảy ra.

Vì vậy, mục tiêu đặt ra là các cơ quan pháp luật không chỉ sớm phát hiện, trừng trị tội phạm mà còn thu hồi nhanh chóng, đầy đủ tài sản liên quan đến tội phạm trên thực tế (thay vì là một quyết định, phán quyết khó có khả năng thi hành, thu hồi tài sản).

– Trong trường hợp bị thu hồi tài sản người ta hay đề cập đến một khía cạnh là “quyền tài sản”, theo ông với hệ thống pháp luật của chúng ta như hiện nay, có chế tài nào đảm bảo sự bình đẳng đối với nhà đầu tư?

Để bảo vệ nhà đầu tư, cũng như tạo môi trường lành mạnh cho các nhà đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tăng cường thanh tra, giám sát để trừng trị một cách thích đáng đối với các quan chức sai phạm để nêu gương và thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị thiệt hại. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể chấm dứt được tình trạng quan chức lạm dụng chức vụ, quyền hạn làm giàu trên tài sản của nhà nước, nhân dân.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư khi tham gia vào các giao dịch với cơ quan nhà nước cũng cần tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan, không thể vì lợi ích trước mắt mà vi phạm pháp luật, đặc biệt liên quan tới tài sản công. Việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư phải do chính nhà đầu tư thực hiện trên cơ sở của pháp luật.

– Vậy trong câu chuyện này, đâu sẽ là giải pháp để cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và nhà nước, thưa ông?

Trước tiên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nhanh chóng rà soát lại các quy định, giải quyết, tháo gỡ vướng mắc theo từng nhóm dự án. Đối với nhóm dự án sau khi được thanh tra, các sở, ngành khẩn trương xử lý, khắc phục tồn tại, thiếu sót và hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục theo quy định hiện hành để tiếp tục triển khai đầu tư, xây dựng, đưa dự án vào hoạt động.

Đối với nhóm dự án xảy ra thất thoát về mặt tài sản thì cần phải khẩn trương làm việc với các chủ đầu tư để thu hồi tài sản thất thoát cho ngân sách Nhà nước và có giải pháp đảm bảo quyền lợi của chủ đầu tư.

Tiếp tục hoàn thiện hơn các quy định về đấu giá, bán tài sản công trong các quy định pháp luật, rà soát các điểm chưa phù hợp, vá những lỗ hổng để không để cho tình trạng này tái diễn ở các địa phương khác và trong tương lai.

Link bài viết: https://enternews.vn/nan-giai-thu-hoi-tai-san-cong-198603.html?fbclid=IwAR0_B6zqp5Jgi-mH02gUGQ9S2laKs1TM9cnbO7iHrNoZ7JMJ0o5JTnIjmrU