Muốn tách doanh nghiệp: Xử lý lỗ thế nào?

Nội dung bài viết

Điều 193 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về tách doanh nghiệp như sau:

“1. Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới (sau đây gọi là công ty được tách) mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách …”.

Như vậy pháp luật quy định chỉ có công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần mới được phép thực hiện tách doanh nghiệp.

Khoản 2 điều 193 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về phương thức tách doanh nghiệp:

“a) Một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chuyển sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị tách và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới;

b) Toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp của họ được chuyển sang cho các công ty mới”.

Trong trường hợp công ty kinh doanh thua lỗ và muốn tách doanh nghiệp thì số lỗ sẽ được xử lý căn cứ vào Điều 7 Thông tư số 96/2015/TT-BTC:

"… 3. Doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế đến thời điểm có quyết định chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản của cơ quan có thẩm quyền (trừ trường hợp không phải quyết toán thuế theo quy định). Số lỗ của doanh nghiệp phát sinh trước khi chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất phải được theo dõi chi tiết theo năm phát sinh và bù trừ vào thu nhập cùng năm của doanh nghiệp sau khi chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất hoặc được tiếp tục chuyển vào thu nhập của các năm tiếp theo của doanh nghiệp sau khi chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất để đảm bảo nguyên tắc chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.

Số lỗ của doanh nghiệp phát sinh trước khi chia, tách thành doanh nghiệp khác và đang còn trong thời gian chuyển lỗ theo quy định thì số lỗ này sẽ được phân bổ cho các doanh nghiệp sau khi chia, tách theo tỷ lệ vốn chủ sở hữu được chia, tách”.

Như vậy, công ty vẫn có thể thực hiện việc tách công ty mặc dù đang thua lỗ. Số lỗ của Công ty phát sinh trước khi tách phải được theo dõi chi tiết theo năm phát sinh, nếu còn trong thời gian chuyển lỗ theo quy định thì được phân bổ cho các bên sau chia tách theo tỷ lệ vốn chủ sở hữu được tách. Số lỗ này tiếp tục chuyển vào thu nhập của các năm tiếp theo của doanh nghiệp được tách nhưng phải đảm bảo nguyên tắc chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan