Muốn kinh doanh hải sản đông lạnh quy mô nhỏ cần thực hiện thủ tục gì?

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Tôi là Thủy, ở Quảng Ninh. Hiện tôi đang có kế hoạch kinh doanh mặt hàng hải sản đông lạnh ở quy mô nhỏ. Theo kế hoạch, tôi sẽ đăng ký thành lập Hộ kinh doanh cá thể, bán cá theo dạng nguyên con (không qua sơ chế) và sơ chế cắt khúc để đóng gói bán. Xin hỏi: Tôi có cần phải xin giấy chứng nhận Cơ sở đảm bảo VSATTP hay không? các sản phẩm của tôi có phải công bố tiêu chuẩn VSATTP hay không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 34 Luật An toàn thực phẩm 2010 có quy định về các đối tượng phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm như sau:

“Điều 34. Đối tượng, điều kiện cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

1. Cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Chương IV của Luật này;

b) Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

2. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Chính phủ quy định cụ thể đối tượng không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm”.

Điều 12 Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định về các đối tượng không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm như sau:

“Điều 12. Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

1. Việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được thực hiện đối với từng cơ sở sản xuất, kinh doanh; từng nhà máy sản xuất độc lập tại một địa điểm (sau đây gọi tắt là cơ sở), trừ các trường hợp sau:

a) Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;

b) Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;

c) Bán hàng rong;

d) Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo quy định.

2. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thẩm quyền cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý tại Điều 62, 63, 64 của Luật an toàn thực phẩm và Nghị định này và quy định phương thức quản lý đối với các loại hình sản xuất, kinh doanh tại Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này”.

Trong đó cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ được quy định tại Điều 2 Thông tư 26/2012/TT-BYT:

“Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các thuật ngữ được hiểu như sau:

1. Cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ là cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác các nguyên liệu thực phẩm ở quy mô hộ gia đình, hộ cá thể.

2. Cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ là cơ sở kinh doanh thực phẩm ở quy mô hộ gia đình, hộ cá thể có hoặc không có giấy đăng ký kinh doanh thực phẩm.

3. Cơ sở bán hàng rong là cơ sở kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín cơ động trên đường phố (không có địa điểm cố định)”.

Như vậy, trường hợp gia đình bạn kinh doanh theo hình thức Hộ kinh doanh cá thể buôn bán nhỏ lẻ không thuộc vào trường hợp phải xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tuy nhiên cơ sở kinh doanh của bạn vẫn phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định tại điều 23 Nghị định 66/2016/NĐ-CP

“Điều 23. Điều kiện đầu tư kinh doanh cơ sở buôn bán thực phẩm

1. Về nhân lực

a) Chủ cơ sở, người trực tiếp buôn bán thực phẩm có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

b) Chủ cơ sở và người trực tiếp buôn bán thực phẩm phải đáp ứng yêu cầu về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.

2. Nơi buôn bán

a) Tách biệt với khu vực ô nhiễm môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố theo quy định của pháp luật, các khu tập trung, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện;

b) Tách biệt khu vực vệ sinh với khu vực bảo quản, khu vực kinh doanh thực phẩm; cửa nhà vệ sinh không mở thông vào khu vực bảo quản thực phẩm.

3. Thiết bị, dụng cụ

a) Có thiết bị, dụng cụ vận chuyển, bảo quản sản phẩm đáp ứng các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm theo chỉ dẫn của nhà sản xuất;

b) Có thiết bị, dụng cụ sơ chế, chứa đựng, bao gói, bày bán sản phẩm đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12-1:2011/BYT về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ bằng nhựa tổng hợp tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12-2:2011/BYT về vệ sinh an toàn đối với bao bì, dụng cụ bằng cao su tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12-3:2011/BYT về vệ sinh an toàn đối với bao bì, dụng cụ bằng kim loại tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm;

c) Dụng cụ thu gom chất thải, rác thải có nắp đậy và lưu trữ ở khu vực riêng biệt”.

Thủ tục đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh được thực hiện theo quy định tại chương VIII Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Hồ sơ đăng kí kinh doanh hộ kinh doanh được quy định tại Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP bao gồm Giấy đề nghị đăng kí kinh doanh hộ kinh doanh (Phụ lục III-1 Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT) và bản sao công chứng chứng thực chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu, gửi đến phòng đăng ký kinh doanh cấp quận/huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan