Muốn kinh doanh dịch vụ xông hơi thuốc bắc, phải đáp ứng những điều kiện gì?

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Tôi là Lam, ở Hà Nội. Tôi muốn hỏi về việc chỉ kinh doanh dịch vụ xông hơi thuốc bắc được quy định tại văn bản pháp luật nào? Tôi không kinh doanh dịch vụ massage đi kèm, thì tôi có phải tuân thủ quy định theo Nghị định 72/2009/NĐ-CP và Thông tư 11/2001/TT-BYT hay không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo quy định tại Nghị định 72/2009/NĐ-CP về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và Thông tư 11/2001/TT-BYT hướng dẫn điều kiện hành nghề dịch vụ xoa bóp, massage; bạn kinh doanh dịch vụ xông hơi thuốc bắc là ngành nghề kinh doanh không có điều kiện và không phải tuân theo hai văn bản này. Bạn chỉ cần làm thủ tục đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể hoặc các loại hình doanh nghiệp.

Cơ quan đăng ký kinh doanh được quy định tại Điều 13 Nghị định 78/2015/NĐ-CP gồm:

– Ở cấp tỉnh: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi chung là Phòng Đăng ký kinh doanh).

Phòng Đăng ký kinh doanh có thể tổ chức các điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh.

Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có thể thành lập thêm một hoặc hai Phòng Đăng ký kinh doanh và được đánh số theo thứ tự. Việc thành lập thêm Phòng Đăng ký kinh doanh do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

– Ở cấp huyện: Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ đăng ký hộ kinh doanh quy định tại Điều 15 Nghị định 78/2015/NĐ-CP (sau đây gọi chung là cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện).

Hồ sơ và thủ tục mỗi loại hình bạn lựa chọn sẽ có hồ sơ riêng.

Trường hợp 1: Đăng ký hộ kinh doanh cá thể

Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:

– Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);

– Ngành, nghề kinh doanh;

– Số vốn kinh doanh;

– Số lao động;

– Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.

Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.

Thủ tục: Cá nhân nộp 1 bộ hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện, cơ quan trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;

– Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định tại Điều 73 Nghị định 78/2015/NĐ-CP;

– Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.

Nếu sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thi người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Trường hợp 2: Đăng ký dưới các loại hình doanh nghiệp

Hồ sơ:

– Bản sao có chứng thực giấy tờ cá nhân của chủ sở hữu, cổ đông, thành viên.

– Điều lệ công ty

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp

– Danh sách cổ đông, thành viên (nếu có)

– Quyết định thành lập của chủ sở hữu

– Giấy chứng nhận đầu tư (nếu có).

– Văn bản uỷ quyền (nếu có)

– Thông báo mẫu dấu

Thủ tục thực hiện quy định tại Điều 27, Điều 28 Nghị định 78/2015/NĐ-CP như sau:

“Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp yêu cầu đăng ký không đúng theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ. Phòng Đăng ký kinh doanh ghi toàn bộ yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với mỗi một bộ hồ sơ do doanh nghiệp nộp trong một Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Nếu quá thời hạn trên mà không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc không được thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo”.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan