Câu hỏi: Hiện nay, công ty mình đang chuẩn bị nhập khẩu sản phẩm để bán lại. Xin luật sư tư vấn cho mình: Để bán được sản phẩm nhập khẩu này thì cần đăng ký những thủ tục gì?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, đăng ký nhãn hiệu/nhãn phụ hàng hoá:
- Đối với hàng hoá đã đăng ký nhãn hiệu thì khi nhập khẩu về Việt Nam, bạn phải đăng ký nhãn phụ,
Khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định như sau:
“3. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”.
Nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hoá theo quy định tại Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP gồm:
+ Tên hàng hóa;
+ Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
+ Xuất xứ hàng hóa;
+ Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định này và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Về nhãn phụ, mẫu và thông tin là do bên cá nhân, tổ chức bán đưa ra theo đúng quy định về nội dung của nhãn gốc.
- Đối với trường hợp hàng hoá chưa đăng ký nhãn hiệu thì khi nhập khẩu về Việt Nam, bạn phải đăng ký nhãn hiệu hàng hoá theo quy định tại Khoản 13 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009):
“2. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó”.
Nếu bạn đáp ứng được điều kiện trên thì bạn có quyền đăng kí nhãn hiệu cho sản phẩm đó.
Thành phần hồ sơ gồm:
+ Tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (Tờ khai), làm theo Mẫu do Cục Sở hữu trí tuệ ban hành;
+ Mẫu nhãn hiệu muốn đăng ký nhãn hộ (12 mẫu nhãn);
+ Tài liệu xác nhận quyền nộp đơn hợp pháp, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền nộp đơn của người khác (Chứng nhận thừa kế, Chứng nhận hoặc Thoả thuận chuyển giao quyền nộp đơn, kể cả đơn đã nộp, Hợp đồng giao việc hoặc Hợp đồng lao động, ...);
+ Bản sao đơn đầu tiên hoặc Giấy chứng nhận trưng bày triển lãm, nếu trong đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo Điều ước quốc tế, gồm một (1) bản;
+ Tài liệu xác nhận về xuất xứ, giải thưởng, huy chương, nếu trên nhãn hiệu muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu có chứa đựng các thông tin đó;
+ Bản gốc Giấy uỷ quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;
+ Chứng từ nộp phí nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Số lượng hồ sơ: 01 bộ
Nộp trực tiếp tại Cục sở hữu trí tuệ.
Thứ hai, đăng ký kinh doanh:
Nếu chưa đăng ký ngành nghề bán lẻ hàng hóa hay bán buôn sẽ bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh. Hồ sơ bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh theo quy định tại Điều 49 Nghị định 78/2015/NĐ-CP gồm:
- Thông báo bổ sung ngành, nghề kinh doanh.
- Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần và của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh. Quyết định, biên bản họp phải ghi rõ những nội dung được thay đổi trong Điều lệ công ty.
Nơi thực hiện thủ tục hành chính: Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch đầu tư cấp tỉnh nơi công ty có trụ sở hoạt động.
Thứ ba, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá:
Theo quy định Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá 2007, hàng hoá nhập khẩu phải bảo đảm các quy định liên quan về kiểm dịch, an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, phải chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền trước khi thông quan.
Hồ sơ đăng ký gồm:
+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao chứng thực).
+ Phiếu kết quả kiểm nghiệm sản phẩm tại trung tâm kiểm định đo lường sản phẩm.
+ 03 mẫu sản phẩm.
+ Nhãn sản phẩm hoặc ảnh chụp nhãn sản phẩm và dự thảo nội dung ghi nhãn phụ (có đóng dấu của thương nhân)
Nơi nộp hồ sơ: Cục đo lường sản phẩm.
Thứ tư, đăng ký lưu hành sản phẩm:
Hồ sơ đăng ký gồm:
+ Đơn xin đăng ký lưu hành sản phẩm
+ Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
+ Bản kết quả kiểm nghiệm thành phần và hàm lượng hoá chất, chế phẩm của các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam cấp. Trong trường hợp các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam không kiểm nghiệm được thành phần và hàm lượng thì có thể sử dụng kết quả kiểm nghiệm thành phần và hàm lượng của các nhà sản xuất có uy tín trên thế giới, hoặc của những nước có Hiệp định về chất lượng hàng hoá với Việt Nam. Trong trường hợp nghi ngờ, Bộ Y tế sẽ gửi mẫu ra nước ngoài để kiểm nghiệm và cơ sở xin đăng ký phải chịu mọi chi phí cho việc kiểm nghiệm.
+ Giấy chứng nhận hoặc tài liệu xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về sản phẩm đã được phép lưu hành hoặc chứng chỉ bán tự do của nước sở tại hoặc của ít nhất là một nước đang cho phép sử dụng (đối với hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn nhập khẩu).
+ Tài liệu kỹ thuật về những vấn đề sau:
. Thành phần, cấu tạo
. Tác dụng và hướng dẫn sửdụng
. Tác dụng phụ, cách xử lý
. Tính ổn định và cách bảo quản
. Quy trình sản xuất
Thứ năm, đăng ký Mã số mã vạch cho sản phẩm:
Hồ sơ đăng ký gồm:
+ Bản đăng ký sử dụng mã số mã vạch.
+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập.
+ Bản đăng ký danh mục sản phẩm sử dụng mã GTIN.
+ Phiếu đăng ký thông tin cho cơ sở dữ liệu của GS1 Việt Nam.
Số lượng hồ sơ: 2 bộ.
Nơi nộp hồ sơ: Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam.