Theo kết luận của Bộ Công Thương, Mumuso Việt Nam kinh doanh 2.273 loại hàng hóa, trong đó có tới 2.257 (99,3%) loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc. Phần còn lại được mua tại các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm khác trong nước.

- Kết quả điều tra của Bộ Công Thương cho thấy, có nhiều dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng của Mumuso Việt Nam. Vậy người tiêu dùng cần phải làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình, thưa ông?

Với kết luận thanh tra của Bộ Công Thương, có thể thấy rằng Công ty Mumuso Việt Nam đã có những hành vi vi phạm pháp luật thương mại Việt Nam, cụ thể là hơn 90% sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng bằng nhiều cách khác nhau, công ty đã gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng Việt Nam là sản phẩm từ Hàn Quốc và dẫn tới người tiêu dùng đã mua và sử dụng nhiều hàng hoá trong hệ thống phân phối của công ty.

Người tiêu dùng hoàn toàn có quyền khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi gây nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Hiện người tiêu dùng Việt Nam có quyền thu thập chứng cứ, và tiến hành khiếu nại lên cơ quan Quản lý cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương hoặc khởi kiện ra toà án có thẩm quyền.

Vậy trong trường hợp này, mức xử phạt và bồi thường sẽ như thế nào, thưa Luật sư?

Theo quan điểm của cá nhân tôi, với kết luận của Bộ Công Thương, có thể thấy, hành vi của Mumuso Việt Nam là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Hành vi này được quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2004 như sau: “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với với chuẩn mực thông thường về đạo đức, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc của người tiêu dùng”.

Với việc gắn chữ Korea vào sản phẩm nhưng thực tế sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, công ty này đã làm người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

Đó là hành vi bị cấm theo Điều 39, Điều 40 Luật Cạnh tranh năm 2004. Cụ thể: “Cấm doanh nghiệp sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý, và các yêu tố khác theo quy định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh”.

Và như thế, người tiêu dùng đã bị nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Mức phạt tiền đối với hành vi này hiện được quy định tại Khoản 2, 3 Điều 28 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp: “Sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, nhãn hàng hóa và các yếu tố khác theo quy định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh”; “Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Về mức bồi thường, cần căn cứ vào yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ở đây là người tiêu dùng hoặc tổ chức đại diện cho người tiêu dùng, nguyên đơn phải cung cấp các chứng cứ vi phạm và tính toán thiệt hại thực tế, và trên cơ sở đó, toà án sẽ xem xét và ra phán quyết.

- Ông có khuyến cáo gì với người tiêu dùng trong bối cảnh các sản phẩm về hàng không nguồn gốc xuất xứ nhiều như vậy?

Hiện nay, trong quá trình tư vấn pháp luật, tôi thấy có một hiện tượng đáng buồn, đó là nhiều doanh nghiệp, không chỉ là doanh nghiệp nước ngoài mà có cả doanh nghiệp Việt Nam, lợi dụng tâm lý của người tiêu dùng, đó là tin tưởng những sản phẩm đến từ Nhật Bản, Ý, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, họ sẽ đặt những tên nhãn hiệu na ná tiếng Nhật, tiếng Hàn, sau đó đăng ký nhãn hiệu, mã số mã vạch tại quốc gia đó, sau đó họ hoàn toàn đặt hàng gia công tại Trung Quốc với giá rẻ và chất lượng chưa được kiểm chứng. Khi nhập hàng về Việt Nam, bằng nhiều cách “lách luật” và “chiêu trò”, họ sẽ tiến hành chiến dịch quảng cáo làm sao để người tiêu dùng Việt Nam nghĩ đó là sản phẩm của những công ty đến từ những quốc gia này, nhưng thực tế là của công ty Việt Nam hoặc Trung Quốc, sản xuất tại Trung Quốc.

Những công ty này đều biết, nếu để người tiêu dùng biết là hàng được sản xuất tại Trung Quốc sẽ rất khó bán hàng, vì vậy họ sẽ lách luật bằng cách ghi những từ như “phong cách ý”, “ thiết kế theo phong cách Pháp”....

Và nhiều người tiêu dùng đã bị đánh lừa và nếu không tỉnh táo, vẫn cứ nghĩ là mình mua hàng hoá của những công ty uy tín với giá rẻ.

Vì vậy, đối với người tiêu dùng, cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng, cân nhắc kỹ càng trước giá cả và nguồn gốc của sản phẩm và cần phải hỏi rõ về nguồn gốc, tránh bị lợi dụng bởi những chiêu trò như tôi đã phân tích ở trên.

-Trân trọng cảm ơn ông !

Nguồn: http://enternews.vn/mumuso-nhap-nhem-nguon-goc-hang-hoa-nguoi-tieu-dung-co-quyen-khoi-kien-132748.html