Mua "sở hữu kỳ nghỉ": Tìm hiểu kỹ trước khi ký hợp đồng

Nội dung bài viết

Trong bài "Mua "sở hữu kỳ nghỉ": Tìm hiểu kỹ trước khi ký hợp đồng" đăng trên báo An ninh thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Thời gian qua, do tin theo quảng cáo với những lời mời chào hấp dẫn, nhiều khách hàng đã bỏ tiền ra mua “sở hữu kỳ nghỉ” (timeshare). Tuy vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, không ít người đã nhanh chóng vỡ mộng.

Đây là hình thức kinh doanh bất động sản mới xuất hiện tại Việt Nam nên chưa có hành lang pháp lý để điều chỉnh. Do đó, trong khi tiến hành các giao dịch liên quan, giữa hai bên phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, hầu hết khách hàng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” do không biết làm cách nào để lấy lại tiền.

"Sở hữu kỳ nghỉ” là hình thức đầu tư khi khách hàng không có nhu cầu sử dụng kỳ nghỉ hoặc chỉ sử dụng một số ngày nhất định trong năm thì có thể giao lại cho đơn vị quản lý cho thuê lại và chia sẻ lợi nhuận. Thời hạn của hợp đồng thường kéo dài từ 20-30 năm. Để có quyền “sở hữu kỳ nghỉ” khách hàng sẽ phải đóng số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.

Bên cạnh đó, hàng năm, người “sở hữu kỳ nghỉ” còn phải đóng phí dịch vụ (bảo trì, dọn dẹp vệ sinh…) từ 200-300 USD/năm. Đổi lại, khi không có nhu cầu, khách hàng có quyền tặng, cho, mua bán, thừa kế quyền này, có cơ hội trao đổi với những người “sở hữu kỳ nghỉ” ở hơn 100 quốc gia nhưng phải đóng phí 100-300 USD/lần giao dịch thành công.

Là một trong những người quan tâm đến việc mua “sở hữu kỳ nghỉ”, chị Đỗ Ngọc Minh, ở đường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, ban đầu chị được nhân viên của bên cung cấp dịch vụ tư vấn nếu mua “sở hữu kỳ nghỉ” cố định trong 30 năm, mỗi năm gia đình chị sẽ được đi nghỉ 1 tuần ở bất cứ đâu trên thế giới. Hết hạn, công ty sẽ tự động gia hạn, chị Minh không phải đóng thêm bất kỳ khoản phí nào.

Cũng theo đơn vị này, khi “sở hữu kỳ nghỉ”, đi đu lịch khách hàng sẽ được ở trong các căn hộ, biệt thự sang trọng với những khu vui chơi, giải trí, bãi tắm đẹp... tại nhiều địa phương. Nếu không sử dụng, khách hàng có thể cho thuê, bán, tặng, thừa kế… kỳ nghỉ mình đang sở hữu.

Tuy vậy, sau khi xem lại hợp đồng, chị Minh mới phát hiện số tiền mình đã bỏ ra chỉ là tiền thuê phòng, không bao gồm chi phí đi lại, ăn uống trong kỳ nghỉ. “Tưởng được hưởng nhiều quyền lợi, nhưng thực tế tôi phải thuê phòng với giá đắt hơn gấp nhiều lần so với mặt bằng chung. Không chỉ có vậy, mỗi năm tôi còn phải đóng phí duy trì hợp đồng. Hóa ra đây chỉ là cái “bánh vẽ” - chị Đỗ Ngọc Minh cho biết.

Vô số rủi ro

Liên quan đến hình thức kinh doanh bất động sản trên, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, tại Việt Nam, do đây là loại hình mới nên hiện có nhiều khoảng trống pháp lý trong việc điều chỉnh các mối quan hệ giữa hai bên. Cụ thể, trong 2 văn bản liên quan đến hình thức kinh doanh này là Luật Thương mại và Luật Du lịch đều chưa có quy định về “sở hữu kỳ nghỉ”. Bên cạnh đó, cơ sở cho việc mua bán là hợp đồng, được quy định tại Bộ luật Dân sự.

Mặc dù, quyền thừa kế cũng được hợp đồng ghi nhận, song quyền “sở hữu kỳ nghỉ” có phải là “quyền tài sản khác” được quy định trong Bộ luật Dân sự hay không lại chưa được làm rõ. Ngoài ra, hầu hết hợp đồng giữa hai bên đều do bên bán cung cấp, song hợp đồng này chưa đáp ứng đúng quy trình pháp lý để sử dụng hợp đồng mẫu, nhiều nội dung còn mập mờ, thiếu rõ ràng, bất lợi cho khách hàng.

Ngoài ra, “sở hữu kỳ nghỉ” không phải là sở hữu bất động sản nên khách hàng sẽ không được cấp sổ hồng. Vì vậy, chủ đầu tư vẫn là chủ sở hữu với toàn quyền trong việc cầm cố, thế chấp bất động sản nghỉ dưỡng để vay vốn ngân hàng. Nếu chủ đầu tư không có khả năng thanh toán nợ, ngân hàng có quyền phát mãi tài sản để thu hồi nợ.

Đến lúc này, quyền lợi của khách hàng liệu có được bảo đảm? Chưa nói đến việc để được “sở hữu kỳ nghỉ”, khách hàng phải bỏ ra một khoản tiền thuê phòng đắt gấp nhiều lần mua, bởi đây là một hình thức kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng mang lại lợi ích cho chủ đầu tư.

Cũng theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, khi bỏ ra hàng trăm triệu đồng để “sở hữu kỳ nghỉ”, khách hàng sẽ mất luôn một khoản tiền lãi ngân hàng từ số tiền đầu tư này. Trong trường hợp chủ đầu tư tăng phí dịch vụ thường niên khách hàng cũng buộc phải chấp nhận do đã rơi vào tình thế “đâm lao phải theo lao”, chưa nói đến việc thời gian đặt phòng càng dài, nguy cơ phải hủy là khá cao.

“Để hạn chế rủi ro, trong khi hệ thống các quy định của pháp luật còn nhiều khoảng trống đối với hình thức kinh doanh bất động sản này, mỗi khách hàng cần thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi ký hợp đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền các địa phương nơi có các dự án cần thường xuyên kiểm tra, làm rõ những vấn đề pháp lý liên quan đến các công trình này” - luật sư Nguyễn Thanh Hà khuyến cáo.

Nguồn: http://anninhthudo.vn/doi-song/mua-so-huu-ky-nghi-tim-hieu-ky-truoc-khi-ky-hop-dong/743405.antd

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan