Luật sư là nghề cung cấp dịch vụ pháp lý cho người dân và doanh nghiệp, trong đợt dịch bệnh này, các hoạt động của giới luật sư bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chia sẻ với TheLEADER về những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, cho biết, khó khăn về lâu dài đó là dịch vụ luật sư đi cùng sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội, nếu doanh nghiệp khó khăn, sẽ không có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn luật trong trung và dài hạn. Điều này đang đặt ra một tương lai mờ mịt cho các công ty luật.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, hoạt động nói chung của giới luật sư bị ảnh hưởng ra sao? Những áp lực mà công ty đang phải đối mặt là gì, thưa Luật sư?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Luật sư là nghề cung cấp dịch vụ pháp lý cho người dân và doanh nghiệp, trong đợt dịch bệnh này, các hoạt động của giới luật sư bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn vào Việt Nam khảo sát thị trường, mở cơ sở kinh doanh đều tạm dừng cho đến khi hết dịch, vì vậy, họ cũng không có nhu cầu thuê luật sư để soạn thảo hơp đồng, làm thủ tục mở công ty, các luật sư tư vấn đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng nặng.
Hoạt động của giới luật sư bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong mùa dịch Covid-19
Các doanh nghiệp trong nước có sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật thường xuyên với các hãng luật cũng tạm ngừng hợp đồng vì doanh thu của họ sụt giảm doanh thu và lợi nhuận, họ cần cắt giảm chi phí trong đó có dịch vụ tư vấn luật.
Việc hạn chế tiếp xúc và di chuyển cũng làm giảm sự tương tác của các luật sư với các khách hàng tiềm năng, trong năm 2020, đối với hãng luật chúng tôi, chúng tôi có kế hoạch tiếp cận khách hàng ở Châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ, với tình hình dịch bệnh, việc di chuyển bị huỷ, ảnh hưởng tới kế hoạch marketing của công ty.
Từ những sự suy giảm về khách hàng, áp lực đặt lên các luật sư là tương đối lớn, nhiều hãng luật đã phải tạm đóng cửa, cho nhân viên làm việc tại nhà và chấp nhận giảm lương.
Nhiều hãng luật có 2 văn phòng tại Hà Nội và Sài Gòn, chi phí thuê văn phòng vẫn phải trả, đây là khó khăn cho các hãng luật khi nguồn lực tài chính hạn hẹp.
Đó là những khó khăn trước mắt, khó khăn lâu dài đó là dịch vụ luật sư đi cùng sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội, nếu doanh nghiệp khó khăn, họ sẽ không có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn luật trong trung và dài hạn, điều này đang đặt ra một tương lai mờ mịt cho các công ty luật.
Ngày 10/3 vừa qua, chánh án TAND Tối cao ban hành Chỉ thị số 02/2020 về việc tạm dừng nhận đơn khởi kiện, các loại giấy tờ khác tại trụ sở tòa án; tạm dừng mở các phiên tòa, phiên họp… đến hết tháng 3. Chỉ thị này có tác động ra sao đến hoạt động của các công ty luật?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà:: Đối với nghề luật sư, có luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng, rõ ràng, với Chỉ thị 02, nhiều luật sư tranh tụng bị ảnh hưởng nặng, nhiều vụ kiện và án, luật sư muốn giải quyết nhanh và dứt điểm, vì giải quyết được thì mới nhận được thù lao của khách hàng. Việc hoãn các phiên toà, các buổi hoà giải sẽ dẫn tới việc chậm giải quyết các yêu cầu của đương sự, các yêu cầu của luật sư cũng chậm được giải quyết.
Nhiều luật sư tranh tụng hiện nay đang ngồi chơi xơi nước, vì khách hàng mới thì ít, các việc còn đang giải quyết thì chậm tiến độ. Nếu tình hình này kéo dài, các luật sư chuyên làm tranh tụng sẽ bị ảnh hưởng về doanh thu và khách hàng.
Giải pháp mà SBLaw đang thực hiện để đối phó với thời gian khó khăn này? Công ty có nhận được hỗ trợ gì không từ phía các đối tác hay không?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Giải pháp hiện nay đó là cắt giảm các chi phí trong đó có chi phí về thuê văn phòng, chi phí lương thưởng cho người lao động, chi phí marketing và quản lý để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn này.
Hiện tại, đối tác cho thuê văn phòng sau khi có thư đề nghị của công ty luật đã hỗ trợ giảm từ 15% đến 30% cho 2 tháng tiền thuê văn phòng trong tháng 4 và tháng 5 năm 2020.
Nhiều nhân viên và luật sư làm việc tại nhà cũng đề nghị công ty giảm 20% lương, coi như chia sẻ khó khăn với các hãng luật.
Các công ty luật cũng đang rà soát lại các khoản mà khách hàng còn nợ, đặc biệt là khách hàng nước ngoài, thu được một phần nợ cũng giải quyết một phần khó khăn tài chính khi doanh thu và lợi nhuận giảm.
Sử dụng quỹ dự phòng tài chính của công ty luật để bù đắp chi phí cho giai đoạn khi doanh thu không đủ bù chi phí, duy trì công ty hoạt động trong vòng 3 đến 6 tháng. Hy vọng kinh tế sẽ sớm phục hồi.
Hiện tại, các đối tác cũng chia sẻ với những khó khăn của luật sư bằng cách cho chậm trả chi phí quảng cáo, marketing, các công việc đã hoàn thành, nhiều đối tác cũng ưu tiên thanh toán.
Tuy nhiên, là doanh nghiệp siêu nhỏ nên các công ty luật vẫn chưa nhận được hỗ trợ về giảm thuế, phí từ nhà nước.
Xin cảm ơn Luật sư!
Nguồn: https://theleader.vn/mua-dich-covid-19-nhieu-luat-su-dang-ngoi-choi-xoi-nuoc-1585297203386.htm