Mua “bùa yêu” qua mạng, tiền mất tật vẫn mang

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thị Thu – Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH SB Law đã có bài phỏng vấn về chế tài cho các hành vi lừa bán “bùa yêu” hiện nay. SB Law trân trọng gửi đến độc giả toàn văn bài viết trên Báo điện tử An ninh thủ đô.

ANTD.VN – Lợi dụng niềm tin vào tâm linh của giới trẻ, thời gian qua, một số đối tượng đã quảng cáo, rao bán “bùa yêu” qua mạng. Bị hấp dẫn bới những lời giới thiệu có cánh, không ít cá nhân đã nhanh chóng “sập bẫy”.

Lừa bán bùa yêu, chiếm đoạt hàng tỷ đồng

Cách đây không lâu, CAT Hòa Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Đinh Xuân Trường; Trần Quốc Đông (24 tuổi, Bắc Ninh); Lê Tất Đạt (24 tuổi, Hòa Bình); Phạm Công Binh (23 tuổi, Bắc Ninh) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đối tượng Trường đã giả danh ông Bùi Văn Minh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mo Mường để lừa bán “bùa yêu” với phương thức hết sức tinh vi, chuyên nghiệp, có tổ chức chặt chẽ, thành lập nhóm như công ty trá hình sử dụng công nghệ cao, mạng xã hội Facebook và thiết bị điện tử để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho nhiều người dân ở các địa phương khác nhau.

Trường đã tìm hiểu trên mạng Internet thì biết được nghệ nhân Mo Mường – ông Bùi Văn Minh là người có uy tín rất nổi tiếng, được nhiều người tin tưởng nên đã nảy sinh ý định giả danh ông Minh để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Để khách hàng tin tưởng là thầy Minh thật, đối tượng này đã tải các thông tin, hình ảnh, video của ông Bùi Văn Minh từ mạng Internet xuống và lập ra một số trang Fanpage (lập nhóm) đặt tên “Bùa yêu xứ Mường, “Bùa yêu thầy Minh”… trên mạng xã hội Facebook, đồng thời đăng tải số điện thoại kèm theo.

Khi khách hàng gọi đến, Trường, và đồng bọn sẽ giả giọng nghệ nhân Bùi Văn Minh để tư vấn, ra giá tiền các loại bùa cho khách hàng lựa chọn. Nếu duy trì “bùa yêu” kéo dài thời gian lâu thì giá tiền càng cao (mức phí dao động từ dưới 1 triệu đến 20 triệu đồng).

Khi khách hàng đồng ý mua, Trường yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như: Tên, tuổi, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh… để đặt lễ. Tiếp đó, bị can lên mạng Internet tìm kiếm các hình ảnh liên quan đến bùa, rồi sử dụng máy in màu để in ra, mua một số công cụ khác (chỉ đỏ) để bọc quanh lá “bùa yêu” giả chuyển cho khách hàng.

Nhận được “bùa yêu” khách hàng sẽ phải thanh toán tiền cho Trường bằng hai hình thức, gồm COD (kiểm tra hàng rồi mới nhận trả tiền) hoặc khách hàng sẽ chuyển khoản về hai tài khoản ngân hàng cho đối tượng.

Với thủ đoạn trên, Trường và đồng phạm đã thực hiện hành vi lừa đảo với nhiều người, tổng số tiền chiếm đoạt khoảng 2,7 tỷ đồng.

Sự việc trên không phải hiếm gặp. Hiện nay trên mạng xã hội, “bùa yêu” vẫn được quảng cáo khá rầm rộ như: “Bùa yêu giúp tình yêu quay trở lại sứ mạnh huyền bí sẽ đưa người yêu của mình quay trở về 1 cách tự nguyện; Bùa yêu giúp bạn tìm lại hạnh phúc thực sự mà bạn đáng có”…mới mức giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Không ít cá nhân “nhẹ dạ cả tin” vẫn sẵn sàng móc hầu bao chỉ để sở hữu một…miếng giấy lộn, để rồi tiền mất, tình vẫn chả thấy đâu.

Lừa bán “bùa yêu”, xem bói để trục lợi có thể bị tù chung thân

Về chế tài xử lý hành vi trên, theo Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội, Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định, việc dùng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi là một trong các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Về xử lý hành chính, Khoản 2 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP nêu rõ, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng với hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi…

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về Tội hành nghề mê tín, dị đoan hoặc Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điều 320 BLHS 2015 về Tội hành nghề mê tín, dị đoan, quy định, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội làm chết người; thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 3-10 năm.

Còn về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Điều 174 BLHS 2015 nêu rõ, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Độc giả có thể xem thêm tại link: https://anninhthudo.vn/mua-bua-yeu-qua-mang-tien-mat-tat-van-mang-post462863.antd

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan