Dưới đây là giải đáp của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SBLaw về một số vấn đề liên quan đến thủ tục thừa kế trong chương trình Luật sư tháng 12.
1. Bác tôi trước đây sinh sống ở Anh nhưng đã mất do tai nạn lao động. Hiện ông có tổng tài sản là 8 tỷ đồng. Ông có một người vợ hợp pháp và hai con trai. Ngoài ra ông còn có một người con riêng. Bác tôi mất đột xuất không để lại di chúc vậy thì số tài sản của bác tôi sẽ được phân chia như thế nào?
Trả lời:
Bạn không nêu rõ bác bạn hiện mang quốc tịch Anh hay quốc tịch Việt Nam do đó sẽ chia thành 02 trường hợp:
* Trường hợp 01: Bác bạn mang quốc tịch Anh
Việc phân chia di sản sẽ áp dụng theo pháp luật của Anh.
*Trường hợp 02: Bác bạn vẫn mang quốc tịch Việt Nam:
Khoản 1 Điều 680 Bộ luật dân sự 2015 thì: “Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết”. Vậy nên việc phân chia di sản của bác bạn sẽ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trường hợp bác bạn mất không để lại di chúc, như vậy số tài sản của bác bạn sẽ được chia theo quy định tại Khoản a Điều 150 Bộ luật dân sự 2015 về thừa kế theo pháp luật.
Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, bác bạn có 1 người vợ hợp pháp và 3 người con (kể cả con riêng vẫn được xét là con đẻ) nên theo quy định của pháp luật, khối tài sản 8 tỷ sẽ được chia đều cho 4 người, mỗi người sẽ được hưởng 2 tỷ.
2. Bố mẹ tôi chung sống với nhau có 3 người con (tôi là con trai và sau tôi là hai em gái). Trong thời gian cha và mẹ tôi chung sống có tạo ra được một số tài sản gồm đất ở và nhà. Nay cha tôi mất không để lại di chúc. Khi tôi ở nước ngoài thì mẹ tôi cùng hai người con gái bán đất mà không có sự đồng ý của tôi. Khi vắng mặt tôi mà thủ tục mua bán vẫn diễn ra bình thường. Như vậy có hợp pháp hay không?
Trả lời:
Trường hợp bố bạn mất không để lại di chúc, như vậy số tài sản của bố bạn sẽ được chia theo quy định tại Khoản a Điều 150 Bộ luật dân sự 2015 về thừa kế theo pháp luật. Bên cạnh đó Khoản 2 Điều 66 Luật hôn nhân gia đình 2014 cũng quy định trường hợp bố bạn mất thì tài sản chung của bố mẹ bạn được chia đôi.
Như vậy, mẹ bạn sẽ được hưởng ½ số tài sản bao gồm đất và nhà. ½ còn lại sẽ được chia đều cho 4 người bao gồm mẹ bạn, bạn và hai em gái (căn cứ Điều 651 Bộ luật dân sự 2015). Mẹ bạn và hai em gái muốn bán mảnh đất đó thì phải có sự đồng ý của bạn và tiền thu được sau khi bán phải chia cho các bạn theo giá trị phần đất mà các bạn được hưởng. Trong trường hợp này, bạn có thể thỏa thuận lại với mẹ bạn và hai em gái để nhận phần tiền theo giá trị phần đất mà bạn đáng ra được hưởng. Trong trường hợp không thỏa thuận được, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nơi mẹ và hai em gái của bạn đang cư trú để giải quyết theo quy định của pháp luật.
3. Ba tôi đã mất nhưng không để lại di chúc, còn người vợ sau của ba tôi thì có giấy đăng kí kết hôn nhưng đang định cư ở nước ngoài. Vậy khi ba tôi mất là người vợ sau này có toàn quyền với tài sản của ba tôi không? Ví dụ nếu muốn sang tên xe ba tôi đứng tên hay làm lại giấy tờ xe đó có cần tôi đứng ra làm giấy tờ gì không? Hay chỉ người vợ sau của ba tôi là toàn quyền?
Trả lời:
Bố bạn và người vợ sau đã có giấy đăng kí kết hôn nên về mặt pháp luật, người vợ thứ hai được công nhận là vợ hợp pháp, khi đó nếu bố bạn mất không để lại di chúc thì người vợ này đương nhiên được hưởng thừa kế theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015. Quy định về chia tài sản thừa kế trường hợp không có di chúc được nêu tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015.
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy người vợ sau của bố bạn không được toàn quyền thừa kế số tài sản mà phải chia tài sản thừa kế cho cả bạn. Điều đó cũng đồng nghĩa tài sản sau khi phân chia thuộc về ai thì người đó có quyền và nghĩa vụ tương ứng. Nếu chiếc xe thuộc về bạn thì bạn sẽ là người thực hiện việc sang tên và các thủ tục khác.