Một số vấn đề pháp lý về hành vi mua bán thông tin cá nhân

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law trả lời phỏng vấn của phóng viên về vấn đề mua bán thông tin cá nhân. Dưới đây là nội dung chi tiết:

  1. Hành vi mua bán thông tin cá nhân bị khép vào tội gì và xử lý thế nào ? Đã có trường hợp nào bị xử lý vì hành vi mua bán thông tin cá nhân chưa ?

Trả lời:

Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác…

Những người có hành vi vi phạm này, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm còn có thể bị xử lý vi phạm hành chính hay thậm chí có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Việc xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo điểm a Khoản 5 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt tiền ở mức từ 50 đến 70 triệu đồng.

Về trách nhiệm hình sự, theo Điều 288 Bộ Luật Hình sự 2015 về Tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”, khung hình phạt thấp nhất đối với hành vi này là cải tạo không giam giữ đến 03 năm và hình phạt tù cao nhất là 07 năm, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng. Quy định của pháp luật là vậy, nhưng thực tế gần như chưa có tổ chức, cá nhân nào bị xử lý về hành vi mua bán thông tin của khách hàng. Nguyên nhân của thực trạng này là do việc mua bán thông tin cá nhân thường được giao dịch trên môi trường internet, vì vậy có những khó khăn nhất định khi xác định chủ thể có hành vi vi phạm để xử lý.

  1. Trên thực tế đã hàng chục nghìn thông tin cá nhân đang được mua bán, điều này sẽ dẫn tới những hậu quả gì ? Có chế tài nào để xử lý việc này không ?

Trả lời:

+Đầu tiên, có thể kể tới việc bảo mật cho người bị bán thông tin, họ không hề biết thông tin mình bị bán. Nhẹ thì họ bị quấy rối bởi tin nhắn rác, quảng cáo, … nghiêm trọng thì có thể dẫn tới lộ những thông tin quan trọng dẫn tới việc kẻ xấu khi có được thông tin, có thể thực hiện các chiêu trò nhằm lấy cắp tiền từ tài khoản ngân hàng hay tống tiền, lừa đảo để trục lợi.

+Thứ hai, việc không xử lý nghiêm khắc những trường hợp mua bán thông tin cá nhân sẽ tạo tiền lệ cho những kẻ xấu và lợi dụng kẻ hở pháp luật khai thác lĩnh vực này, dẫn tới nhiều tác hại xấu nữa. Nhà nước cần có những biện pháp xử lý ngay lập tức những trường hợp này.

­- Về chế tài xử lý

Xử lý hành chính, Căn cứ quy định tại Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông có thể phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với một trong các hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Còn đối với hành vi tiết lộ trái phép nội dung thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông thì bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng.

Xử lý hình sự, hiện nay, mặc dù pháp luật có quy định nhưng việc truy cứu trách nhiệm hình sự với các hành vi này gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, căn cứ Thông tư liên tịch số 10/2012 giữa các Bộ, ngành liên quan, hướng dẫn áp dụng Quy định của Bộ luật hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, việc chứng minh hậu quả nghiêm trọng của hành vi này là cần thiết để xác định tội. Tuy nhiên, việc này trong thực tế là rất khó để thực hiện.

  1. Hiện nay, có rất nhiều công ty như bảo hiểm, ngân hàng….họ điện thoại để chào mời mua sản phẩm, dịch vụ. Hành vi này vi phạm điều nào của Luật và bị xử lý thế nào ?

Trả lời:

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật bảo về quyền lợi người tiêu dụng 2010, hành vi quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 02 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được xác định là hành vi bị pháp luật cấm. Do đó, trường hợp các công ty có hành vi tiếp thị hàng hóa, dịch vụ của mình đến người tiêu dùng mà việc tiếp thị này trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên, hoặc việc tiếp thị được thực hiện bằng các hành vi gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng, hành vi tiếp thị này bị coi là hành vi vi phạm quy định trên.

Theo đó, căn cứ quy định tại Điều 78 Nghị định 185/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hành vi này có khả năng bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền là từ 500.000 đến 2.000.000 đồng.

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan