Tư vấn luật liên quan tới lĩnh vực du lịch

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần tư vấn cho các khán giả kênh VTC10, truyền hình quốc tế về lĩnh vực du lịch.

Sau đây là nội dung tư vấn:

Câu 1: Tôi có bạn người Campuchia, là du học sinh trao đổi 1 năm ở Nhật Bản và tháng tới sẽ về nước. Trước khi về nước, bạn ấy muốn đến Việt Nam du lịch 4 ngày. Trường hợp của bạn ấy có phải do Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản làm giấy tờ không, hay chỉ cần làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay? Nếu làm thủ tục thì cần những giấy tờ gì ạ?

Trả lời:

Theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, về nguyên tắc, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam cần đáp ứng 2 điều kiện:

Thứ nhất, Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực.

Thứ hai, không thuộc một trong các trường hợp sau:

– Không đủ điều kiện về giấy tờ, thị thực;

– Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng.

– Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú.

– Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.

– Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực.

– Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực.

– Vì lý do phòng, chống dịch bệnh.

– Vì lý do thiên tai.

– Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Như vậy, về cơ bản, người nước ngoài muốn nhập cảnh vào Việt Nam cần phải có hộ chiếu và thị thực. Tuy nhiên, Điều 12 Luật này cũng có quy định các trường hợp người nước ngoài được miến thị thực khi nhập cảnh vào Việt Nam. Một trong số các trường hợp này là theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đối với quốc gia Vương quốc Campuchia, ngày 04/11/2008, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký với Vương quốc Campuchia Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Căm-pu-chia về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông. Theo đó, công dân mang hộ chiếu phổ thông được miễn thị thực khi nhập cảnh vào Việt Nam, thời hạn miễn thị thực từ 14 lên 30 ngày.

Như vậy, với trường hợp của bạn, người bạn Campuchia của bạn trong trường hợp có hộ chiếu phổ thông của Vương quốc Campuchia được phép nhập cảnh vào Việt Nam mà không cần phải làm thủ tục xin cấp thị thực tại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. Bạn cũng cần lưu ý thêm hộ chiếu phổ thông của người bạn Campuchia phải còn giá trị sử dụng ít nhất 6 tháng.

Câu 2: Xin chào luật sư, tôi có một người bạn là người nước ngoài đang sống tại Việt Nam và muốn làm nghề hướng dẫn viên du lịch. Vậy luật sư cho tôi hỏi: “Người nước ngoài có được hành nghề hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam không?”.

Trả lời:

Về điều kiện hành nghề hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam, căn cứ quy định tại Điều 58 Luật Du lịch 2017, một trong những điều kiện cần đáp ứng là có thẻ hướng dẫn viên du lịch. Để được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, cá nhân phải đáp ứng được các điều kiện được quy định tại Điều 59 Luật du lịch. Một trong những điều kiện này là có quốc tịch Việt Nam và thường trú tại Việt Nam.

Như vậy, người nước ngoài không được phép hành nghề hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam.

Câu 3: Em có người bạn Đài Loan muốn thành lập công ty du lịch ở Việt nam chuyên khách inbound, vậy cần phải có những điều kiện gì thì mới có đủ đk để thành lập công ty: Bạn em có thể tự mình thành lập công ty hay phải có người Việt Nam cùng góp vốn thì mới thành lập được công ty?

Trả lời:

Căn cứ biểu cam kết gia nhập WTO về thương mại dịch vụ của Việt Nam, Điều 38 Luật du lịch 2017 quy định, đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài bắt buộc đầu tư dưới hình thức góp vốn với doanh nghiệp trong nước để kinh doanh. Như vậy, với trường hợp của bạn, người bạn Đài Loan bắt buộc phải góp vốn cùng cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam để thành lập doanh nghiệp liên doanh để kinh doanh dịch vụ lữ hành tại Việt Nam.

Câu 4: Mình ở Hà Nội. Cho mình hỏi: Nếu muốn mở công ty lữ hành quốc tế thì người nước ngoài không có kinh nghiệm cũng như bằng cấp về du lịch có thể làm chủ doanh nghiệp được không?

Trả lời:

Trước hết, tôi hiểu là bạn muốn hỏi về trường hợp người nước ngoài không có kinh nghiệm, bằng cấp về du lịch có thể là người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành. Về câu hỏi này, tôi xin phép được trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại Điều 31 Luật du lịch 2017, điều kiện của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành trong công ty du lịch có vốn đầu tư nước ngoài là phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế. Chuyên ngành về lữ hành trong trường hợp này theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL hướng dẫn Luật Du lịch được hiểu bao gồm một trong các chuyên ngành:

– Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;

– Quản trị lữ hành;

– Điều hành tour du lịch;

– Marketing du lịch;

– Du lịch;

– Du lịch lữ hành;

– Quản lý và kinh doanh du lịch.

Như vậy, trường hợp bạn của bạn không có bằng cấp về du lịch, bạn của bạn bắt buộc phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên ở chuyên ngành khác và chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế. Trường hợp không đáp ứng được các điều kiện này, bạn của bạn không được phép là người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành trong công ty du lịch.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan