MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN CHẾ TÀI XỬ LÝ HÀNH VI ỨNG XỬ KÉM VĂN HÓA Ở NƠI CÔNG CỘNG

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà _ chủ tịch công ty luật TNHH SB Law đã nhận lời mời phỏng vấn cho một bài báo của Truyền hình Quốc hội về vấn đề liên quan đến chế tài xử lý các hành vi kém văn hóa, gây rối trật tự nơi công cộng. SB Law xin trân trọng giới thiệu nội dung phần trả lời của luật sư như sau:

  1. Các câu chuyện về hành vi ứng xử kém văn hóa nơi công cộng đã không còn mới, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là vì các quy định còn rải rác ở nhiều văn bản luật, có “lỗ hổng” chưa bao quát hết các hành vi; chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, dẫn đến chưa đạt được hiệu quả trong thực tiễn. Ông đánh giá sao về tình trạng này?

(VD như các hành vi hành hung người khi gây tai nạn, gây rối nơi công cộng, phá hoại tài sản văn hóa quốc gia, xả rác bừa bãi, đánh ghen, sàm sỡ phụ nữ và có hành vi xấu với trẻ em, quan hệ tình dục nơi công cộng, …)

Trả lời:

Vấn đề văn hóa ứng xử nơi công cộng đang được quan tâm vì trong thời gian quá nổi lên những sự việc, hành vi thiếu văn hóa khó chấp nhận. Ứng xử nơi công cộng không chỉ là kỹ năng sống, mà còn thể hiện văn hóa của cá nhân. Khi cuộc sống ngày càng phát triển, văn minh trở thành một tiêu chí sống của toàn xã hội thì nhiều cá nhân lại có hành vi “lệch chuẩn” trong ứng xử.

Hiện nay, không khó để bắt gặp những hành vi tiêu cực trong ứng xử nơi công cộng như: chen lấn, xô đẩy trong bệnh viện, rạp chiếu phim; nói tục, chửi thề; phóng nhanh, vượt ẩu khi tham gia giao thông; phóng uế tùy tiện; xả rác bừa bãi ra đường, kênh rạch, bến xe, nhà ga; ăn mặc phản cảm đi vào chốn tôn nghiêm; ... gây nhiều bức xúc, nghi ngại trong xã hội.

Việc xử phạt các hành vi này được quy định ở nhiều văn bản khác nhau, ví dụ: chế tài đối với các hành vi, lời nói, cử chỉ xúc phạm đến người khác, gây rối nơi công cộng đã được quy định tại Điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình. Cụ thể phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 5 triệu đồng (tùy mức độ vi phạm) đối với những hành vi, lời nói, cử chỉ xúc phạm đến người khác, gây rối nơi công cộng...

Có thể thấy mức xử phạt này còn quá thấp, không đủ sức răn đe, khiến cho người vi phạm không chịu tuân thủ nguyên tắc. Người vi phạm vẫn có thể tái phạm, tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến văn hóa, đạo đức và nhất là gây bức xúc trong dư luận và xã hội.

  1. Ông có đề xuất những thay đổi, bổ sung gì về mặt chính sách để giúp chấn chỉnh lại các hành vi lệch chuẩn vẫn đang tồn tại này, qua đó nâng cao văn hóa ứng xử nơi công cộng trong cộng đồng?

Trả lời:

Văn hóa ứng xử của mỗi người dân thể hiện sự văn minh của cả đất nước. Như đã nói ở trên, các quy định còn chưa rõ ràng, rải rác ở nhiều văn bản luật, chế tài xử lý cho những hành vi còn quá thấp, chưa đủ sức răn đe.

Đầu tiên, để hạn chế những hành vi kém văn hóa nơi cộng vô cùng nhức nhối hiện nay đó là phải có những quy định pháp luật đủ nghiêm khắc, đủ sức răn đe để một người trước khi thực hiện hành vi “lệch chuẩn” đều phải nghĩa đến hậu quả của nó. Không chỉ dừng lại ở tăng mức phạt hành chính mà còn nên bổ sung thêm các mức phạt đánh vào nhận thức được hành vi sai trái của mình như phạt lao động công ích hoặc có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ví dụ thực tế là ở Singapore – đất nước văn minh nhất thế giới. Ở Singapore, hệ thống pháp luật được áp dụng một cách cứng rắn, nghiêm minh để giữ trật tự kỷ cương cho đất nước. Người dân vứt rác bừa bãi ngoài phạt tiền từ 1.000 đô Sing đến 5.000 đô Sing thì người bị phạt còn phải lao động công ích trong bộ quần áo sáng màu đặc trưng của những người xả rác bừa bãi. Pháp luật đánh vào cả tài chính lẫn tâm lý để nâng cao ý thức người dân. Đó là điều nước ta nên học tập.

Bên cạnh đó, những chính sách về tuyên truyền, giáo dục cũng không được bỏ qua. Nếu áp dụng một pháp luật một cách cứng nhắc, đột ngột quá đôi khi sẽ phản tác dụng của nó. Nhà nước vẫn nên nhờ sức mạnh của truyền thông để truyền tải thông điệp đến từng người.

Đồng thời, nền giáo dục cũng vô cùng quan trọng trong việc hình thành ý thức của mỗi con người. Có thể nói, kết hợp tất cả các chính sách, biện pháp trên mới là cách tốt nhất để có được một xã hội văn minh, thanh lịch

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan