Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW, với kinh nghiêm nhiều năm tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nêu ra một số sai lầm về mặt pháp lý mà doanh nghiệp start up hay gặp và những giải pháp vượt qua.
Sai lầm phổ biến thứ nhất của doanh nghiệp khởi nghiệp đó là không biết cách xác định đúng ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp mình đang tiến hành. Do lĩnh vực khởi nghiệp đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin là những lĩnh vực vô cùng mới mẻ vì vậy, khi tiến hành triển khai kinh doanh trên thực tế, khó xác định ngành nghề kinh doanh chính xác, nếu không xác định được chính xác thì có thể có những rủi ro pháp lý.
Ví dụ như theo quy định hiện hành, dịch vụ trung gian thanh toán là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và cần có vốn pháp định là 50 tỷ đồng mới có thể kinh doanh hợp pháp, tuy nhiên, hiện tại nhiều website đang tiến hành dịch vụ này nhưng không đăng ký ngành nghề kinh doanh trung gian thanh toán và cũng không đáp ứng đủ điều kiện này.
Trong trường hợp này, các doanh nhân khởi nghiệp cần có sự tư vấn từ cách luật sư để xác định đúng ngành nghề kinh doanh, tránh bị những rủi ro về mặt pháp lý ảnh hưởng tới quá trình phát triển doanh nghiệp.
Sai lầm thứ hai mà các doanh nghiệp start up gặp phải đó là vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, khi một nhóm làm việc với nhau hoặc một cá nhân chủ chốt có một tài sản trí tuệ như một nhãn hiệu, một phần mềm, một sáng chế có giá trị họ đã đăng ký với tư cách cá nhân, nhưng khi lập doanh nghiệp, họ không chuyển quyền sở hữu từ các nhân sang doanh nghiệp và điều này có thể sẽ gây ra những tranh chấp sau này.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp start up cũng không quan tâm tới việc đăng ký những tài sản sở hữu trí tuệ như sáng chế, kiểu dáng và nhãn hiệu, điều này có thể bị các đối thủ lợi dụng đăng ký trước và doanh nghiệp khởi nghiệp có thể mất quyền của mình đối với tài sản trí tuệ.
Tài sản sở hữu trí tuệ là một trong những tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp khởi nghiệp, vì vậy, chủ sở hữu cần tiến hành đăng ký và có chính sách rõ ràng về việc phân định giữa tài sản của cá nhân và của doanh nghiệp.
Vấn đề thứ ba mà doanh nghiệp start up có thể gặp phải là vấn đề về vốn của công ty.
Một trong những sai lầm phổ biến là doanh nhân khởi nghiệp thường định giá sai về doanh nghiệp, có khi định giá công ty quá cao hoặc định giá công ty hoặc ý tưởng kinh doanh quá thấp.
Việc định giá sai sẽ làm cho việc kêu gọi vốn khó khăn hơn, nếu quá cao thì nhà đầu tư sẽ không mặn mà với việc rót vốn còn định giá thấp thì doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ bị thiệt hại.
Vấn đề nữa là khi doanh nghiệp muốn kêu gọi vốn góp thì không vốn hoá được doanh nghiệp, không biết kêu gọi bao nhiêu vốn từ bên ngoài, nhà đầu tư nắm giữ bao nhiêu phần trăm và mình nắm giữ bao nhiêu phần trăm, sử dụng vốn thế nào khi được đầu tư và vấn đề chống thâu tóm công ty, mất quyền kiểm soát khi gọi vốn.
Về vấn đề vốn góp của doanh nghiệp khởi nghiệp hay mắc phải là việc góp vốn bằng công sức, khi doanh nghiệp mới giai đoạn khởi tạo, muốn thêm người có tâm huyết vào doanh nghiệp, các bên thoả thuận là nhân sự được mời về sẽ cống hiến trong thời gian nhất định và sẽ được hưởng một số phần trăm cổ phần nhất định, đôi khi các thành viên chỉ nói miệng với nhau và cũng không tiến hành góp vốn trên thực tế, vì vậy, nguy cơ mất tư cách thành viên của những cổ đông như thế này là rất dễ xảy ra.
Để giải quyết vấn đề này, những nhân sự góp vốn bằng công sức cũng quan tâm tới vấn đề này hơn và tiến hành góp vốn đúng theo quy định của luật doanh nghiệp, tránh trường hợp mất tư cách thành viên khi có tranh chấp.
Khi có nhiều người cùng tham gia vào một dự án khởi nghiệp, các thành viên của dự án có xu hướng sẽ chia đều tỷ lệ góp vốn, điều này tạo ra sự công bằng ngay từ đầu, tuy nhiên, về lâu dài sẽ không tốt cho sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nghiệp cần có một thủ lĩnh, người đóng vốn lớn nhất và có quyền quyết định. Trong quá trình triển khai dự án thì nhiều khi cần có sự bỏ phiếu để quyết định chiến lược phát triển công ty, việc chia đều đôi khi sẽ khó cho những quyết định quan trọng.