Một số quy định tại Nghị định số 38/2012/NĐ-CP: Làm khó Doanh nghiệp

Nội dung bài viết

Ngày 25 tháng 4 năm 2012, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP) đươc ban hành, đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong thực thi pháp luật ATTP. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện, những vướng mắc, bất cập của Nghị định 38/2012/NĐ-CP đã làm tăng chi phí bất hợp lý, tạo gánh nặng hành chính đối với doanh nghiệp.

Rào cản kinh doanh

Sau hơn 1 năm khảo sát, lấy ý kiến các DN thủy sản, thực phẩm trên toàn quốc với câu hỏi: “Văn bản pháp luật nào gây vướng mắc, bức xúc nhất cho DN?”, phần lớn DN cho biết bị Nghị định 38/2012/ND-CP hướng dẫn một số điều của Luật ATTP “làm khó”.

Ngày 30/6/2017, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý: Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định sửa đổi nghị định 38 của Chính phủ”. Tại hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – cho biết: Theo phản ánh của DN, quá trình triển khai thực hiện Nghị định 38/2012/NĐ-CP đang nổi lên 2 vướng mắc trong thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP. Cụ thể:

Vướng mắc thứ nhất, Luật ATTP quy định, công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân, DN tự công bố sản phẩm của mình phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và DN tự chịu trách nhiệm về việc công bố đó. Tuy nhiên, tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP, việc công bố hợp quy tức là DN phải nộp hồ sơ, xin chứng nhận từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và được cấp, cấp lại, cấp đổi giấy tiếp nhận chứng nhận hợp quy.

Thứ hai, Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định giấy tiếp nhận chứng nhận hợp quy được cấp trong 7 ngày, nhưng thực tế phải mất 3 tháng hoặc lâu hơn nữa kể từ ngày nộp đầy đủ hồ sơ. Ở khâu xin xác nhận công bố phù hợp ATTP, thời gian quy định là 1,5 tháng nhưng thực tế phần lớn thời gian kéo dài hơn, thậm chí nhiều trường hợp lên đến 3-6 tháng.

Tháo gỡ rào cản

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam kiến nghị, bãi bỏ quy định cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP và chuyển sang hình thức chứng nhận hợp chuẩn theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật tại các tổ chức được chỉ định bởi cơ quan có thẩm quyền (đã có 37 tổ chức được chỉ định trên cả nước) do hình thức công bố phù hợp quy định ATTP không được quy định trong Luật ATTP.

Ngoài ra, trong thủ tục công bố sản phẩm, một công việc mất nhiều chi phí và thời gian đó là kiểm nghiệm. Chính vì thế, thiết nghĩ, trường hợp DN tự công bố thì việc có cần kiểm nghiệm hay không là do DN quyết định. Nếu DN tin rằng sản phẩm đã đáp ứng QCVN và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật khi sản phẩm không đáp ứng quy định thì không nhất thiết phải kiểm nghiệm nữa.

Có nhiều ý kiến đề nghị bãi bỏ 2 quy định trên và thay thế bằng hình thức khác phù hợp với pháp luật hiện hành, tuy nhiên, có một số chỉ tiêu ATTP và dinh dưỡng cần có mức giới hạn để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, giải pháp trước mắt là Chính phủ một mặt yêu cầu các bộ liên quan phải tích cực xây dựng các QCVN, mặt khác, giao cho Bộ Y Tế và các bộ có chức năng quản lý ATTP quy định chỉ tiêu ATTP và dinh dưỡng cần có ở mức giới hạn đó. Các DN sản xuất, nhập khẩu thực phẩm căn cứ theo đó để thực hiện.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan