MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LÝ CỦA LUẬT BẦU CỬ QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – chủ tịch công ty luật TNHH SB Law, đã có bài trả lời phỏng vấn trên báo để giải đáp các thắc mắc về vấn đề quy định của pháp luật liên quan tới Luật bầu cử quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp hiện hành. SB Law xin trân trọng gửi đến Quý khách hàng nội dung cụ thể của buổi phỏng vấn như sau:

Câu hỏi 1: Trở lại với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, thưa ông, theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND 2015, Kế hoạch 42/KH-HĐBCQG ngày 19/01/2021, các mốc thời gian cần biết về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là gì? Có quy định nào về ngày tổ chức bầu cử, thưa luật sư?

Luật sư:

Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 và Kế hoạch 42/KH-HĐBCQG về việc triển khai công tác bầu cử đại biểu quốc hội khóa xv và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các mốc thời gian cần biết về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 bao gồm:

Chậm nhất ngày 07/02/2021 (105 ngày trước ngày bầu cử):

+ Thành lập Ủy ban bầu cử tỉnh, thành phố;

+ Thành lập Ủy ban bầu cử cấp huyện, Ủy ban bầu cử cấp xã.

Chậm nhất là ngày 17/02/2021 (95 ngày trước ngày bầu cử): Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.

Khoảng từ ngày 22/02/2021 đến 27/02/2021 (85 – 90 ngày trước ngày bầu cử): Các địa phương gửi dự kiến danh sách đơn vị bầu cử ở địa phương mình về Hội đồng bầu cử quốc gia.

Chậm nhất ngày 04/3/2021 (80 ngày trước ngày bầu cử):

+ Công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử, số lượng đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử.

+ Công bố số đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu dự kiến được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử.

Chậm nhất ngày 14/3/2021 (70 ngày trước ngày bầu cử):

+ Thành lập Ban bầu cử đại biểu Quốc hội;

+ Thành lập Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã.

Chậm nhất là 17 giờ ngày 14/3/2021 (70 ngày trước ngày bầu cử): Kết thúc việc tiếp nhận, xem xét hồ sơ người ứng cử.

Chậm nhất là ngày 19/3/2021 (65 ngày trước ngày bầu cử): Hội nghị hiệp thương lần thứ 2.

Chậm nhất ngày 03/4/2021 (50 ngày trước ngày bầu cử): Thành lập Tổ bầu cử.

Ngày 13/4/2021 (40 ngày trước ngày bầu cử): Niêm yết danh sách cử tri.

Chậm nhất là ngày 18/4/2021 (35 ngày trước ngày bầu cử): Hội nghị hiệp thương lần thứ 3.

Chậm nhất là ngày 28/4/2021 (25 ngày trước ngày bầu cử): Công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp.

10 ngày trước ngày bầu cử (tức ngày 13/5/2021): Ngừng việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.

Trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ (tức ngày 22/5/2021): Kết thúc vận động bầu cử.

– Ngày 23/5/2021: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Chậm nhất là ngày 02/6/2021 (10 ngày sau ngày bầu cử): Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã.

Chậm nhất là ngày 12/6/2021 (20 ngày sau ngày bầu cử): Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội.

– Các địa phương tiến hành tổng kết cuộc bầu cử từ sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia công bố kết quả bầu cử cho đến trước ngày 22/6/2021.

Về ngày bầu cử, Điều 5 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 quy đinh rằng: “Ngày bầu cử phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử”.

Cụ thể với Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, NQ 133/2020/QH14 quy định đó là ngày Chủ nhật, ngày 23/5/2021.

Câu hỏi 2: Theo luật sư, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có ý nghĩa chính trị như thế nào trong bối cảnh đất nước, khu vực và quốc tế trong giai đoạn hiện nay, nhất là tình hình dịch covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch vấn tiếp tục chống phá, thưa ông?

Luật sư:

Sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là một sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng của đất nước. Cuộc bầu cử được tổ chức sau 35 năm đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là sự ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.

Hơn nữa, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Dưới tình hình đó, Cuộc bầu cử diễn ra để chọn ra những người tiêu biểu cho thời đại mới có năng lực, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Câu hỏi 3: Cá nhân Luật sư kỳ vong và mong muốn như thế nào đối với Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026?

Luật sư:

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được gọi là ngày hội của toàn dân. Do đó, Cuộc bầu cử phải đảm bảo được tính dân chủ, đồng thời phải được thực hiện đúng pháp luật, an toàn và tích kiệm. Nhưng quan trọng nhất, cuộc

bầu cử phải chất lượng, cơ cấu hợp lý. Trong đó lấy chất lượng đại biểu là ưu tiên hàng đầu. Đại biểu trúng cử phải có đủ cả phẩm chất đạo đức tốt, có đủ trình độ văn hóa, chuyên môn, kinh nghiệm công tác, phải có tầm nhìn, bản lĩnh chính trị tốt, vững vàng thì mới có thể lãnh đạo đất nước.

Hy vọng rằng Cuộc bầu cử sẽ diễn ra một cách công bằng để chọn ra những vị lãnh đạo tiêu biểu, xuất sắc nhất. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia vào các cơ quan có quyền lực nhà nước.

Câu hỏi 4: Bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân, câu nói này xuyên suốt lịch sử Cách mạng Việt Nam và nó có ý nghĩa như thế nào trong tình hình hiện nay, đặt trong mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa?

Luật sư:

Qua các kỳ Đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – là nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất và thuộc về nhân dân, nhân dân ủy quyền cho nhà nước quyền lực của mình. Mọi chính sách pháp luật của Nhà nước đều phải phục vụ nhân dân.

Từ mục tiêu này, Hiến pháp và Pháp luật đã trao cho nhân dân quyền bầu cử, đây là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Thông qua bầu cử, nhân dân được thực hiện quyền dân chủ bằng cách lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc lựa chọn những người bảo đảm tiêu chuẩn, xứng đáng đại diện cho nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực Nhà nước là yêu cầu quan trọng và có ý nghĩa chính trị to lớn.

Song song với quyền, việc bầu cử cũng đồng thời là nghĩa vụ của mỗi công dân, thể hiện nhiệm vụ của nhân dân là cùng nhau tham gia vào tiến trình xây dựng đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền.

Do đó, bầu cử vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của công dân. Vì thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu tín nhiệm bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt mình thực hiện quyền lực Nhà nước; thông qua bầu cử mà nhân dân góp phần tham gia việc thiết lập ra bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội. Theo đó, phù hợp với mục tiêu xây dựng nhà nước là của dân, do dân và vì dân.

Câu hỏi 5: Theo quy định của pháp luât, Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì, thưa luật sư?

Luật sư:

Thứ nhất, về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội:

Theo Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì đại biểu Quốc hội cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn sau:

(1) Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam

(2) Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

(3) Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

(4) Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu.

(5) Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

(6) Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Thứ hai, về tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân:

Tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định cụ thể tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) như sau:

(1) Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam

(2) Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

(3) Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

(4) Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.

(5) Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

Câu hỏi 6: Thế nào là bầu cử dân chủ, đúng pháp luật theo quy định, thưa ông?

Luật sư:

Một cuộc bầu cử được coi là bầu cử dân chủ và đúng pháp luật phải bảo đảm các yếu tố sau đây:

– Việc bầu cử phải tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín được quy định tại Luật Bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân năm 2015;

– Bảo đảm các quyền bầu cử, ứng cử, vận động bầu cử. Quy định cụ thể những trường hợp bị tước quyền bầu cử, ứng cử; những trường hợp không được thực hiện quyền bầu cử, ứng cử và những trường hợp không tham gia bầu cử;

– Quy định rõ quy trình, thủ tục, các bước giới thiệu người ứng cử, hiệp thương giới thiệu người ứng cử, bầu cử lại, bầu cử thêm, bầu cử bổ sung để bảo đảm lựa chọn được những người xứng đáng làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân;

– Bảo đảm quyền của cử tri nơi người ứng cử công tác, làm việc, cư trú được nhận xét, bày tỏ ý kiến của mình về sự tín nhiệm đối với người ứng cử;

– Quy định rõ tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác bầu cử;

– Việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về bầu cử phải được thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng; các vi phạm về bầu cử phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Câu hỏi 7:

Liên quan đến nội dung chúng ta đang trao đổi, chương trình có nhận được câu hỏi của chị Nguyễn Thị Linh ở Hà Nội với nội dung như sau:

Băng: Có một hiện tượng tôi nhận thấy trong các Cuộc bầu cử trước đây đó là việc trong gia đình thường có một người đứng ra cầm phiếu và bầu cử hộ cho người thân trong gia đình. Như vậy có đúng Luật không?

Vâng, xin lời luật sư giải đáp thắc mắc của chị Linh.

Luật sư:

Theo quy định của Điều 69 Luật Bầu cử đại biểu Quốc Hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 thì cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác đi bầu cử thay, khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri, trừ trường hợp sau:

– Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

– Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

Do đó, trong trường hợp chị Linh đang có thắc mắc, nếu không thuộc một trong các trường hợp trên mà các thành viên trong gia đình nhờ một người đứng ra cầm phiếu và bầu cử hộ là không đúng theo quy định pháp luật.

Câu hỏi 8: Như thế nào được coi là hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử? Người vi phạm về bầu cử sẽ bị xử lý như thế nào, thưa luật sư?

Luật sư:

Có thể hiểu đơn giản rằng, hành vi phạm pháp luật về bầu cử đó là những hành vi làm trái các quy định của pháp luật về bầu cử, bao gồm: Dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội của công dân; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử; cản trở hoặc trả thù người khiếu nại, tố cáo về bầu cử.

Các hành vi vi phạm được liệt kê trên đây, tùy theo mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 160 và 161 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định cụ thể về tội phạm và hình phạt đối với các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân trong bầu cử như sau:

Điều 160. Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân

  1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 02 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Dẫn đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 161. Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân

  1. Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dẫn đến phải tổ chức lại việc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, có thể thấy người phạm tội có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với những hành vi xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử; phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm đối với những hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân. Hơn nữa, người phạm tội cũng có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Câu hỏi 9: Theo quy định của Pháp luật, những trường hợp nào không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, thưa Luật sư?

Luật sư:

Theo quy định tại Điều 37 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc Hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân bao gồm:

  • Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
  • Người đang bị khởi tố bị can.
  • Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.
  • Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.
  • Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Câu hỏi 10: Hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân gồm những gì và thời hạn nộp hồ sơ ứng cử là khi nào, thưa ông?

Luật sư:

– Theo Điều 35 Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND 2015 và Điều 2 Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG quy định hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 gồm:

  • Đơn ứng cử;
  • Sơ yếu lý lịch có đóng dấu giáp lai và xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử công tác hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người ứng cử cư trú;
  • Tiểu sử tóm tắt;
  • Bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử;
  • Mỗi bộ hồ sơ ứng cử của người ứng cử gửi kèm theo 03 ảnh chân dung màu, nền trắng, cỡ 4cm x 6cm (không kể ảnh dán trên Sơ yếu lý lịch và Tiểu sử tóm tắt).

– Theo khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG quy định thời gian nộp hồ sơ ứng cử là trong giờ hành chính các ngày trong tuần, bắt đầu từ ngày 22/02/2021 và kết thúc vào 17h00 ngày 14/03/2021:

Điều 3. Nộp hồ sơ ứng cử

[…]2. Thời hạn nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 là trong giờ hành chính các ngày trong tuần, bắt đầu từ ngày 22 tháng 02 năm 2021 và kết thúc vào 17 giờ 00 ngày 14 tháng 3 năm 2021. Riêng thứ Bảy, ngày 13 tháng 3 năm 2021 và Chủ nhật, ngày 14 tháng 3 năm 2021, Tiểu ban Nhân sự của Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp cử người trực để nhận hồ sơ ứng cử. […]”.

Câu hỏi 11: Vận động bầu cử là gì và phải bảo đảm những yêu cầu gì và trong vận động bầu cử, pháp luật cấm những hành vi nào, thưa luật sư?

Luật sư:

– Vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm; tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử; trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

– Việc vận động bầu cử phải đảm bảo các yêu cầu sau (theo Điều 63 Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND 2015):

  • Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
  • Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó.
  • Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.

– Những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử theo Điều 68 Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND 2015 bao gồm:

  • Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác.
  • Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.
  • Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình.
  • Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan