Trong năm 2023, Luật Xuất nhập cảnh đã có một số sửa đổi, bổ sung quan trọng. Điều chỉnh mới này đã tạo ra những tác động sâu rộng đối với người dân cũng như doanh nghiệp trong nước, từ việc quản lý diễn ra tại các cửa khẩu biên giới cho đến quy định về visa và thời hạn lưu trú. Vậy những thay đổi mới đó đã mang tới những lợi ích gì cho công dân Việt Nam cũng như những người nước ngoài ? Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về vấn đề trên thông qua buổi phỏng vấn trong chuyên mục Bạn & Pháp luật. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Câu hỏi: Thưa luật sư, Luật XNC năm 2023 có nhiều thay đổi theo hướng thuận lợi cho công dân và phù hợp với luật pháp quốc tế. Lần thay đổi này có nhiều điểm mới đáng chú ý. Luật sư có thể cho thính giả biết cụ thể hơn về những điểm mới này đối với công dân Việt Nam, Luật số 49/2019/QH14 và Đối với người nước ngoài tại Việt Nam, Luật số 51/2014/QH13 như thế nào?
Trả lời: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 23/2023/QH15 có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2023 (“Luật sửa đổi 2023”). So với Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam số 49/2019/QH14 và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 51/2019/QH14, Luật số 23/2023/QH15 có những sửa đổi, bổ sung sau:
Thứ nhất, Luật sửa đổi 2023 bổ sung trách nhiệm trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Cụ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam phải có các trách nhiệm sau đây:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng lao động là người nước ngoài, tổ chức chương trình du lịch cho người nước ngoài hoặc cho người nước ngoài tạm trú khi người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam phải thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất; Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm trong khu vực biên giới phải thông báo ngay cho cơ quan Công an hoặc đồn, trạm Biên phòng nơi gần nhất.
Thứ hai, Luật sửa đổi 2023 chính thức bổ sung nơi sinh vào hộ chiếu
Theo khoản 3 Điều 6 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh (hộ chiếu) bao gồm:
- Ảnh chân dung;
- Họ, chữ đệm và tên;
- Ngày, tháng, năm sinh;
- Giới tính;
- Quốc tịch;
- Ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh;
- Ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp;
- Ngày, tháng, năm hết hạn;
- Số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân;
- Chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu
đối ngoại.
Theo điểm b khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh (hộ chiếu) bao gồm:
- Ảnh chân dung;
- Họ, chữ đệm và tên;
- Giới tính;
- Nơi sinh;
- Ngày, tháng, năm sinh;
- Quốc tịch;
- Ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; cơ quan cấp; ngày, tháng, năm cấp; ngày, tháng,
năm hết hạn;
- Số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân;
- Chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu
đối ngoại;
- Thông tin khác do Chính phủ quy định.
Như vậy, quy định mới đã chính thức bổ sung nơi sinh vào hộ chiếu.
Thứ ba, chính thức nâng hạn visa điện tử (EV) lên 90 ngày.
Cụ thể tại khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi đã quy định thời hạn của một số loại thị thực như sau:
- Thị thực ký hiệu SQ có thời hạn không quá 30 ngày.
- Thị thực ký hiệu HN, DL, EV có thời hạn không quá 90 ngày.
- Thị thực ký hiệu VR có thời hạn không quá 180 ngày.
- Thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG3, NG4, LV1, LV2, ĐT4, DN1, DN2, NN1, NN2, NN3, DH, PV1, PV2, TT có thời hạn không quá 01 năm.
Như vậy, so với quy định tại Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 (30 ngày) thì quy định mới đã chính thức nâng hạn visa điện tử EV lên thành 90 ngày.
Thứ tư, công dân không nhận hộ chiếu sẽ bị hủy giá trị sử dụng hộ chiếu
Theo đó, sau 12 tháng kể từ ngày cơ quan chức năng hẹn trả hộ chiếu mà công dân không nhận và không có thông báo bằng văn bản cho cơ quan chức năng về lý do chưa nhận thì cơ quan cấp hộ chiếu thực hiện việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu.
Thứ năm, Luật sửa đổi 2023 bổ sung Tùy viên Quốc phòng là đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao
Cụ thể, người đang phục vụ trong ngành ngoại giao đã được phong hàm ngoại giao hoặc giữ chức vụ từ Tùy viên trở lên, Tùy viên quốc phòng và Phó tùy viên quốc phòng tại cơ quan đại diện ngoại giao, phái đoàn thường trực tại các tổ chức quốc tế liên Chính phủ, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài sẽ được cấp hội chiếu ngoại giao.
Bên cạnh đó, Luật này cũng đã bãi bỏ quy định về việc hộ chiếu còn hạn từ 6 tháng trở lên mới được xuất cảnh vì theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, hộ chiếu còn hạn từ 6 tháng trở lên mới được xuất cảnh, đề phòng phía nước ngoài không cho nhập cảnh. Luật sửa đổi còn có quy định mới về hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông và người đề nghị khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu có thể nộp tờ khai online, ngoài việc nộp tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi như quy định trước đây.
Câu hỏi: Có thể thấy trong nhiều điểm bổ sung thì việc bỏ quy định công dân phải có hộ chiếu từ đủ 6 tháng trở lên mới được xuất cảnh, nâng thời hạn tạm trú đối với công dân nước ngoài tại Việt Nam là hai điểm mới mang đến nhiều thuận lợi cho công dân Việt Nam, tạo cơ hội và lợi ích cho người nước ngoài đến Việt Nam. Đây cũng là bước tiến quan trọng của Việt Nam hướng đến sự giao lưu quốc tế và khuyến khích du lịch, đầu tư và thương mại, thưa luật sư?
Trả lời: Luật sửa đổi 2023 có hiệu lực đã tác động tích cực đến công dân Việt Nam và người nước ngoài. Theo đó, công dân đã được tạo điều kiện thuận lợi trong việc xin thị thực, nhập cảnh, cư trú và làm các thủ tục liên quan ở các nước có yêu cầu in thông tin nơi sinh trong hộ chiếu, giảm thiểu được các chi phí không cần thiết. Đối với các cơ quan, tổ chức, Luật sửa đổi 2023 có hiệu lực đã góp phần phòng, chống lãng phí thông qua việc tận dụng các nguồn lực đã đầu tư để thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ sở dữ liệu…là cơ hội để du lịch Việt Nam tăng sức cạnh tranh với các nước trong khu vực. Việc cho phép công dân tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ được xin cấp thị thực điện tử sẽ giúp họ dễ dàng hơn khi quyết định tới Việt Nam, tạo bước ngoặt về phát triển du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, công dân Việt Nam cũng được tạo điều kiện thuận lợi nhập cảnh theo nguyên tắc có đi có lại.
Câu hỏi: Thưa luật sư, Việt Nam là một trong 30 nước trên thế giới triển khai rất sớm chính sách thị thực điện tử, cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài. So với thủ tục cấp thị thực truyền thống, thủ tục cấp thị thực điện tử mang lại những tiện ích, thuận lợi hơn như thế nào?
Trả lời: Để tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, nhất là góp phần phát triển du lịch, thu hút đầu tư, từ năm 2016, Bộ Công an đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2016/QH14 ngày 26/11/2016 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, thực hiện thí điểm từ ngày 01/02/2017.
Sau thời gian thực hiện thí điểm, loại hình này đã đạt được những kết quả tích cực, theo đó thủ tục đề nghị cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thể hiện rõ sự cải cách thủ tục hành chính, đổi mới mạnh mẽ theo hướng đơn giản hóa hơn so với thủ tục cấp thị thực truyền thống.
Người nước ngoài có thể tự đề nghị cấp thị thực điện tử mà không cần có cơ quan tổ chức, cá nhân ở trong nước mời, bảo lãnh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài có nhu cầu vào tìm hiểu thị trường, đầu tư… mà chưa có điều kiện liên hệ cơ quan, tổ chức ở trong nước.Về thủ tục đề nghị cấp thị thực điện tử thì toàn bộ quá trình từ đề nghị cấp thị thực điện tử đến xử lý, giải quyết và nhận, in thị thực điện tử đều được thực hiện thông qua phương tiện điện tử, việc nộp lệ phí thị thực cũng được trực tuyến qua thanh toán điện tử, góp phần hiện đại hóa thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian, giảm bớt các thao tác đối với người đề nghị cũng như cán bộ xử lý. Người nước ngoài có thể tự tin in thị thực thông qua hệ thống giao dịch điện tử, không phải làm thủ tục nhận thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực ở Việt Nam, ở nước ngoài hoặc tại cửa khẩu quốc tế, không phải qua khâu trung gian.
Câu hỏi: Việc triển khai hệ thống tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị xét duyệt nhân sự cho người nước ngoài qua giao dịch điện tử đang được đẩy mạnh thực hiện. Theo Luật sư thì việc triển khai này đã có những thuận lợi và vướng mắc ra sao?
Trả lời: Việc triển khai hệ thống tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị xét duyệt nhân sự cho người nước ngoài qua giao dịch điện tử đã góp phần nâng cao hiệu quả, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cơ quan, tổ chức, cá nhân người nước ngoài. Hệ thống này cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước có thể theo dõi, kiểm soát, đánh giá và cập nhật thông tin về người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam một cách nhanh chóng và chính xác.
Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị xét duyệt nhân sự cho người nước ngoài qua giao dịch điện tử cũng gặp phải một số khó khăn, 10 thách thức, như: chưa đồng bộ, liên kết được với các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc xử lý hồ sơ; chưa đáp ứng được nhu cầu của một số đối tượng người nước ngoài muốn nhập cảnh vào Việt Nam theo các hình thức khác nhau; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của các bên tham gia vào hệ thống; chưa có cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến hệ thống.
Câu hỏi: Về chính sách đơn phương miễn thị thực, hiện nay đã có những đổi mới như thế nào để tạo sự thông thoáng, cởi mở nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, đầu tư, kinh doanh và lao động?
Trả lời: Từ ngày 15/3/2022, Việt Nam đã miễn thị thực cho công dân 13 quốc gia là Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú 15 ngày. Đây là chính sách đơn phương miễn thị thực được áp dụng lại sau khi bị tạm dừng do dịch bệnh COVID-19.
Từ ngày 15/8/2023, Việt Nam đã chính thức miễn visa 45 ngày cho công dân các nước trên khi nhập cảnh Việt Nam theo quy chế miễn thị thực. Đây là chính sách đơn phương miễn thị thực mới nhất của Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế đến Việt Nam du lịch, đầu tư, kinh doanh và lao động.
Câu hỏi: Từ những nội dung vừa trao đổi, có thể đánh giá rằng, Luật số 49/2019/QH14 và Luật số 51/2019/QH14 quy định nhiều điểm mới về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam. Qua đó tạo hành lang pháp lý và có ý nghĩa như thế nào, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thưa ông?
Trả lời:
Thứ nhất, các văn bản Luật trên đã tạo hành lang pháp lý cho việc xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam theo hướng phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và bảo vệ quốc gia.
Thứ hai, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh bằng cách đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, giảm chi phí, tăng cường công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin và cải thiện chất lượng dịch vụ công.
Thứ ba, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xuất nhập cảnh bằng cách quy định rõ các trường hợp được miễn thị thực, cấp thị thực, cấp giấy phép lao động, cấp thẻ tạm trú, cấp quyền nhập cảnh đặc biệt, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Câu hỏi: Theo ông, cùng với chính sách visa, thị thực đã trở nên thông thoáng hơn, tuy nhiên để phát triển kinh tế, thương mại, du lịch bền vững thì không thể thiếu công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Cụ thể thời gian qua, lợi dụng chính sách thông thoáng của Việt Nam trong cấp thị thực, cũng đã có những cá nhân, tổ chức có hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Việc cấp thị thực thông thoáng là một bước tiến lớn trong việc thúc đẩy hợp tác và giao lưu giữa Việt Nam và các nước bạn. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc phải đối mặt với những rủi ro và thách thức về an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong năm 2019, có hơn 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 16,2% so với năm 2018. Trong số đó, có khoảng 5,5 triệu lượt khách được cấp thị thực điện tử, tăng 40,5% so với năm 2018. Thị thực điện tử là một hình thức cấp thị thực trực tuyến, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam một lần, lưu trú tối đa 30 ngày, được áp dụng cho 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việc cấp thị thực điện tử đã mang lại nhiều lợi ích cho du khách và doanh nghiệp, như tiết kiệm thời gian, chi phí, thủ tục, và tăng tính minh bạch, công bằng. Tuy nhiên, việc này cũng tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh quốc gia và an toàn xã hội. Theo một báo cáo của Cục An ninh Chính trị nội bộ - Bộ Công an, trong năm 2022, có 1.234 vụ vi phạm pháp luật của người nước ngoài tại Việt Nam, tăng 12,7% so với năm 2021. Trong 14 số đó, có 467 vụ liên quan đến ma túy, 312 vụ liên quan đến lừa đảo, 189 vụ liên quan đến đánh bạc, 97 vụ liên quan đến buôn lậu, 64 vụ liên quan đến khủng bố, và 105 vụ liên quan đến các hành vi khác. Nhiều trường hợp người nước ngoài lợi dụng thị thực điện tử để nhập cảnh Việt Nam với mục đích phi pháp, như buôn bán ma túy, vũ khí, người, hoặc tham gia vào các hoạt động chống phá nhà nước.
Do đó, cần có những biện pháp cụ thể để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh cấp thị thực thông thoáng. Một số biện pháp có thể được áp dụng là:
Thứ nhất, tăng cường kiểm tra, giám sát, và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của người nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là những hành vi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và an toàn xã hội.
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ngoại giao, lãnh sự, và an ninh của các nước bạn để trao đổi thông tin, hỗ trợ, và hợp tác trong việc ngăn chặn, phát hiện, và xử lý các vụ việc liên quan đến người nước ngoài.
Thứ ba, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, và cá nhân trong việc cấp thị thực điện tử, đảm bảo rằng chỉ những người đủ điều kiện và có mục đích hợp pháp mới được cấp thị thực. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, và hướng dẫn pháp luật cho người nước ngoài khi đến Việt Nam, nhằm nâng cao ý thức và tôn trọng pháp luật của họ.