Một số nội dung về hỗ trợ pháp lý cần hướng dẫn theo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017

Nội dung bài viết

Tạp chí Dân chủ và pháp luật của Bộ tư pháp số ra tháng 11 năm 2017 có bài việt của luật sư Nguyễn Thanh Hà với chủ đề:

Một số nội dung về hỗ trợ pháp lý cần hướng dẫn theo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017

 

Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là việc Nhà nước quy định và thực hiện các hình thức, nội dung hỗ trợ pháp lý; các điều kiện bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân kinh doanh; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Theo Khoản 3 Điều 14 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017:

“3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan, tổ chức, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các hoạt động sau đây để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa:

a) Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp luậtb) Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý để cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật”.

Quy định này của Luật chỉ mang tính khung chính sách. Vì vậy, để bảo đảm Luật sớm đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả mạnh, cần có nghị định hướng dẫn, thực hiện Luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cần quy định những nội dung sau:

Thứ nhất, những quy định chung

Quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; nguyên tắc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động hỗ trợ pháp lý. Cụ thể:

– Về phạm vi các chủ thể có trách nhiệm hỗ trợ: Nghị định phải quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Về phạm vi các chủ thể được hưởng sự hỗ trợ pháp lý: Nghị định quy định áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

– Đối tượng áp dụng của Nghị định này bao gồm:

+ Các cơ quan chức năng

+ Doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

– Về nguyên tắc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Nghị định quy định theo hướng hoạt động hỗ trợ pháp lý phải đảm bảo sự bình đẳng, được thực hiện bằng các hình thức đa dạng và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương và trong từng thời kỳ.

Cũng tại chương này, Nghị định cần xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong phạm vi hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động hỗ trợ.

Thứ hai, hình thức và nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chương này quy định các hoạt động và nội dung hỗ trợ pháp lý mà các cơ quan nhà nước phải thực hiện để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hướng dẫn cụ thể các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017. Cụ thể:

  1. Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trong Nghị định cần quy định cụ thể: các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức xây dựng, duy trì, cập nhật các cơ sở dữ liệu về tất cả các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản giải đáp pháp luật trong ngành, lĩnh vực, phạm vi do mình phụ trách và đăng tải trên trang thông tin chính thức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan, tổ chức. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận, sử dụng miễn phí thông tin đăng tải trên cơ sở dữ liệu này và có quyền yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan, tổ chức cập nhật toàn văn nội dung văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp luật mà chưa được đăng tải trên trang thông tin chính thức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan, tổ chức.

Hoạt động hỗ trợ này sẽ khắc phục được bất cập hiện nay là doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận với thông tin pháp lý, nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành do các ngành và địa phương ban hành. Đồng thời, quy định này cũng góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch của WTO trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

  1. Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật

Tại Việt Nam hiện nay, hầu hết doanh nghiệp là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, do đó, đa số doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ tư vấn pháp luật, nhất là các doanh nghiệp ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, xùng xa. Trong điều kiện đó, để doanh nghiệp đứng vững và hội nhập hiệu quả, biện pháp xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là rất cần thiết. Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được xây dựng và tổ chức thực hiện sẽ tạo ra bước chuyển biến mới trong việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện tốt các đạo luật sẽ được ban hành trong thời gian sắp tới và đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong đó, tùy thuộc vào từng giai đoạn cụ thể, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp sẽ tập trung giải quyết các vấn đề ưu tiên như thông tin pháp lý; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh; kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế doanh nghiệp; tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa bàn khó khăn.

-Nghị định cần quy định các căn cứ để xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Ví dụ như: Nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp trong từng thời kỳ, tại các vùng, ngành, lĩnh vực, …

-Quy định cụ thể việc thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ:

+ Đối với chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi ngành, địa phương thì như thế nào?

+ Đối với chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành như thế nào?

Về việc cung cấp thông tin, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật

Để bảo đảm việc cung cấp thông tin, phổ biến kịp thời các quy định pháp luật có liên quan phục vụ hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiết nghĩ Nghị định nên quy định các Bộ, ngành liên quan phải có trách nhiệm tổ chức biên soạn, xuất bản tài liệu giới thiệu, tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có liên quan đến ngành, lĩnh vực hoặc phạm vi do mình quản lý cho doanh nghiệp.

Về việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Để đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong điều kiện hiện nay, Nghị định nên quy định các Bộ có trách nhiệm tổ chức xây dựng, định kỳ cập nhật tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật có liên quan đến ngành, lĩnh vực do mình quản lý và phối hợp với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp. Cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo xây dựng kế hoạch hàng năm và phối hợp với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho các báo cáo viên thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương.

Về việc tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Mặc dù đã có các văn bản hướng dẫn thi hành, nhưng thực tiễn sản xuất, kinh doanh vẫn thường xuyên phát sinh nhiều vấn đề mới mà chưa có pháp luật để điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, pháp luật nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo tính đồng bộ, tính cụ thể, đôi khi còn chồng chéo, mâu thuẫn nên đã gây ra cho doanh nghiệp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu và thực thi pháp luật. Vì vậy trên thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vùa vẫn có nhu cầu được tư vấn, giải đáp pháp luật.

Để đáp ứng yêu cầu này của doanh nghiệp, Nghị định nên quy định trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Quy định cụ thể hình thức của việc tư vấn pháp luật, ví dụ:

+ Tư vấn pháp luật bằng văn bản;

+ Tư vấn pháp luật thông qua mạng điện tử;

+ Tư vấn trực tiếp hoặc thông qua điện thoại;

Đồng thời cũng nên quy định thời hạn tư vấn cụ thể, phân cấp thẩm quyền thực hiện tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách cụ thể để cơ quan chức năng và doanh nghiệp dễ thực hiện.

Ngoài ra, cơ quan có chức năng cũng nên tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật

Việc tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện hệ thống pháp luật đã được quan tâm trong thời gian vừa qua nhưng kết quả còn hạn chế. Còn có tình trạng kiến nghị của doanh nghiệp chưa đến được các địa chỉ cần thiết để kịp thời phục vụ cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Bất cập này, một mặt gây bức xúc trong giới doanh nghiệp, trong xã hội, mặt khác không kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan có trách nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất xây dựng hoàn thiện các quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu pháp triển của quan hệ kinh doanh, thương mại.

Để khắc phục tình trạng này, thiết nghĩ Nghị định nên giao cho các Bộ, các ngành liên quan tổ chức việc tiếp nhận, tổng hợp những kiến nghị của doanh nghiệp để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Thứ ba, tổ chức thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Để thiết lập cơ chế hiệu quả về hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp và bảo đảm tính khả thi của Nghị định sau khi được ban hành nên quy định các vấn đề về tổ chức, cán Bộ và tài chính phục vụ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

-Quy định cụ thể kinh phí phục vụ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp sẽ do Ngân sách nhà nước cấp, được tổng hợp vào kinh phí chi thường xuyên của từng cơ quan.

-Đối với chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nguồn kinh phí thực hiện chương trình được sử dụng từ ngân sách nhà nước ở Trung ương, địa phương và sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Về tổ chức thực hiện, Nghị định nên xác định:

– Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi cả nước.

– Quy định cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tư pháp, đơn cử như:

+ Chủ trì hoặc tham gia xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

+ Chủ động tổ chức thực hiện hoặc phối hợp thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này;

+ Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ cho cán Bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

+ Phối hợp với các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng kết công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

– Các Bộ, ngành liên quan chủ động tổ chức thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này; tổ chức tổng kết công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Với việc ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp nhỏ và vừa; khắc phục cơ bản tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thông tin pháp luật; đáp ứng cơ bản yêu cầu bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp và kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp; nâng cao năng lực của các cơ quan, tổ chức thực hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng mô hình hiệu quả trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Đồng thời, khi ban hành văn bản hướng dẫn này mới có thể đưa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thật sự đi vào cuộc sống, đúng nghĩa trở thành “món quà quý”, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển vững mạnh, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

Một số nội dung về hỗ trợ pháp lý cần hướng dẫn theo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 Một số nội dung về hỗ trợ pháp lý cần hướng dẫn theo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan