Một số lý thuyết kinh tế và cơ sở áp dụng cho hoạt động bảo hộ chỉ dẫn địa lý (Phần II)

Nội dung bài viết

(Tiếp theo phần I)

Những phân tích ở trên cho phép kết luận rằng, chỉ dẫn địa lý, với ý nghĩa là đối tượng bảo hộ của quyền SHCN, có tồn tại hiện tượng thông tin bất cân xứng và nếu không có biện pháp bảo vệ hiệu quả, thông tin bất cân xứng về chỉ dẫn địa lý có thể sẽ dẫn đến thất bại của thị trường.

Trong bối cảnh đó, vấn đề thứ hai đặt ra là liệu bảo hộ chỉ dẫn địa có được sử dụng như một giải pháp để vượt qua thất bại của thị trường hay không ?

b. Thứ hai, bảo hộ chỉ dẫn địa lý là giải pháp vượt qua thất bại của thị trường

Các quy định về bảo hộ quyền SHCN đối với chỉ dẫn địa lý theo Hiệp định TRIPs dựa trên hai nguyên tắc pháp lý là (i) chống lại việc làm giả sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm bảo vệ nhà sản xuất và (ii) chống lại việc sử dụng các chỉ dẫn địa lý sai lệch nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Vì vậy, nội dung bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo pháp luật các quốc gia chú trọng đặc biệt đến những quy định nhằm ngăn ngừa những chỉ dẫn địa lý lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về xuất xứ thật của hàng hoá và hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Lý thuyết thông tin bất cân xứng và mô hình Shapiro có thể được áp dụng để phân tích cơ sở kinh tế của việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý.Thứ nhất, bảo hộ quyền SHCN đối với chỉ dẫn địa lý giải quyết vấn đề mất cân bằng thông tin giữa người mua và người bán. Thứ hai, bảo hộ quyền SHCN đối với chỉ dẫn địa lý đảm bảo cho người bán yên tâm đầu tư vào chất lượng và danh tiếng sản phẩm.

(+) Bảo hộ chỉ dẫn địa lý giải quyết vấn đề mất cân bằng thông tin giữa người mua và người bán.

Chỉ dẫn địa lý là những dấu hiệu có khả năng phân biệt, cung cấp thông tin về nguồn gốc địa lý đặc biệt của hàng hoá thông qua các dấu hiệu hay biểu tượng có tính chất quy ước như tên địa lý, hình ảnh, biểu trưng. Thông qua các dấu hiệu đó, người tiêu dùng có thể nhận ra được sản phẩm được sản xuất ở một khu vực địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính khác do nguồn gốc địa lý đó tạo ra. Như vậy, chỉ dẫn địa lý đồng thời mang chức năng phân biệt và chức năng thông tin. Điều này có nghĩa, chỉ dẫn địa lý là kênh thông tin giúp người tiêu dùng giảm bớt thời gian và chi phí tìm kiếm, giúp họ quyết định lựa chọn sản phẩm.

Theo phân loại của các nhà kinh tế học, hàng hoá có thể là một trong ba loại: hàng hoá thử nghiệm, hàng hoá kinh nghiệm và hàng hoá tin dùng.[1] Chỉ dẫn địa lý thường sử dụng cho những sản phẩm nông nghiệp, có đặc tính, tính chất khá đa dạng, có thể thuộc cả ba nhóm hàng hoá trên, nhưng có lẽ tập trung chủ yếu vào nhóm hàng hoá kinh nghiệm tức là các sản phẩm mà chất lượng được nhận biết qua quá trình sử dụng và trải nghiệm và điều này định hướng cho quyết định mua sắm của khách hàng trong tương lai của khách hàng. Quả thật, đối với các sản phẩm nông nghiệp thường được đặc trưng bởi một số đặc tính như mùi vị, cách chế biến hay an toàn vệ sinh thực phẩm… Những đặc tính này thường được người tiêu dùng trực tiếp thử và rút ra kinh nghiệm cho các lần tiêu dùng tiếp theo. Chúng ta có thể xem xét vai trò của chỉ dẫn địa lý đối với hàng hoá kinh nghiệm như thế nào.

Đối với các sản phẩm kinh nghiệm qua việc tiêu dùng thường xuyên (ví dụ như lương thực, thực phẩm, rượu…), vai trò thông tin của chỉ dẫn địa lý thể hiện rất rõ ràng. Người tiêu dùng có kinh nghiệm sử dụng, ghi nhận lại những cảm nhận về những lần sử dụng trước đó, những đặc trưng của sản phẩm sẽ giúp họ nhận biết sản phẩm và gắn nó với chất lượng mong đợi. Ngay cả đối với những sản phẩm kinh nghiệm nhưng không thường xuyên mua (ví dụ những mặt hàng mà khách hàng sẽ sử dụng trong một thời gian khá dài như đồng hồ hay sản phẩm điện tử…), người mua sẽ sử dụng những nguồn thông tin khác nhau có thể là từ bạn bè, gia đình, quảng cáo,… để có những hiểu biết về sản phẩm. Chỉ dẫn địa lý giúp khách hàng nhận biết sản phẩm và chất lượng kỳ vọng của sản phẩm đó.

Chỉ dẫn địa lý với chất lượng, đặc tính hoặc tính chất riêng biệt, khác biệt với những sản phẩm được sản xuất ở các khu vực địa lý khác sẽ là thông tin cho khách hàng lựa chọn sản phẩm và quyết định trung thành với sản phẩm khi chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu và mang tính ổn định.

(+) Chỉ dẫn địa lý đảm bảo cho chủ sở hữu yên tâm đầu tư duy trì chất lượng và danh tiếng cho sản phẩm

Bản thân chỉ dẫn địa lý có chức năng đảm bảo chất lượng sản phẩm. Chỉ dẫn địa lý là những sản phẩm có chất lượng và đặc tính riêng biệt nhờ vào nguồn gốc địa lý. Nhờ hai yếu tố đó mà chỉ dẫn địa lý có danh tiếng. Danh tiếng của chỉ dẫn địa lý được xây dựng dần dần nhờ quá trình trải nghiệm của người tiêu dùng. Nếu mất đi yếu tố chất lượng, danh tiếng chỉ dẫn địa lý sẽ không còn tồn tại nữa. Vì vậy, việc phát triển một chỉ dẫn địa lý cần phải có sự đầu tư duy trì chất lượng sản phẩm, quảng bá và xúc tiến để người tiêu dùng tiếp cận thông tin cũng như nhận biết các dấu hiệu như tên gọi, lôgô… Mục tiêu của việc sử dụng chỉ dẫn địa lý là giúp khách hàng nhận biết và phân biệt rõ ràng sản phẩm của một khu vực sản xuất với các sản phẩm của các khu vực địa lý khác. Theo mô hình Shapiro, danh tiếng sản phẩm có thể sử dụngnhư là một hành vi phát tín hiệu: chất lượng sản phẩm đã được sản xuất và tiêu dùng trong quá khứ được xem như một dấu hiệu hay một thông tin cho chất lượng sản phẩm được sản xuất và thương mại hoá ở thời điểm hiện tại. Các nhà sản xuất ở khu vực địa lý sẽ sử dụng thông tin về mối liên hệ giữa sản phẩm với khu vực địa lý đó để xây dựng danh tiếng.

Tóm lại, theo lý thuyết thông tin và mô hình Shapiro về danh tiếng, có sở thương mại của bảo hộ chỉ dẫn địa lý dựa trên các đặc trưng thương mại của thông tin và danh tiếng. Chính xuất phát từ cơ sở này, chúng ta có thể đánh giá những tác động của việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với các chủ thể trong nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng có một vài điểm khác biệt về giả thuyết đưa ra trong hai lý thuyết trên với bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Những điểm khác biệt này sẽ giúp đánh giá những mặt trái của việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý với các chủ thể có liên quan.

Thứ nhất, lý thuyết thông tin và mô hình Shapiro xem xét tác động thông tin và danh tiếng của một doanh nghiệp cụ thể trong khi chỉ dẫn địa lý gắn với một khu vực địa lý trong đó nhiều nhà sản xuất có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Sự khác nhau này đã dẫn đến một số hệ quả:

  • Tác động liên quan đến chất lượng sản phẩm

Trong mô hình Shapiro, mục đích của doanh nghiệp trong việc đảm bảo chất lượng và xây dựng danh tiếng là nhằm thu được những lợi ích trong tương lai. Giá tối ưu được chứng minh như là một khoản đầu tư nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, giúp xây dựng nhãn hiệu và danh tiếng trong dài hạn. Đối với chỉ dẫn địa lý việc áp dụng kết quả trên sẽ có hai tác động. Một là, giá bán chỉ dẫn địa lý sẽ cao hơn giá của các hàng hoá cùng loại không có nguồn gốc từ khu vực địa lý chỉ dẫn. Hai là danh tiếng tập thể của chỉ dẫn địa lý có thể gây ra tâm lý ỷ lại cho một số nhà sản xuất, họ có xu hướng giữ chất lượng ở mức thông thường nhằm giảm thiểu chi phí.

  • Hạn chế cạnh tranh

Danh tiếng là yếu tố quan trọng của chỉ dẫn địa lý, vì vậy, chỉ dẫn địa lý thường được quản lý bởi chính hiệp hội các nhà sản xuất trong khu vực. Rủi ro có thể xảy ra từ đây khi chính hiệp hội này lạm dụng vị thể của mình để dẫn đến những hành vi thoả hiệp ngầm với nhau. Trong những tổ chức như vậy, các nhà sản xuất không chỉ chung sức xây dựng và gìn danh tiếng cho chỉ dẫn địa lý, mà họ còn có thể hợp tác với nhau để hạn chế cạnh tranh và cùng nhau trục lợi có được từ danh tiếng đó.

Thứ hai,Shapiro cho rằng việc xây dựng danh tiếng cho doanh nghiệp không bị giới hạn về mặt lãnh thổ. Đối với chỉ dẫn địa lý, nó có giới hạn về mặt lãnh thổ trong khu vực mang chỉ dẫn đó. Điều này cũng có thể dẫn đến hai vấn đề liên quan đến ranh giới địa lý.

Một là, quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý của các nhà sản xuất nằm ở ranh giới địa lý. Chỉ dẫn địa lý bị giới hạn bởi một khu vực địa lý nhất định. Vậy các nhà sản xuất nằm ở chính biên giới khu vực đó được giải quyết thế nào, ai sẽ có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý ? Vì thực tế, xét về mặt vị trí địa lý, họ bình đẳng với nhau.

Hai là, đối với các nhà sản xuất nằm ngoài khu vực địa lý được bảo hộ, có một số vấn đề có thể xảy ra hạn chế cạnh tranh trực tiếp. Ví dụ đối với tên gọi, một số chỉ dẫn địa lý nổi tiếng, đã được sản xuất từ rất lâu năm có thể trở thành tên gọi chung ở một khu vực hay một quốc gia khác. Ví dụ tên gọi “champagne” là chỉ dẫn địa lý được bảo hộ ở Pháp nhưng lại trở thành tên gọi chung cho loại rượu vang trắng sủi bọt ở nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Việt Nam. Trong trường hợp này các nhà sản xuất của Hoa Kỳ hay nói rộng hơn là các nhà sản xuất không nằm trong khu vực champagne có được sử dụng tên gọi này không ?

Tóm lại, cơ sở quan trọng nhất của bảo hộ chỉ dẫn địa lý là khía cạnh thương mại của thông tin và danh tiếng. Việc phân tích hai học thuyết trên đây cho thấy các học thuyết này có thể áp dụng để phân tích tác động của bảo hộ chỉ dẫn địa lý dưới góc độ thương mại. Những tác động đó được xem xét trên cả hai phương diện; tích cực và tiêu cực; dưới nhiều góc độ, đối với nhà sản xuất, đối với người tiêu dùng, đối với xã hội.

Vấn đề là làm thế nào để phát huy những tác động tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực của việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Câu trả lời không phải lúc nào cũng giống nhau mà phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản: mức độ bảo hộ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, tác động của bảo hộ chỉ dẫn địa lý còn phụ thuộc vào hiệu quả thực thi pháp luật của mỗi quốc gia trong bảo hộ SHTT nói chung và bảo hộ chỉ dẫn địa lý nói riêng.

Xem lại phần I tại đây

Tài liệu tham khảo chính:

1. Shapiro, C (1983), “Premiums for hight quality Product as a return to reputation”, The Quarterly Journal of Economics, vol.97, trang 659-679

2.Stigler, G.J., (1961),“The economics of information”, Journal of Political Economy, trang 213

3. Rangnekar Dwijen (2003), “The social economic of Geographic Indications: the review of empirical of evidence from Europe”, UNCTAD/ICTSD Capacity Building Project on IPR and Subtainable Development

4.Parmigiano-Reggiano (2002), “Parmigiano-Reggiano wins: Parmesan is not generic in the 15 EU countries”, 25 June 2002. Xem tại trang http://www2.parmigiano-reggiano.it/

5.OECD, « Appellations d’Origine et Indications géographiques dans les pays membres de l’OECD : implications économiques et juridiques », Working Party on Agricultural Policies and Markets of the Committee for Agriculture Joint Working Party of the Committee for AgricultureandtheTradeCommittee,COM/AGR/APM/TD/WP(2000)15/FINA

 


[1]Hàng hoá thử nghiệm (search goods): là các sản phẩm mà người tiêu dùng lựa chọn dựa trên tiêu chí về chất lượng thông qua quá trình tìm kiếm; hàng hoá theo kinh nghiệm(experience goods): là các sản phẩm mà chất lượng được nhận biết qua quá trình sử dụng và trải nghiệm, điều này định hướng cho quyết định mua sắm của khách hàng trong tương lai; hàng hoá tin dùng (credence goods): là những sản phẩm hoặc đã được kiểm nghiệm kỹ càng hoặc đã qua sử dụng lâu dài đảm bảo đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chất lượng. Tuy vậy, hàng hoá không phải luôn luôn rơi vào một trong ba loại được liệt kê ở trên mà thông thường chúng mang đặc điểm của hai hoặc đồng thờiba loại.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan