MỘT SỐ LÝ THUYẾT KINH TẾ VÀ CƠ SỞ ÁP DỤNG CHO HOẠT ĐỘNG BẢO HỘ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ[1]
TS Lê Thị Thu Hà[2]
Thông tin bất cân xứng và Mô hình Shapiro về danh tiếng là hai lý thuyết nổi tiếng và được ứng dụng khá rộng rãi trong kinh tế học. Hai lý thuyết kinh tế này đã chứng minh tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng nhằm giảm bớt sự sai lệch thị trường do tồn tại thông tin bất cân xứng giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Mặt khác, hai lý thuyết này cũng chứng minh vai trò của việc bảo hộ danh tiếng liên quan đến lợi ích kinh tế của nhà sản xuất. Bài viết sẽ phân tích cơ sở áp dụng hai lý thuyết trên cho vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
1. Giới thiệu hai lý thuyết kinh tế“Thông tin bất cân xứng và Mô hình Shapiro về danh tiếng”
a/ Lý thuyết thông tin bất cân xứng
Từ hơn 3 thập kỷ trở lại đây, lý thuyết về thị trường với thông tin bất cân xứng (Asymmetric Information) đã trở thành lĩnh vực nghiên cứu kinh tế quan trọng và thú vị. Các mô hình kinh tế với tình trạng thông tin không hoàn hảo đã trở thành một công cụ không thể thiếu của các nhà nghiên cứu kinh tế. Lý thuyết này trên thực tế đã được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, từ những nền nông nghiệp truyền thống của các quốc gia đang phát triển đến thị trường tài chính hiện đại ở các quốc gia phát triển. Lý thuyết thông tin bất cân xứng lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1970 và đã khẳng định được vị trí của mình trong nền kinh tế học hiện đại bằng sự kiện năm 2001, các nhà khoa học nghiên cứu lý thuyết này là George Akerlof, Michael Spence và Joseph Stiglitz cùng vinh dự nhận giải Nobel kinh tế cho công trình nghiên cứu “Phân tích các thị trường với tình trạng thông tin bất cân xứng”.
Lý thuyết thông tin bất cân xứng đưa giả thuyết rằng các bên tham gia giao dịch, nhà sản xuất và người tiêu dùng có lượng thông tin không cân xứng nhau. Một bên, người bán có lợi thế về thông tin còn bên kia, người tiêu dùng không dễ tiếp cận với những thông tin này. Với giả thuyết đó, các nhà kinh tế sẽ xem xét tác động của sự mất cân bằng thông tin tới sự lựa chọn của khách hàng và quyết định đầu tư của các doanh nghiệp và đã rút ra kết luận thông tin bất cân xứng sẽ gây bất lợi cho cả người mua và người bán và sẽ dẫn đến sự thất bại của thị trường. Lý thuyết đưa ra ba bài toán quan trọng là lựa chọn ngược (adverse selection), rủi ro đạo đức (moral harzard) - hệ quả của hiện tượng thông tin bất cân xứng và phát tín hiệu (signaling) - biện pháp để hạn chế tình trạng này.
Lựa chọn ngượclà tình huống thông tin bất cân xứng xảy ra trước khi tiến hành giao dịch: một bên có lợi thế thông tin về sản phẩm mà bên kia không thể quan sát được nên không thể đưa ra quyết định chính xác và tối ưu. Bên lợi thế có thể lợi dụng đặc điểm này để che dấu, bóp méo thông tin theo hướng có lợi cho mình. Vì vậy, bên thiếu thông tin cần hiểu được bất lợi này để tìm các biện pháp buộc bên có nhiều thông tin phải bộc lộ những đặc điểm hay thông tin cần biết.
Nghiên cứu thị trường xe hơi đã qua sử dụng với hình ảnh “những trái chanh” làm ví dụ. Người muốn mua xe thường không thể biết rõ chất lượng những chiếc xe đã qua sử dụng vì thế không thể phân biệt được đâu là một chiếc xe tốt (trái đào) và đâu là chiếc xe chất lượng tồi (trái chanh). Họ thường trả một mức giá trung bình nằm giữa giá của một chiếc xe tồi và giá một chiếc xe tốt
Rủi ro đạo đứcxảy ra khi người bán nắm thông tin rõ ràng về chất lượng thực sự của chiếc xe cũ đó và thường chấp nhận bán với mức giá trung bình những “trái chanh”, bởi giá bán này cao hơn giá thực sự của chiếc xe và sẽ không muốn bán “những trái đào” với mức giá đó. Với lợi thế thông tin, người bán có xu hướng không đưa ra thị trường những xe tốt nữa vì nó sẽ bị trả với mức giá thấp hơn giá trị thực của nó. Trên thị trường sẽ chỉ còn rất ít những chiếc xe tốt và người mua chỉ mua được những chiếc xe chất lượng kém, với mức giá cao hơn giá trị thực sự của nó. Họ chỉ nhận ra giá trị thực của chiếc xe sau khi trải nghiệm, sử dụng nó. Sự không minh bạch về thông tin khiến cho người mua sẽ có xu hướng trả giá thấp hơn nữa ở những lần mua sau và phải mất thêm chi phí để tìm thông tin về chất lượng sản phẩm ngoài giá bán[3]. Kết quả là những xe chất lượng tốt dần biến mất trên thị trường, trạng thái cân bằng trở lại với mức độ chất lượng thấp hơn. Chu kỳ lặp lại và cuối cùng trên thị trường chỉ còn lại những sản phẩm chất lượng xấu, hàng tốt bị loại bỏ, dẫn đến lựa chọn bất lợi cho cả hai bên. Người mua không muốn tiêu dùng, người bán không có động lực để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, điều này tất yếu dẫn đến sự thất bại của thị trường.
Để hạn chế tình trạng thông tin bất cân xứng, lý thuyết cũng chỉ ra được cơ chế phát tín hiệu: bên có nhiều thông tin có thể phát tín hiệu đến những bên ít thông tin một cách trung thực và tin cậy nhằm khắc phục tình trạng mất cân bằng thông tin trên thị trường.
b/Mô hình Shapiro về danh tiếng
Mô hình Shapiro về danh tiếng nghiên cứu quyết định của doanh nghiệp về mức chất lượng sản phẩm nhằm tối đa hoá lợi nhuận với giả thuyết thị trường cạnh tranh hoàn hảo nhưng thông tin không hoàn hảo đối với người tiêu dùng[4].
Trên thị trường luôn có sự mất cân bằng về thông tin vì vậy, danh tiếng, vốn thường được nhận biết qua những dấu hiệu đặc thù của sản phẩm đóng một vai trò kinh tế rất quan trọng trong việc truyền đạt thông điệp về chất lượng của sản phẩm đến với người tiêu dùng. Khi nhà sản xuất đảm bảo duy trì ổn định chất lượng sản phẩm, danh tiếng của sản phẩm có thể giúp người tiêu dùng tiết kiệm được chi phí tìm kiếm và thử nghiệm. Do đó, các sản phẩm đã có danh tiếng thường được bán với giá cao hơn mức thông thường so với các sản phẩm cùng loại khác và khách hàng cũng sẵn sàng chấp nhận khoản chênh lệch hợp lý này[5]. Khi chất lượng của sản phẩm không đúng như danh tiếng và kỳ vọng của khách hàng, họ có thể phản ứng lại bằng cách tẩy chay sản phẩm đó trong tương lai. Điều này thực sự có ý nghĩa trong quyết định đầu tư của các công ty trong tương lai.
Khi người tiêu dùng tin tưởng vào danh tiếng sản phẩm, nhà sản xuất sẽ phân đoạn thị trường sản phẩm có chất lượng cao và sẽ đầu tư để giữ gìn uy tín đó. Trong giai đoạn đầu tư, nhà sản xuất phải bán sản phẩm thấp hơn chi phí cận biên cho đến khi tạo dựng được danh tiếng. Khi sản phẩm đã có danh tiếng, sản phẩm chất lượng cao được bán với mức giá tối ưu[6]. Giá tối ưu được xem như khoản bù đắp lại chi phí đầu tư ban đầu để xây dựng danh tiếng hoặc chi phí để duy trì và nâng cao chất lượng. Mức giá tối ưu cho sản phẩm chất lượng tốt sẽ đảm bảo cho các nhà sản xuất nâng cao chất lượng và trên thực tế, doanh nghiệp sẽ không thể thu lợi từ một chiến lược giảm chất lượng bởi vì lợi nhuận doanh nghiệp chỉ có được thông qua chiến lược nhất quán trong việc đảm bảo chất lượng.
Cuối cùng, Shapiro còn xem xét những tác động tích cực của việc xây dựng danh tiếng như một giải pháp nhằm khắc phục vấn đề thông tin bất cân xứng và tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu. Sự gia tăng chất lượng tối thiểu sẽ làm giảm giá cân bằng và do đó tăng thặng dư khách hàng khi sử dụng các sản phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên, khi chất lượng sản phẩm tăng, khi doanh nghiệp đã xây dựng được niềm tin đối với khách hàng, việc bán sản phẩm với mức giá tối ưu dẫn đến giảm đi các phúc lợi mà người tiêu dùng được hưởng đối với sản phẩm có cùng chất lượng nhưng được bán ở mức giá thấp hơn. Chi phí được xem như chi phí người tiêu dùng lẽ ra phải trả cho việc tìm kiếm thông tin. Còn đối với doanh nghiệp, chi phí này được tính vào chi phí liên quan đến việc gây dựng danh tiếng (cung cấp thông tin cho người tiêu dùng trong quá khứ) và được tính vào chi phí sản xuất. Do đó, giá tối ưu không được xem như là sự thất bại của thị trường mà nên xem như là chi phí khắc phục tình trạng thông tin bất cân xứng. Nó truyền đạt thông tin nhằm giúp người tiêu dùng đánh giá đúng chất lượng sản phẩm. Quá trình khách hàng nhận thông tin là vấn đề mấu chốt của học thuyết Shapiro: khách hàng càng sớm nhận thức đúng chất lượng của sản phẩm bao nhiêu thì sự khác biệt giữa chi phí cận biên và giá tối ưu càng nhỏ bấy nhiêu. Nghĩa là khách hàng càng nhận thức đúng được giá trị thực sự của hàng hoá thì thì thặng dư tiêu dùng càng lớn và dẫn đến phúc lợi xã hội cũng tăng lên.
Cáclýthuyết trên đều cho thấy vai trò của việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về sản phẩm, điều này không chỉ có lợi cho người tiêu dùng mà còn có lợi cho người sản xuất. Chính vì vậy, rất nhiều các biện pháp đã được nghiên cứu và đưa ra để khắc phục tình trạng này. Các doanh nghiệp tăng cường các hoạt động thông tin về đặc tính sản phẩm như quảng cáo, dán nhãn, chứng nhận chất lượng, đầu tư xây dựng nhãn hiệu, danh tiếng. Bên cạnh đó, chính phủ của các nước cũng thực hiện các chính sách thông tin cho người tiêu dùng thông qua hệ thống quy định về dán nhãn sản phẩm trong đó yêu cầu thông tin về quy trình sản xuất, đóng gói, bao bì, nguồn gốc xuất xứ...
2. Cơ sở áp dụng các lý thuyết kinh tế cho bảo hộ quyền SHCN đối với chỉ dẫn địa lý
Đểxác định liệu các lý thuyết trên có thể áp dụng nghiên cứu đối với bảo hộ chỉ dẫn địa lý được hay không? Để trả lời câu hỏi này cần xem xét hai vấn đề: Thứ nhất, đối với chỉ dẫn địa lý, có tồn tại thông tin bất cân xứng và dẫn đến sự thất bại của thị trường không ? Thứ hai, liệu bảo hộ chỉ dẫn địa lý có được xem như là một giải pháp để vượt qua thất bại của thị trường ? Phần dưới đây sẽ phân tích hai vấn đề này.
a. Thứ nhất, có tồn tại thông tin bất cân xứng đối với chỉ dẫn địa lý ?
Chỉ dẫn địa lý là những chỉ dẫn về hàng hoá bắt nguồn từ lãnh thổ của một Thành viên hoặc từ khu vực hay địa phương thuộc lãnh thổ đó, có chất lượng, danh tiếng hoặc đặc tính khác chủ yếu do xuất xứ địa lý quyết định” (Hiệp định TRIPs, điều 22.1)
Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được sản xuất tại một khu vực địa lý cụ thể, có chất lượng, danh tiếng hoặc các đặc tính khác nhờ nguồn gốc địa lý đó. Chỉ những nhà sản xuất trong khu vực địa lý đó, đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định mới được sử dụng tên địa lý. Ví dụ nước mắm Phú Quốc, được sản xuất ở huyện đảo Phú Quốc, có danh tiếng về chất lượng và khác biệt với các loại nước mắm khác như Phan Thiết, Nha Trang. Về mặt nguyên tắc, chỉ những nhà sản xuất ở khu vực huyện đảo Phú Quốc mới được sử dụng chỉ dẫn Phú Quốc đó cho loại nước mắm mà họ sản xuất ra.
Dễ nhận thấy có tồn tại hiện tượng thông tin bất cân xứng trong tình huống trên. Chỉ những nhà sản xuất trong khu vực mới biết chính xác được về chất lượng, đặc tính của sản phẩm, có nghĩa là họ đứng ở vị trí nắm bắt rõ được thông tin. Còn người tiêu dùng đứng ở vị trí ngược lại, chưa biết về chất lượng, danh tiếng hay đặc tính sản phẩm, không phân biệt được sản phẩm nào được sản xuất ở khu vực địa lý nói trên và những sản phẩm nào không có nguồn gốc từ khu vực đó. Trước sự mất cân bằng về thông tin như vậy, người tiêu dùng chỉ có thể căn cứ vào thông tin nhà sản xuất cung cấp cho họ về khu vực nào sản xuất nước mắm chất lượng tốt và những sản phẩm nước mắm nào được sản xuất ở khu vực địa lý nói trên.
Rõ ràng trong trường hợp trên, nếu người sản xuất từ khu vực địa lý đặc biệt đó không thể thông báo cho công chúng biết mối liên hệ giữa khu vực địa lý với chất lượng, danh tiếng hoặc đặc tính khác của sản phẩm, người tiêu dùng sẽ không thể phân biệt được sự khác nhau giữa sản phẩm đó với những sản phẩm không sản xuất ở khu vực địa lý nói trên. Từ sự mất cân bằng về thông tin giữa người sản xuất và người tiêu dùng như vậy, ở vị trí thuận lợi hơn về thông tin, một số nhà sản xuất có thể phát sinh những hành vi gian lận. Một số những nhà sản xuất không ở khu vực địa lý đặc biệt nói trên có thể lừa dối người tiêu dùng rằng sản phẩm của họ được sản xuất tại khu vực địa lý đó, cũng có chất lượng, danh tiếng hoặc đặc tính khác nhờ vào nguồn nguồn gốc địa lý đó. Như vậy, sẽ dẫn đến hiện tượng là những nhà sản xuất ở khu vực địa lý nói trên sẽ không muốn tiếp tục sản xuất những sản phẩm chất lượng cao nữa vì mặc dù họ phải bỏ ra nhiều chi phí hơn để sản xuất sản phẩm có chất lượng cao nhưng những sản phẩm này cũng chỉ bán được với giá như sản phẩm có chất lượng không tốt, được sản xuất ở khu vực địa lý khác. Dần dần, chính những sản phẩm không thuộc khu vực địa lý đó, có chất lượng không tốt đã loại bỏ dần những sản phẩm chất lượng tốt. Càng ngày, chất lượng sản phẩm sẽ giảm dần và dẫn đến thị trường sản xuất bị thu hẹp lại. Hay nói cách khác, dẫn đến sự thất bại của thị trường.
Xem tiếp phần II tại đây