Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ công ty luật SBLAW đã có bài trả lời phỏng vấn chương trình kinh doanh và pháp luật về một số lưu ý khi tiến hành hoạt động nhượng quyền.
Câu hỏi: Có ý kiến cho rằng nhượng quyền thương mại là một phương thức kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ nảy sinh khiếu kiện, tranh chấp dặc biệt là thiếu hành lang pháp lý an toàn. Đánh giá của ông về vấn đề này như thế nào?
Trả lời: Ở đây nếu xét về mặt rủi ro thì bất cứ hoạt động nào của con người dù là trong đời sống hằng ngày hay trong hoạt động kinh doanh đều có rủi ro.
Nếu nói hoạt động nhượng quyền thương mại đang thiếu một hành lang pháp lý an toàn là chưa chính xác. Hoạt động nhượng quyền thương mại là một hoạt động thương mại quy định của Luật thương mại. Luật thương mại đã dành hẳn 1 chương để quy định về nhượng quyền thương mại. Và để hương dẫn các quy định của Luật thương mại, chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2006/NĐ-CP và Bộ công thương đã ban hành thông tư số 09/2006/TT-BTM để hướng dẫn cụ thể về hoạt động này. Đây là 03 văn bản quan trọng tạo nên hành lang pháp lý của hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hoạt động nhượng quyền thương mại cũng đã được thực hiện sát sao hơn. Các hoạt động nhượng quyền hoặc là phải đăng ký trước khi thực hiện hoạt động tại Việt Nam và/hoặc phải báo cáo định kỳ hàng năm cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc quản lý, giám sát.
Với hành lang pháp lý như trên và hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì các rủi ro trong hoạt động nhượng quyền thương mại đã được hạn chế, giảm bớt phần nào.
Tuy nhiên, điều đặc biệt trong hoạt động nhượng quyền thương mại chính là nội dung thỏa thuận giữa 2 bên (bên nhượng quyền và bên nhận nhượng quyền) đều được quy định rất chặt chẽ dựa trên các nguyên tắc cơ bản của dân luật là quyền tự do thỏa thuận giữa các bên. Chính vì việc tự do thỏa thuận mà tính chất ràng buộc trong hợp đồng nhượng quyền thương mại rất cao. Việc phá vỡ các thỏa thuận/cam kết trong hoạt động nhượng quyền thương mại là rất khó và đem lại nhiều thiệt hại lớn cho bất cứ bên nào có ý định vi phạm các cam kết đã đưa ra. Do đó, rủi ro trong hoạt động nhượng quyền thương mại một lần nữa được giảm xuống.
Hơn nữa, từ thực tiễn hoạt động nhượng quyền thương mại được thực hiện theo hệ thống dựa trên một bộ tiêu chuẩn chung được kiểm soát, duy trì và áp dụng rất gắt gao và khắt khe. Các bêntrước khi quyết định ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại có quyền tìm hiểu kỹ về hệ thống nhượng quyền. Thậm chí được phép tiếp cận cả các cửa hàng trong hệ thống, phỏng vấn tât cả các chủ thể có liên quan từ nhân viên, nhân viên quản lý đến chủ hệ thống. Các thông tin đưa ra đều rất công khai và hoàn toàn dễ dàng kiểm chứng. Bên cạnh đó, sự thành công của một hệ thống cũng có thể được kiểm chứng thông qua hoạt động kinh doanh thực tế của các cửa hàng trong hệ thống nhượng quyền thương mại.
Do đó, một khi đã quyết định tham gia vào hệ thống nhượng quyền thương mại, các bên đã phải hiểu rất rõ về nhau và tự đánh giá khả năng của mình xem liệu có phù hợp và có khả năng đáp ứng các yêu cầu của hệ thống mà mình muốn tham gia hay không. Do đó, rủi ro trong hoạt động nhượng quyền thương mại một lần nữa được giảm xuống đến mức thấp nhất.
Câu hỏi: Có thể nói sự xuất hiện các hệ thống nhượng quyền của Việt Nam như cà phê Trung Nguyên, phở 24, Bakerry Kinh Đô … đã đánh dấu sự thành công bước đầu của doanh nghiệp VIệt trong hoạt động nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, việc tạo lập một thương hiệu là rất khó, việc duy trì và gia tăng giá trị của thương hiệu còn khó hơn nhiều, nhất là với phương thức nhượng quyền thương mại . Vậy lưu ý cho doanh nghiệp ở đây là gì?
Trả lời: Trước tiên, muốn phát triển được một hệ thống nhượng quyền thương mại và vận hành hệ thống này thì ít nhất các doanh nghiệp phải có được một sự độc quyền về mặt thương hiệu.
Do đó bước đầu tiên và quan trọng nhất là tìm kiếm sự bảo hộ về mặt nhãn hiệu, tên thương mại của nhà nước. Các hệ thống như Phở 24, Trung Nguyên, Kinh Đô sẽ không thể phát triển được nếu như các nhãn hiệu Phở 24, Kinh Đô, Trung Nguyên không được bảo hộ tại Việt Nam.
Một lý do đơn giản là khi không được bảo hộ độc quyền thì bất cứ ai cũng có thể sử dụng các nhãn hiệu này cho hệ thống cửa hàng của mình. Mà một khi ai cũng có thể sử dụng thì có nghĩa là không ai cần thiết phải nhận nhượng quyền từ một chủ thể khác.
Một lưu ý tiếp theo mà các doanh nghiệp cần phải lưu ý là chuẩn hóa mô hình nhượng quyền của mình càng chi tiết càng cụ thể càng tốt.
Vì một khi đã chuẩn hóa thì việc quản lý sẽ dễ dàng hơn, việc nhượng quyền cũng sẽ dễ dàng vì có thể được áp dụng một cách thông nhất tạo sự bình đẳng giữa các bên nhận nhượng quyền. Nếu việc chuẩn hóa mô hình không được tốt thì sẽ rất khó để có thể đảm bảo sự bình đẵng giữa các bên nhận nhượng quyền do đó, có thể sẽ dẫn đến việc phá vỡ sự ổn định của toàn bộ hệ thống.
Câu 3: Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị cho mình hành trang gì để cóthể tận dụng cơ hội, vượt qua khó khăn, thử thách trước thị trường nhượng quyền thương mại đầy sôi động hiện nay?
Trả lời: Nhượng quyền thương mại đã chứng minh được các ưu điểm của mình trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, sự thành công của các tập đoàn đa quốc gia trong việc nhượng quyền thương mại là minh chứng hùng hồn cho nhận định này.
Do đó, để có thể tận dụng được cơ hội, vượt qua khó khăn và thử thách của hoạt động nhượng quyền thương mại, các doanh nghiệp trước tiên cần phải chuẩn bị tốt các tiền để để thực hiện việc nhượng quyền (đăng ký thương hiệu, chuẩn hóa hệ thống, chuẩn bị đội ngũ quản lý…).
Tiếp đến, cần phải đảm bảo việc nghiên cứu và nắm bắt thị trường tốt để có thể thu được kết quả kinh doanh khả quan khi thực hiện việc nhượng quyền thương mại.
Đặc biệt để hạn chế tốt nhất các rủi ro, việc tìm kiếm ý kiến tư vấn pháp lý của các tổ chức tư vấn pháp lý chuyên nghiệp là điều nên làm trước khi ký kết bất cứ hợp đồng nhượng quyền thương mại nào.