Nhận lời mời của Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam, luật sư Thanh Hà có bài tham luận đóng góp ý kiến trong Toạ đàm về quy định quảng cáo và thương mại điện tử trong dự thảo Nghị định của CP quy định chi tiết một số điều của luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Sau đây là nội dung tham luận của luật sư Nguyễn Thanh Hà>
Kính thưa quí vị đại biểu, quí vị khách quý!
Tôi là Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law. Qua nghiên cứu Dự thảo Nghị định, tôi có một số ý kiến đóng góp như sau:
Thứ nhất, Điều 3 Dự thảo Nghị định quy định ngoài các địa điểm quy định các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 10 Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, các địa điểm công cộng không được uống rượu, bia bao gồm:
Công viên; Nhà chờ xe buýt; Rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao trong thời gian tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và công năng sử dụng chính của các địa điểm này. các cơ quan quản lý sẽ khó có đủ lực lượng, để xử lý người uống rượu, bia tại địa điểm trên.
Dự thảo quy định các địa điểm công cộng không được uống rượu, bia là quá chặt chẽ và khó khả thi.
Thứ hai, Điểm b Khoản 2 Điều 5 Dự thảo quy định quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ trên phương tiện quảng cáo ngoài trời phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu 200m tính từ điểm đặt phương tiện quảng cáo đến ranh giới gần nhất của khuôn viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.
Quy định này là không phù hợp với mật độ biển quảng cáo tại một số đô thị lớn ở Việt Nam hiện nay như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Do đó, tôi ủng hộ phương án 2 tại Dự thảo đó là bảo đảm khoảng cách tối thiểu 100m tính từ điểm đặt phương tiện quảng cáo đến ranh giới gần nhất của khuôn viên cơ sở giáo dục, khuôn viên cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.
Thứ ba, Điểm a Khoản 3 Điều 5 Dự thảo Nghị định quy định:
Quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và bia phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia bảo đảm các quy định sau đây:
Phương án 1: Có một trong các nội dung cảnh báo: “uống rượu, bia có thể gây tai nạn giao thông”, “uống rượu, bia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi”, “người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia”.
Phương án 2: Có một trong các nội dung cảnh báo: “uống rượu, bia có thể gây tai nạn giao thông”, “uống rượu, bia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi”, “người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia”; “uống rượu, bia có thể gây xơ gan”;
Theo tôi nên lựa chọn phương án 1 và bổ sung thêm cảnh báo “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”.
Thứ tư, trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Điều 6 có quy định về thực hiện biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia trong hoạt động bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử.
Quy định này gồm 5 yêu cầu, tuy nhiên, những yêu cầu này mới mang ý nghĩa về mặt lý thuyết, chưa có cơ quan quản lý trực tiếp hoạt động bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử.
Dự thảo Nghị định cần quy định rõ ràng về cơ quan quản lý, cách thức quản lý cho hoạt động này để có được đầu mối kiểm tra, giám sát thông tin người mua, người bán rượu, bia chặt chẽ, đảm bảo các thông tin được kiểm tra là chính xác.
Thứ năm, quy định về quản lý rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong Dự thảo Nghị định vẫn khá mờ nhạt.
Dự thảo Nghị định cần có những quy định cụ thể, khả thi phù hợp với thực tế hiện nay, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần thắt chặt quản lý, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật đã ban hành để kiểm soát loại rượu sản xuất thủ công này bởi đây là nguyên nhân chính gây ra những vụ ngộ độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe người dân.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia, đồng thời, đây cũng là đạo luật khó do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân vì vậy để đạo luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm và xem xét, chỉnh sửa một số nội dung trong các dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để tạo điều kiện cho ngành phát triển ổn định.
Bên cạnh đó cũng góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.