Luật Đất đai 2024, có hiệu lực từ ngày 01/08/2024, đã kế thừa Luật Đất đai 2013 và mang đến nhiều thay đổi quan trọng trong lĩnh vực tố tụng đất đai, nhằm giải quyết hiệu quả hơn các tranh chấp và vi phạm liên quan đến đất đai. Dưới đây là một số điểm mới nổi bật:
1. Quy định về “Hòa giải tranh chấp đất đai” tại Điều 235
Tại khoản 1 Điều 235 Luật đất đai 2024 quy định: “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải, hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại hoặc cơ chế hòa giải khác theo quy định của pháp luật.”. Theo đó, Luật đất đai 2024 bổ sung hình thức hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại hoặc cơ chế hòa giải khác theo quy định của pháp luật.

Tại khoản 2 Điều 235 Luật đất đai 2024 quy định tất cả các tranh chấp về đất đai phải thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã, theo đó việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện như sau:
Bước 1: Các bên nộp đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai.
Bước 2: Chủ tịch Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai;
Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai (Luật đất đai 2024 giảm thời gian hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã từ 45 ngày xuống còn 30 ngày).
Bên cạnh đó, tại điểm đ khoản 2 Luật đất đai 2024 quy định trường hợp hòa giải thành và có thay đổi hiện trạng về ranh giới, diện tích, người sử dụng đất thì trong thời hạn 30 ngày làm việc, các bên tham gia hòa giải phải gửi văn bản công nhận kết quả hòa giải thành đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định.
2. Quy định về “Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai” tại Điều 236
Quy định về "Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai" tại Luật Đất đai 2024 đã kế thừa nội dung tại Điều 203 Luật Đất đai 2013. Quy định hiện hành đối với trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất thì được lựa chọn cơ quan giải quyết là Tòa án nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân.
Một trong những điểm mới quan trọng của Luật Đất đai 2024 là việc bổ sung thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho Trọng tài thương mại. Cụ thể, theo khoản 5 Điều 236, tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai có thể được giải quyết bởi Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc bởi Trọng tài thương mại Việt Nam theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại. Quy định này mở rộng sự lựa chọn cho các bên trong việc giải quyết tranh chấp, đồng thời thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp một cách linh hoạt, nhanh chóng và hiệu quả hơn.
3. Quy định về “Giải quyết khiếu nại, khởi kiện về quản lý đất đai” tại Điều 237
Quy định về "Giải quyết khiếu nại, khởi kiện về quản lý đất đai" tại Luật Đất đai năm 2024 đã kế thừa nội dung tại Điều 204 Luật Đất đai năm 2013, tuy nhiên đã bổ sung thêm khoản 3 Điều 237 quy định về thu thập, bảo quản, sử dụng và lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến giải quyết khiếu nại về quản lý đất đai. Theo đó, các quy công việc này tuân thủ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
4. Quy định về “Giải quyết tố cáo về quản lý, sử dụng đất đai” tại Điều 238
Luật Đất đai năm 2024 có sự thay đổi về tên điều luật theo hướng quy định rõ giải quyết tố cáo về đất đai (Điều 205 Luật đất đai 2013) là giải quyết tố cáo về quản lý, sử dụng đất đai (Điều 238 Luật đất đai 2024). Do nội dung của quy định này cũng đang giới hạn rõ việc tố cáo vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai (phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai) nên tên điều luật được thay đổi nhằm thống nhất về mặt logic với nội dung điều luật.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung thêm quy định hướng dẫn việc thu thập, bảo quản, sử dụng và lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến giải quyết tố cáo về quản lý, sử dụng đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo tại Khoản 3 Điều 238. Do hiện nay, nội dung về thu thập, bảo quản, sử dụng và lưu trữ hồ sơ, tài liệu được quy định trong nhiều các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Mỗi luật chuyên ngành lại có những quy định riêng về việc thu thập, bảo quản, sử dụng và lưu trữ hồ sơ, tài liệu phù hợp với đặc trưng chuyên ngành của mình. Do đó, Luật Đất đai năm 2024 phải bổ sung thêm quy định hướng dẫn việc thu thập, bảo quản, sử dụng và lưu trữ hồ sơ, tài liệu về việc giải quyết tố cáo phải thực hiện theo quy định pháp luật về tố cáo để các chủ thể có cơ sở pháp lý thực hiện.
5. Quy định về “Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai” tại Điều 239
Quy định về "Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai" tại Luật Đất đai năm 2024 kế thừa nội hàm quy định tại Điều 206 Luật Đất đai năm 2013, có sự sắp xếp, diễn đạt lại quy định pháp luật ngắn gọn hơn. Theo đó, người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai sẽ vẫn phải chịu xử phạt (tùy theo tính chất, mức độ vi phạm) và bồi thường thiệt hại (nếu có). Tuy nhiên, về hình thức xử phạt vi phạm pháp luật, Luật Đất đai năm 2024 bổ sung thêm một hình thức xử phạt là hình thức xử lý kỷ luật tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Hình thức xử lý kỷ luật là hình thức được áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức. Xuất phát từ phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Đai đai năm 2024 thì: luật này quy định cả quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai. Do đó, người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai có thể là cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai. Vì vậy, việc quy định thêm hình thức xử lý kỷ luật là hợp lý, giúp thống nhất quy định về hình thức xử lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật.
6. Quy định về “Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai khi thi hành công vụ” tại Điều 240
Luật Đất đai 2024 đã sửa đổi tên điều luật từ “Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai trong lĩnh vực đất đai” (Điều 207 Luật đất đai 2013) thành “Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ”. Sửa đổi này là hợp lý bởi quy định điều chỉnh đối với người có hành vi vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ, tức đối với các chủ thể mang tính quyền lực Nhà nước. Do đó, có thể xác định luôn được lĩnh vực vi phạm về đất đai đối với các chủ thể này là công tác quản lý đất đai. Do đó, việc điều chỉnh tên điều luật giúp làm ngắn gọn nhưng vẫn bao quát đủ ý nội dung của điều luật.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2024 bổ sung hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định pháp luật thuộc hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai khi thi hành công vụ nhằm thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, tại khung cơ bản của Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về "Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai" đang quy định cả hai hành vi lợi dụng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Do đó, Luật Đất đai năm 2024 bổ sung thêm hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong quản lý đất đai nhằm thống nhất với quy định này, có cơ sở cho việc định tội nếu mức vi phạm phải xử lý hình sự.
Quy định tại điểm a khoản 1 Điều này đang được xây dựng theo hướng liệt kê các công việc trong công tác quản lý nhà nước, làm cơ sở để xác định hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn trái với quy định pháp luật. Nội dung quản lý Nhà nước về đất đai đã được quy định chi tiết tại Điều 20 Luật Đất đai năm 2024, do đó, điểm a khoản 1 đã bổ sung thêm các hành vi về: trưng dụng đất, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nhằm thống nhất nội dung quy định giữa các quy định trong cùng một văn bản pháp luật.
Những điểm mới trong Luật Đất đai 2024 về tố tụng thể hiện nỗ lực của nhà nước trong việc hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp đất đai một cách hiệu quả, minh bạch và công bằng. Luật Đất đai 2024 đã kế thừa và phát triển các quy định của Luật Đất đai 2013, đồng thời đưa ra nhiều điểm mới quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý về tố tụng đất đai. Những sửa đổi và bổ sung này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai mà còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan. Đặc biệt, việc rút ngắn thời gian hòa giải, mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho Trọng tài thương mại, cũng như quy định cụ thể về thu thập, bảo quản, lưu trữ hồ sơ đã mang lại sự minh bạch, linh hoạt và hiệu quả hơn trong quá trình giải quyết các vấn đề về đất đai.
Những cải tiến này không chỉ phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội mà còn thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc nâng cao trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan có thẩm quyền và người dân trong việc sử dụng, quản lý đất đai một cách hợp pháp, bền vững và công bằng. Việc bổ sung thẩm quyền cho Trọng tài thương mại, đa dạng hóa hình thức hòa giải, rút ngắn thời gian hòa giải tại cơ sở và tăng cường kiểm tra chuyên ngành về đất đai đều nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Phạm Thị Lan Anh
Tham khảo thêm >> Luật sư tư vấn Luật đất đai