Mở văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

Nội dung bài viết

Trong chương trình phát thanh kinh doanh và pháp luật trên Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), Luật sư Nguyễn Thanh Hà, đến từ công ty Luật SBLAW (SBLAW) sẽ trả lời thính giả về thủ tục Mở văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Chúng tôi trân trọng gửi tới quý vị nội dung bài phỏng vấn:

Thính giả: Công ty tôi ở Hà Lan, do một người làm chủ sở hữu. Công ty này muốn thành lập văn phòng đại diện (VPĐD) tại Việt Nam. Xin luật sư cho tôi biết điều kiện để thành lập văn phòng và thủ tục để thành lập?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà:

Căn cứ pháp lý:Nghị định 72/2006/NĐ-CP ngày 25/07/2006 và Nghị định sửa đổi 120/2011/NĐ-CP ngày 16/12/2011 của Chính phủ về hướng dẫn Luật thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam (“VPĐD”).

Về điều kiện thành lập: Là thương nhân được pháp luật nước, vùng lãnh thổ (sau đây gọi chung là nước) nơi thương nhân đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh công nhận hợp pháp; Đã hoạt động không dưới 01 năm, kể từ khi được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp ở nước của thương nhân.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập VPĐD gồm:

Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện (VPĐD) theo mẫu;

Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam;

Báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương chứng minh sự tồn tại và hoạt động thực sự của thương nhân nước ngoài trong năm tài chính gần nhất;

Bản sao Điều lệ hoạt động của thương nhân đối với thương nhân nước ngoài là các tổ chức kinh tế;

Bản sao giấy chứng minh nhân dân (nếu là người Việt Nam), bản sao hộ chiếu (nếu là người nước ngoài) của người đứng đầu Văn phòng đại diện;

Bản sao hợp đồng thuê địa điểm đặt trụ sở Văn phòng đại diện.

(Lưu ý: Các giấy tờ do cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp hay xác nhận trong hồ sơ xin giấy phép thành lập VPĐD nêu trên sẽ phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và dịch ra tiếng Việt; bản dịch, bản sao phải được chứng nhận hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam).

Thủ tục: Bạn sẽ nộp hồ sơ xin giấy phép thành lập VPĐD lên Sở công thương tỉnh, thành phố nơi dự định đặt văn phòng.

Theo quy định của pháp luật thì trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày chấp nhận hồ sơ hợp lệ, Sở công thương hoàn thành việc thẩm định và cấp cho thương nhân nước ngoài Giấy phép thành lập VPĐD.

Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy phép, VPĐD phải đăng báo viết hoặc báo điện tử được phép phát hành tại Việt Nam trong 03 số liên tiếp; phải chính thức hoạt động và thông báo cho Sở Công thương về việc mở cửa hoạt động tại trụ sở đã đăng ký.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan