Trong bài "Mô hình dùng tiền ảo 'nhử' tiền thật của iFan còn ‘siêu’ hơn cả đa cấp" đăng trên báo điện tử Một thế giới, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SB Law, mô hình huy động vốn của iFan còn siêu hơn cả kinh doanh đa cấp. Cụ thể, nó kết hợp cả hình thức đầu tư lending (thuê vốn và trả lãi bằng tiền ảo ifan cho nhà đầu tư), ponzi (lấy tiền người sau trả cho người trước) và kinh doanh đa cấp (tức là có nhiều cấp).
Vụ lừa đảo bằng tiền ảo iFan của Công ty Cổ phần Modern Tech tại TP.HCM khiến 32.000 người bị thiệt hại 15.000 tỉ đồng đang thu hút sự chú ý lớn của dư luận xã hội vì nhiều nạn nhân kêu cứu. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SB Law xoay quanh vấn đề này.
- Quan điểm của ông về mô hình huy động tiền ảo, góp vốn trả lãi suất rất cao (48%/tháng) này thế nào? Các đối tượng cầm đầu đã vi phạm gì?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Công ty cổ phần Modern Tech đưa ra mức lãi suất quá cao và dùng cả “chim mồi” để chiêu dụ các nhà đầu tư. Với mức lãi suất khủng khiếp lên đến 48%/tháng đã đánh trúng vào lòng tham của nhà đầu tư khiến họ dễ dàng rót tiền vào dự án.
Điều đáng nói ở đây, mô hình huy động vốn của dự án iFan còn siêu hơn cả kinh doanh đa cấp. Cụ thể, nó kết hợp cả hình thức đầu tư lending (thuê vốn và trả lãi bằng tiền ảo ifan cho nhà đầu tư), ponzi (lấy tiền người sau trả cho người trước) và kinh doanh đa cấp (tức là có nhiều cấp).
Thoạt nghe thì nhà đầu tư cứ nghĩ mình được lời đậm. Họ nhìn thấy khối tài sản của mình ngày càng tăng lên theo cấp số nhân nhưng thực chất đó chỉ là tài sản ảo bởi cuối cùng họ cũng không thể nào rút tiền ra được.
Các quy định hiện hành không thừa nhận các loại tiền ảo là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức, cá nhân phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Không những vậy mà theo quy định tại Khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 - 200 triệu đồng.
Trong vụ việc này, Công ty cổ phần Modern Tech lợi dụng tiền ảo để huy động vốn hay góp vốn trả lãi siêu lợi nhuận là bất hợp pháp. Nếu có thủ đoạn gian dối thì truy cứu về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174) với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân, nếu không thì có thể truy cứu về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (Điều 217a), mức hình phạt cao nhất là 5 năm tù.
- Theo ông, trong vấn đề này, pháp luật có kẽ hở nào để các đối tượng lợi dụng?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định về tiền ảo. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.
Chính phủ vẫn đang trong quá trình xây dựng khung pháp lý về tiền ảo. Tuy nhiên, thiết nghĩ, trước mắt, các cơ quan có thẩm quyền phải có ngay động thái chấn chỉnh. Ít nhất các cơ quan này phải ra cảnh báo rất rõ ràng và kiên quyết để người dân biết về mức độ rủi ro rất cao.
- Liệu người dân có thể đòi lại được tiền trong vụ việc này không, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Việc người dân đã đưa tiền vào dự án iFan có lấy lại được không sẽ phụ thuộc vào quá trình điều tra công ty đứng sau dự án này. Nhưng dưới góc độ pháp luật, người dân tham gia vào hoạt động không được pháp luật công nhận, sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có rủi ro xảy ra nên người tham gia khó có hy vọng đòi được tiền.
Giờ chỉ còn trông chờ việc thu hồi tài sản, được bao nhiêu thì đem chia cho những người bị hại theo tỷ lệ đã góp. Mà thường những công ty như vậy họ đã tẩu tán tài sản rồi.
- Ông có khuyến cáo gì đối với người dân sau vụ việc này?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Như tôi đã trình bày ở trên, hiện chưa có bất cứ văn bản pháp luật nào của cơ quan quản lý nhà nước quy định, điều chỉnh về tiền ảo. Do đó, rủi ro mà những người chơi tiền ảo có thể gặp phải (trong trường hợp phát sinh các tranh chấp hoặc bị thiệt hại từ các giao dịch liên quan đến tiền ảo) là quyền lợi của họ sẽ không được pháp luật bảo vệ, bởi tiền ảo chưa được công nhận tại Việt Nam. Ðồng thời, những người tham gia các giao dịch tiền ảo còn có thể gặp rủi ro khi phải đối diện trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Người dân cần hết sức cảnh giác, vì đầu tư vào các loại tiền ảo không có gì bảo đảm, có thể mất trắng; khi xảy ra tranh chấp không biết kêu ai. Ðể quản lý, giám sát được tiền ảo, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành các văn bản liên quan.
Nguồn: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/mo-hinh-dung-tien-ao-nhu-tien-that-cua-ifan-con-sieu-hon-ca-da-cap-85767.html
Video giới thiệu về luật sư Nguyễn Thanh Hà chủ tịch công ty Luật SBLaw. Trong video luật sư Nguyễn Thanh Hà chia sẻ về kinh nghiệm hành nghề luật sư và quản trị công ty luật tại Việt Nam, cách thức chăm sóc khách hàng trong lĩnh vực tư vấn pháp lý, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư nước ngoài và sở hữu trí tuệ: